Gần 1 năm trước, chàng trai Nguyễn Văn Đức tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chữa trị trong tình trạng tính mệnh như “chỉ mành treo chuông”: Căn bệnh mô bào hành hạ 5 năm khiến phổi của Đức hỏng toàn bộ, thể trạng siêu còi cọc, tiên lượng sống mong manh.
Để cứu sống Đức, các bác sĩ không còn một giải pháp điều trị nào khác ngoài ghép phổi. Song, vào thời điểm đó, nguồn tạng hiến vẫn còn ít ỏi. Có những trường hợp chờ ghép phổi cả năm trời, nhưng không có người cho và phải chấp nhận chết, hoặc khi có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp nên không ghép được.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước trò chuyện với em Đức trước lúc ra viện
|
Không chỉ gặp thách thức về mặt nguồn tạng, các bác sĩ còn gặp thách thức về phẫu thuật. Các liệu pháp điều trị tích cực hiện đại nhất của hồi sức, ví dụ: ECMO, siêu lọc, đều thất bại trong việc hồi phục thể trạng đạt tiêu chuẩn để phẫu thuật cho chàng trai trẻ.
Bên cạnh đó, kỹ thuật ghép phổi còn mới, phức tạp, các bác sĩ Việt Nam chưa từng thực hiện ghép phổi mà không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đức (giữa) cùng gia đình và các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
|
“Ca bệnh của Đức là một sự thử thách đối với bệnh nhân và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với tử thần để giành lại sự sống cho cháu” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện chia sẻ.
Vượt lên tất cả, các bác sĩ và gia đình quyết tâm, cố gắng điều trị cho Đức. May mắn đã mỉm cười với chàng trai trẻ và ê kíp bác sĩ khi có tạng hiến phù hợp kịp thời, ca phẫu thuật thành công, không xảy ra biến chứng. Sau 10 tháng nằm viện, Nguyễn Văn Đức được xuất viện trong niềm hân hoan của cả gia đình và các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước nhận định, trường hợp của Nguyễn Văn Đức là một kỳ tích, là trường hợp ghép phổi trải qua những cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới, sự thành công vượt bậc của y học trong nước.