Theo tìm hiểu của VietTimes, Besco tiền thân là Công ty Dịch vụ công ích TNXP, được thành lập năm 1997 và chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn từ ngày 6/4/2010 theo Quyết định số 1579/QĐ-UB của UBND Tp. HCM.
Trong giai đoạn đầu phát triển, hoạt động của Besco tập trung vào một số hoạt động công ích trên địa bàn Tp. HCM. Bước ngoặt đánh dấu bước chuyển mình của doanh nghiệp này có thể kể tới sự kiện diễn ra vào năm 2009.
Cụ thể, UBND Tp. HCM đã có Quyết định số 1102/QĐ-UBND ngày 20/3/2009, thực hiện sáp nhập 3 công ty trực thuộc Lực lượng TNXP Tp. HCM là: Công ty Sản xuất kinh doanh Thương mại và Dịch vụ XNK TNXP, Công ty Đầu tư và Xây dựng TNXP (Cinco) và Công ty Khai thác chế biến Lâm Nông sản cung ứng xuất khẩu TP.HCM vào Besco.
Kể từ đây, Besco không chỉ bó hẹp trong hoạt động trông giữ xe mà mở rộng sang các dịch vụ công ích khác, đáng chú ý là các khoản đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Một phần nguyên nhân đến từ việc sáp nhập với Cinco - một công ty hoạt động khá tích cực trong lĩnh vực bất động sản của Lực lượng TNXP Tp. HCM trước đó.
Được biết, Cinco từng được UBND Tp. HCM giao cho thực hiện dự án địa ốc tại Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông (năm 2001) và đầu tư xây dựng khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi B (năm 2004). (Đọc thêm: Cổ đông lớn nhất của VietCapital Bank và nỗ lực xử lý nợ xấu của Sacombank)
Theo giới thiệu của Besco, công ty đã thi công và đưa vào hoạt động một số dự án như: Dự án khu dân cư Bình Trị Đông (Quận Bình Tân); Dự án Chung cư An Sương; Dự án khu nhà ở Hiệp Bình Phước (Quận Thủ Đức).
Trong khi đó, Besco đang thực hiện và chuẩn bị đầu tư một loạt các dự án bất động sản khác, bao gồm: Dự án Trung tâm giao dịch thương mại, siêu thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ (số 992 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, Tp. HCM); Dự án chung cư Tân Thới Hiệp (Quận 12); Dự án khu Dân cư và Thương mại Phú Mỹ (gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng); Khu nhà ở Thanh niên xung phong Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh).
Phối cảnh dự án Chưng cư Tân Thới Hiệp mà Besco dự kiến triển khai
|
Thuê mặt bằng và đi vay với chi phí “siêu rẻ”
Các báo cáo tài chính được công bố trong những năm gần đây phần nào phác họa quy mô tài sản cũng như hiệu quả hoạt động của Besco.
Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, quy mô tổng tài sản của Besco đạt tới 1.129,8 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức khá khiêm tốn là 329,866 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Besco là các khoản mục: Tiền và các khoản tương đương tiền (123,9 tỷ đồng); Các khoản phải thu ngắn hạn (472 tỷ đồng); Hàng tồn kho (215 tỷ đồng) và Đầu tư tài chính dài hạn (146 tỷ đồng).
Quy mô tài sản và vốn điều lệ của Besco không có nhiều thay đổi tính tới tháng 6/2018.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Besco biến động khá lớn trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2015, Besco chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu thuần của Besco đạt 945,9 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt tới 30,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Besco năm 2016 lại sụt giảm mạnh khi doanh thu thuần chỉ còn 427,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24,63 tỷ đồng. Còn trong báo cáo tài chính được công bố gần nhất, tính tới 30/6/2018, doanh thu lũy kế của Besco đạt 202,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các báo cáo tài chính cũng cho thấy Besco phần nào tiết giảm được chi phí nhờ việc thuê mặt bằng và vay nợ với chi phí “siêu rẻ”.
Trong đó, theo Hợp đồng thuê đất số 6651/HĐ-TNMT-VPĐK ngày 9/10/2013, Besco đã thuê 11.493 m2 đất với UBND Tp. HCM tại số 381 Lê Văn Khương, Phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. HCM. Thời hạn thuê đến hết năm 2020 với giá thuê trước năm 2011 là 10.000 đồng/m2/năm, từ năm 2011 là 37.200 đồng/m2/năm.
Cũng trong năm 2013, Besco đã ký Hợp đồng số 32/HĐ-TNXP với Lực lượng TNXP Tp.HCM việc thuê lại thửa đất số 101-5 và 101-6 (lô A5 và A6) tại Cụm Công nghiệp Nhi Xuân, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, Tp. HCM. Diện tích thuê là 13.192,5 m2, thời hạn thuê đến hết ngày 9/1/2058, đơn giá thuê là 15.000 đồng/m2/năm. Besco đã thanh toán toàn bộ tiền thuê với tổng giá trị là 10,23 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2016 tiết lộ việc Besco đã thực hiện vay 20 tỷ đồng với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM từ năm 1999 với lãi suất vay là 0%/tháng. Hưởng lãi suất vay “ưu đãi”, Besco chỉ chịu phí quản lý tài khoản là 0,07%/tháng và trả nợ vay (theo điều chỉnh từ năm 2009) là 150 triệu đồng/quý.
Các khoản đầu tư tài chính của Besco tính đến 30/6/2018 (Nguồn: Besco)
|
Besco còn là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò cốt lõi trong số những doanh nghiệp trực thuộc Lực lượng TNXP Tp. HCM khi sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ TNXP, CTCP Cảng Cát Lái (Mã CK: CLL) và CTCP Du lịch TNXP (VYC).
Sự chuyển mình của Besco diễn ra trong giai đoạn ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri) - đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại Lực lượng TNXP Tp. HCM.
Là một người có hoạn lộ gắn bó với lực lượng này, ông Lê Tấn Hùng cũng ít nhiều đảm nhiệm các chức vụ tại một số công ty thành viên, có liên quan tới Besco.
Trong đó, ông Hùng từng là Giám đốc của Cinco giai đoạn 2000 - 2004 trước khi được thay thế bởi ông Trần Phú Lữ. Ông Lữ sau này cũng là người kế nhiệm ông Lê Tấn Hùng ở vai trò Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Tp. HCM.
Giai đoạn ở Lực lượng TNXP Tp. HCM, ông Lê Tấn Hùng từng có hơn 1 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Cảng Cát Lái - đơn vị do Besco sở hữu tới hơn 26% vốn điều lệ./.