|
Ngay sau khi bộ GTVT công bố chủ trương xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ vào các cảng hàng không, đã diễn ra một cuộc đua mới, nhộn nhịp giữa các đại gia Việt Nam đang có ý định nhen nhóm đầu tư vào lĩnh vực này.
Hồi cuối tháng 2, Vietjet Air ngỏ ý muốn được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài, ngay sau đó Vietnam Airlines cũng gửi văn bản khẩn đề nghị được chỉ định mua lại chính nhà ga này. Mới đây, Jetstar Pacific cũng đề nghị bộ GTVT được nhượng quyền khai thác một phần cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Không chỉ những người trong ngành, các đại gia ngoài ngành cũng hào hứng với việc mở cửa của bộ GTVT. Mới đây, ông bầu Nguyễn Đức Hiển- Chủ tịch Tập đoàn T&T cũng ngỏ ý đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Không ồn ào “ngỏ lời” như những đại gia trên, tập đoàn Sun Group là cái tên vừa được chọn để đầu tư dự án cảng hàng không Quảng Ninh với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.
Có phải Sun Group vừa được chọn vào “phút 89” trong dự án đầu tư cảng hàng không Quảng Ninh?
Sun Group là cái tên kín tiêng nhưng lại được chọn khi Quảng Ninh có ý tưởng xây dựng sân bay tại Vân Đồn. Và thời điểm chọn thì đúng là "phút chót".
Sun Group là đối thủ đáng gờm khi chiến thắng hàng loạt nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi như Công ty Joinus Việt Nam, Posco E&C và Tổng công ty CHK Hàn Quốc vốn theo đuổi dự án này từ nhiều năm nay.
Vậy Sun Group là tập đoàn nào?
Sun Group là một tập đoàn khá non trẻ, được thành lập năm 2007 tại Việt Nam nhưng nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Sun Group được thành lập bởi doanh nhân kín tiếng sinh năm 1969 Lê Viết Lam. Mặc dù hiện diện ở khắp cả nước nhưng Đà Nẵng là địa phương hoạt động mạnh nhất của Sun Group.
Hiện tại, hoạt động của Sun Group tại Quảng Ninh gồm những gì?
Tại Quảng Ninh, Sun Group hiện đang triển khai tổ hợp dự án Công viên Đại Dương tại thành phố Hạ Long với vốn đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng, trong đó những hạng mục đầu tiên sẽ được đưa vào khai thác từ 30/4 tới.
Trong tổ hợp này phải kể đến hệ thống cáp treo “xuyên” vịnh Hạ Long và quần thể công viên trên đỉnh núi Ba Đèo và một vong quay khổng lồ dự kiến cao 200-250m so với mực nước biển, quan sát được toàn cảnh vịnh Hạ Long và Tp Hạ Long.
Cáp treo Bà Nà là dự án nổi tiếng của Sun Group?
Đúng vậy!
Ngoài dự án này có chiều dài kỷ lục hơ 5.801m với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 triệu euro, tập đoàn Sun Group còn biết đến với những dự án “khủng” khác như: Làng Pháp tại Bà Nà Hills với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, khách sạn cao nhất miền Trung Novotel Da Nang Priemier, Intercontinental Danang Sun Penisula Resort, The Sun Villas với tổng nguồn vốn đầu tư 65 triệu USD và cáp treo Fansipan- Sapa.
Toàn dự án khủng như vậy, tại sao ít người biết đến Sun Group?
Sun Group là tập đoàn kín tiếng như chính ông chủ của doanh nghiệp này - Lê Viết Lam. Rất khó để tìm được những thông tin về Sun Group hay nhân vật đứng sau.
Sun Group không có trang web công bố thông tin nên rất khó để tìm hiểu nhiều về doanh nghiệp này.
Bí ẩn, kín tiếng vốn là phong cách thường thấy ở những doanh nghiệp khởi nghiệp từ Đông Âu trước đây. Ông Lam cũng không phải người ngoại lệ.
Vậy là không có chút thông tin nào về ông Lam?
Thông tin về tỷ phú Lê Viết Lam trên báo chí khá ít ỏi như: Ông sinh năm 1969 tại Thanh Hóa. Năm 1987 ông Lam sang Nga du học theo chương trình đào tạo của nhà nước. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ Moscow, ông Lam cũng một vài người bạn thành lập mô hình kinh doanh nhỏ tại Kharkov.
Ngoài ra ông Lam còn giữ chức chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.
Lập nghiệp từ Đông Âu, chắc ông chủ Sun Group cũng là bạn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng?
Họ không chỉ là bạn bình thường.
Năm 1993, nhóm cựu sinh viên du học Nga gồm Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Phạm Thúy Hằng, Phạm Thu Hương và một số người khác thành lập công ty Technocom.
Tập đoàn này ban đầu kinh doanh lĩnh vực thức ăn đóng gói, chủ yếu là mì ăn liền với thương hiệu Mivina. Sản phẩm này từng chiếm 80-85% thị phần mì ăn liền và từ năm 2003 liên tục dành được những giải thưởng lớn tại châu Âu.
Sau khi về Việt Nam, tên tuổi tỷ phú Phạm Nhật Vượng gắn liền với Vingroup trong khi tỷ phú Lê Viết Lam gắn với Sun Group.
Technocom quy mô thế nào và hiện phát triển ra sao?
Tổng số nhân viên của Technocom năm 2005 là 3.000 người, chủ yếu là người Ukraina. Báo Tiền Phong từng cho biết trị giá thương hiệu của Mivina là gần 70 triệu USD năm 2005.
Đến năm 2009, Technocom tại Việt Nam đổi tên và thành lập tập đoàn Vingroup, chuyển trụ sở về Việt Nam. Năm 2010, tập đoàn Nestle mua lại cơ sở Technocom tại Ukraine và thương hiệu Mivina.
Theo Trí Thức Trẻ