'Cha đẻ" mạng toàn cầu World Wide Web (www) Tim Berners-Lee đã có những cảnh báo về mặt trái của nó nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 30 năm ngày ra đời nền tảng cách mạng mở ra kỷ nguyên Internet hiện nay.
Ông Tim Berners-Lee đã cảnh báo những tác động tiêu cực của Internet đến nền dân chủ và quyền riêng tư cá nhân.
Trong phát biểu ngày 11/3, ông Tim Berners-Lee cho biết người dùng trực tuyến gần đây cảm thấy www "không đẹp lắm." Nhưng ông nói thêm vẫn chưa quá muộn để điều chỉnh hướng đi của nền tảng này.
Phát biểu trước các phóng viên tại trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân châu Âu (CERN) ở Geneva, nơi đã chứng kiến những phát kiến đầu tiên về www, ông Tim Berners-Lee cho rằng mạng Internet đang chứng kiến sự thụt lùi khi nó bị lợi dụng cho những mục đích kinh doanh, và xa rời mục đích tốt đẹp khi mới ra đời là phục vụ cho nhân loại.
Trong một bức thư ngỏ để đánh dấu kỷ niệm 30 năm www, ông Tim Berners-Lee nói rằng nhiều người bây giờ cảm thấy không chắc chắn liệu web có phải là một điều tốt hay không. Người dùng đang lo lắng về sự quấy rối trực tuyến, tấn công mạng và các hành vi tội phạm khác trên Internet.
Các mô hình kinh doanh trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa, và sự lan truyền liên tục khó kiểm soát của tin tức giả mạo. Các nền tảng từ nền tảng kết nối cộng đồng trở thành nơi gây ra sự phẫn nộ chính trị và các cuộc tranh cãi phân cực.
Tuy nhiên, ông Tim Berners-Lee vẫn lạc quan về tương lai của Internet và www. Ông nói sẽ là thất bại khi cho rằng nó không thể thay đổi tốt hơn trong 30 năm tới.
Cách đây 30 năm, vào ngày 12/3/1989, kỹ sư người Anh và nhà khoa học máy tính Tim Berners-Lee, lần đầu tiên đã đề xuất một hệ thống kết nối các thông tin trên mạng , có tên gọi World Wide Web.
Sau khi dự án World Wide Web chính thức ra đời vào năm 1991, năm 1994, thế giới chào đón Yahoo - “gã khổng lồ” Internet mang tầm ảnh hưởng toàn cầu đầu tiên trước khi dần lụi tàn vào năm 2000 và Amazon - người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến đã vĩnh viễn thay đổi phương thức mua sắm của loài người. Sau đó lần lượt là những cái tên nay đã trở nên quen thuộc như Google (1998), Wikipedia (2001), Facebook (2004), YouTube (2005), Twitter (2006).
Những trang web này, cùng vô vàn những tên tuổi lớn và nhỏ khác, đã và đang xây dựng trên nền tảng mà Berners-Lee “tặng không” cho cộng đồng. Rất nhiều công nghệ mà con người cho rằng nghiễm nhiên, hiện đã không tồn tại thực tế nếu không có sự ra đời của World Wide Web./.