Tác giả của mã vạch chính là George Laurer, một kỹ sư từng làm việc tại IBM. Dù mã vạch đã và đang có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng ông chưa từng được nhận tiền bản quyền. Theo tờ New York Times đưa tin, ông đã mất tại nhà riêng vào ngày 5/12, hưởng thọ 94 tuổi. Cái chết của ông được người con trai Craig xác nhận.
George Joseph Laurer III sinh ngày 23/9/1925 tại Manhattan. Ông lớn lên ở New Jersey và Baltimore, từng được đưa vào quân đội trong Thế chiến II trước khi ông học xong trung học.
Xuất ngũ với tư cách là một trung sĩ kỹ thuật, ông tiếp tục đăng ký học đại học. Ông tốt nghiệp Đại học Maryland với bằng cử nhân khoa học về kỹ thuật điện vào năm 1951.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Laurer làm việc tại IBM cho đến năm 1987. Ông đã có 26 bằng sáng chế, một trong số đó chính là máy quét mã vạch. Nhưng ông đã không được nhận tiền bản quyền từ mã vạch do IBM không cấp bằng sáng chế đối với sản phẩm này.
Những ý tưởng đầu tiên cho mã vạch xuất hiện từ cuối năm 1940, nhưng thiếu các công nghệ thích hợp cho việc đọc và giải mã các kí tự. Khi tia laser ra đời, ông George Laurer và nhóm của ông đều làm việc tại IBM đã phát triển một hệ thống giải mã vạch khi phân hình ảnh ra làm đôi và cho phép tia laser X có thể đọc được. Sau khi xuất hiện lần đầu trên một sản phẩm vào năm 1974, đến nay mã vạch vẫn được sử dụng trên rất nhiều sản phẩm.
“Mã vạch đáng tin cậy hơn là một nhân viên thu ngân”, ông từng nói.
Mã vạch giúp thu thập và cung cấp thông tin nhanh, tăng tốc độ của các các hình thức thanh toán lên tới 40%. Với sự ra đời của mã vạch, các nhà kinh doanh và quản lý có thể có những quyết định đúng đắn và kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý, ít lỗi hơn và kiểm soát tốt hơn. Ông Laurer thường nói rằng ông rất ngạc nhiên về sự phổ biến của mã vạch trong cuộc sống kinh doanh, tiêu dùng hiện nay.
Theo NY Times