Cha mẹ chủ quan, con có thể bị lùn bất thường, mang “mặt búp bê” vì thiếu hormone tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ thiếu hormone tăng trưởng (GH) có thể bị lùn bất thường, mang “mặt búp bê”, tay chân và bộ phận sinh dục nhỏ.
Bác sĩ khám cho trẻ (Ảnh - BVCC)
Bác sĩ khám cho trẻ (Ảnh - BVCC)

Hàng trăm trẻ phải nhập viện vì chậm tăng trưởng

Tại TP.HCM, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương là một trong số ít những bệnh viện đa khoa có thể chẩn đoán và điều trị bệnh chậm tăng trưởng do thiếu GH. Đến nay, BV đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH. Điển hình là trường hợp bé trai 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi.

Thời điểm bắt đầu điều trị, bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao của bé tăng rất chậm (3-4 cm/năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm. Năm 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì nên gia đình đã quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/năm). Sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165 cm.

Gần đây nhất là trường hợp bé trai 5 tuổi. Khi đến BV khám, bé cao 99cm, nặng 15 kg. Bé sinh đủ tháng, không có bệnh lý đặc biệt từ lúc sinh. Sau khi khám bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bé bị thiếu GH và bắt đầu điều trị từ tháng 8/2020. Sau 6 tháng, chiều cao của bé là 103 cm (tăng 4 cm), nặng 15,5 kg.

Khi trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH được điều trị kịp thời, nhiều bậc phụ huynh đã vỡ oà trong hạnh phúc khi con có thể cải thiện chiều cao. Trẻ cũng tự tin hơn khi có thể bắt kịp chiều cao với bạn bè.

Bác sĩ khám và tư vấn sức khỏe cho trẻ (Ảnh - BVCC)

Bác sĩ khám và tư vấn sức khỏe cho trẻ (Ảnh - BVCC)

TS. BS. Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương - cho biết: “Cải thiện chiều cao trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm to lớn nhất thuộc về ngành y tế. Ý thức được vấn đề này, ngoài việc khám và điều trị chuyên môn, BV Nguyễn Tri Phương còn tổ chức chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ từ rất sớm và duy trì thường niên”.

Trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu GH là nguyên nhân hàng đầu nhưng rất khó nhận biết. Do đó, mục đích của chương trình là để giúp các em được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp cho chiều cao của các em trong tương lai không bị thiếu hụt, không thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa.

Theo TS. BS. Lê Cao Phương Duy, hiện nay, phụ huynh rất quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng nên dẫn đến tình trạng nhiều trẻ đến khám tại BV sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả.

Nếu trẻ rơi vào trường hợp chậm cao do thiếu GH, việc thăm khám muộn hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ mất đi “giai đoạn vàng” để có thể cải thiện chiều cao hiệu quả (thường là từ 4-13 tuổi). Do đó, ngay khi phát hiện những bất thường về chiều cao ở trẻ so với biểu đồ theo dõi chiều cao, cha mẹ cần cho trẻ khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH chỉ có chiều cao trung bình từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Khó phát hiện trẻ chậm tăng trưởng, làm thế nào để điều trị sớm?

BS. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, BV Nguyễn Tri Phương - cho biết: “Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt, ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Do đó, khi phụ huynh nghi ngờ về sự phát triển bất thường ở chiều cao của trẻ nên cho trẻ đi khám sớm.

Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm thì trẻ có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì (sau 13 tuổi), khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH.

Phụ huynh đưa con đến BV khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao (Ảnh - BVCC)

Phụ huynh đưa con đến BV khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao (Ảnh - BVCC)

Theo các bác sĩ, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000.

Thiếu GH thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường và chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể bị mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam,…

Các nghiên cứu cho thấy việc điều trị với GH ở trẻ là khá an toàn. Một số ảnh hưởng cấp tính có thể xảy ra như tình trạng đau đầu, đau các khớp, đau cơ (các triệu chứng này thường lành tính, sẽ giảm hoặc biến mất khi giảm liều thuốc hoặc ngưng điều trị). Ngoài ra, trẻ có thể có các phản ứng dị ứng nhẹ như sưng tại vị trí tiêm, nổi mẩn ngứa hoặc phát ban. Tác dụng phụ nghiêm trọng như trượt chỏm xương đùi, vẹo cột sống nặng hơn (trên các trẻ đã có tình trạng vẹo cột sống trước đó) thường rất hiếm gặp và có liên quan đến các hoạt động thể chất mạnh.

Về lâu dài, đối với các trẻ chậm tăng trưởng đơn độc (GHD, ISS) không kèm các yếu tố nguy cơ khác, điều trị bằng GH không làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu hay các loại ung thư khác khi so sánh với dân số chung cùng độ tuổi.

Để việc điều trị GH có hiệu quả, gia đình cần đảm bảo trẻ tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị gồm: thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc; khám định kỳ 3- 6 tháng/lần; kiểm tra sự tăng chiều cao và tốc độ tăng chiều cao để đánh giá đáp ứng với điều trị GH, theo dõi tác dụng phụ của GH,…Ngoài ra, phụ huynh cần phối hợp cho trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lí, ngủ sớm và đủ giấc.

Từ ngày 11-26/12, Khoa Nội tiết, BV Nguyễn Tri Phương sẽ tổ chức chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ em để phát hiện sớm, theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ trước dậy thì.

Phụ huynh gọi điện thoại đăng ký theo hotline 0786709375 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần). Bệnh viện chỉ nhận khám tầm soát cho các trường hợp trẻ đã đăng kí qua hotline.

Chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ em (Ảnh - BVCC)

Chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ em (Ảnh - BVCC)

Phụ huynh và trẻ (từ 12 tuổi) đến BV khám phải tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, mũi 2 đủ 14 ngày tính từ lúc tiêm đến thời điểm đến khám. Riêng trẻ dưới 12 tuổi, không nằm trong độ tuổi tiêm vaccine COVID-19 ở thời điểm hiện tại thì không cần áp dụng quy định này cho trẻ, chỉ áp dụng cho phụ huynh đưa trẻ đến khám.

Ngoài ra, khi phụ huynh đưa trẻ đến BV cần chú ý các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện 5K: đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, khử khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thực hiện khai báo y tế.