CEO Money Lover Ngô Xuân Huy: Bí quyết khởi nghiệp là sống ở Việt Nam, tiêu tiền Mỹ

Gần một năm sau lần gặp Ngô Xuân Huy để viết bài cho số xuân Đinh Dậu, tôi hỏi anh thời gian qua có gì mới không. Huy khe khẽ trả lời “Tôi vẫn thế”. Trò chuyện một hồi mới biết anh khiêm tốn.
CEO Money Lover Ngô Xuân Huy. Ảnh: Ngọc Vũ
CEO Money Lover Ngô Xuân Huy. Ảnh: Ngọc Vũ
Chuyển ứng dụng quản lý tài chính cá nhân Money Love cho cộng sự quản lý, Huy đang làm dự án mới mang tên Finsify Hub - mà theo anh là “một sản phẩm fintech thực sự”. Hóa ra cái “vẫn thế” của anh chính là vẫn miệt mài khởi nghiệp và tạo ra cái mới.
Khởi nghiệp ở tuổi 16
Cách đây một năm, Money Lover có 5 triệu người dùng. Nay, con số đã lên tới 8 triệu. Thấy tôi ấn tượng về sự tăng trưởng này, Ngô Xuân Huy nhỏ giọng: “Startup là vậy, không thì làm làm gì? Sức mạnh của ứng dụng này được đo bằng lượng người dùng đang hoạt động và những tài khoản chấp nhận trả tiền”.
Cái tên Ngô Xuân Huy gắn liền với Money Lover đến mức, dù đã bắt tay vào dự án mới nhưng hễ xuất hiện ở bất cứ đâu, anh vẫn được giới thiệu là CEO của Money Lover.
Huy chia sẻ: “Khi phát triển Money Lover, chúng tôi đi làm việc với các ngân hàng và thấy có nhiều bài toán cần được giải quyết. Vì thế, để tránh sự ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng và những rủi ro không đáng có cho Money Lover, tôi quyết định tách việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng cho ngân hàng cũng như các đối tác khác như Tiki, Radar... sang một dự án mới, có tên là Finsify Hub”.
Trước khi trở thành startup quen mặt trong lĩnh vực fintech, Huy từng là người làm game có tiếng. Năm 2006, khi đang học lớp 11, anh cùng ba người bạn phát triển 2 diễn đàn về game đình đám là Pes.vn và Game4v.
“Thời điểm đó, game online bùng nổ với các game nổi tiếng như MU, Audition... Làm game dễ kiếm tiền, chi phí duy trì ít nên lãi lớn. Lâu dần, tôi không còn hứng thú nữa bởi game biến người chơi thành con nghiện. Là nhà phát triển, tôi không biết phải làm gì hơn, bản chất diễn đàn game chỉ cần vậy. Lại thêm những quy định về kinh doanh game online làm doanh thu giảm nên tôi quyết định thoát khỏi dự án này và đi làm cái khác” - startup 27 tuổi tâm sự.
Và chàng sinh viên năm thứ ba Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) lúc bấy giờ đã đặt chân vào lĩnh vực fintech một cách tình cờ. Thu nhập từ game không nhỏ nhưng tiêu cũng không ít nên Huy quyết định tự làm một ứng dụng quản lý.
Năm 2011, ứng dụng mobile đang là xu hướng. Khi làm xong, anh đưa sản phẩm lên chợ ứng dụng và bất ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thế là những kinh nghiệm làm sản phẩm và quảng cáo có được từ thời làm game được Huy áp dụng triệt để vào Money Lover.
“Chất lượng những sản phẩm tương tự trên thị trường thời điểm đó khá thấp. Đa số chủ nhân các ứng dụng là kỹ sư, chỉ biết code, kiến thức quảng cáo còn hạn chế. Họ có thể là người tiên phong nhưng không có kinh nghiệm làm sản phẩm. Chúng tôi khi ấy "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", lại có kinh nghiệm nên chỉ trong vài tháng, Money Lover đã trở thành một trong những ứng dụng về quản lý tài chính cá nhân đứng đầu”.
Có thế mạnh về app nên việc mở rộng ra thị trường nước ngoài không khó. Là người đứng đầu Money Lover, Ngô Xuân Huy định vị chiến lược của sản phẩm này đáp ứng được với mọi nền tảng có trên thị trường.
Anh hồ hởi: “Các app khác chỉ có thể sử dụng trên Anroid hoặc iOS, nhưng Money Lover có ứng dụng trên mọi nền tảng - từ nền tảng cũ kỹ của Nokia đến win 10 của Microsoft để tăng tối đa khả năng giành người dùng mới. Có chợ ứng dụng nào mới là Money Lover phải xuất hiện đầu tiên”.
Luôn bắt đầu cái mới
Nếu như nhiều người khác khi xây dựng một nền tảng thường cân nhắc lợi hại, Ngô Xuân Huy lại có quan điểm khác: “Tôi cho rằng, ở bất cứ đâu mình cũng cần học thứ mới. Lợi thế của Việt Nam là trẻ, khỏe, đông và giá rẻ. Bí quyết của tôi là sống ở Việt Nam và tiêu tiền Mỹ. Lương 10 nhân sự của Money Lover ít hơn lương cho nhóm 5 người ở nước ngoài. Nếu họ cần vài tháng để xây dựng ứng dụng cho nền tảng mới thì chúng tôi chỉ cần vài tuần. Phải làm nhanh nhất có thể”.
Trên tầng 21 của UP VP Bank, một không gian đủ khoáng đạt để các startup bùng nổ với các ý tưởng, Ngô Xuân Huy say mê nói về dự án Finsify Hub mà anh đang “chạy” trên đà của những kinh nghiệm, bài học tích lũy được những năm qua. Nghe chuyện của Huy, tôi nói đùa rằng anh “nghiện khởi nghiệp”. Điều này có lẽ cũng có chút liên quan đến sự hứng thú thường trực - thậm chí đến mức đam mê - của anh đối với những thứ mới mẻ.
“Nếu như fintech dùng công nghệ để giải quyết các bài toán của ngành tài chính thì Finsify Hub là một sản phẩm như thế” - Huy hồ hởi. Hóa ra, sản phẩm này ra đời từ những kinh nghiệm đau thương của anh trước đây khi hợp tác với các ngân hàng để phát triển Money Lover. Nhiều khi đã bàn bạc dự án với các phòng ban chức năng, tưởng mọi chuyện đã thuận lợi, xong xuôi thì bộ phận pháp chế của ngân hàng phản đối vì cho là quá nhiều rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc dự án hoặc thất bại, hoặc bị kéo dài tới vài năm.
Nhìn một cách tích cực, kinh nghiệm đó giúp một coder thuần túy như Ngô Xuân Huy hiểu hơn về cách vận hành của các tổ chức tài chính, ngân hàng, những tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép, quy định bảo mật... Vì thế, anh xác định Finsify Hub sẽ xây dựng những sản phẩm lõi giải quyết nhu cầu đánh giá tín dụng hoặc các yêu cầu khác để cung cấp cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các startup trong lĩnh vực fintech.
“Các startup có thể được “miễn” một vài bài học đau đớn đã khiến chúng tôi mất tới vài ba năm loay hoay giữa những khó khăn. Họ có thể dùng thời gian đó để đầu tư xây dựng sản phẩm tốt hơn. Thường những người làm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng không hiểu về công nghệ, cho rằng nó rất cao siêu, phức tạp và ngược lại, người làm kỹ thuật thường không hiểu được vấn đề mà các tổ chức - trong đó có ngân hàng - gặp phải. Những sản phẩm của chúng tôi sẽ kết nối và giải quyết các vấn đề mà hai bên gặp phải” - Huy hào hứng.
Nếu như Money Lover được thiết kế để luôn có lãi khi phát triển thì Finsify Hub được thiết kế theo hướng ngược lại, phải phát triển đến ngưỡng mới có doanh thu và trở thành sản phẩm thống lĩnh thị trường. Đây chính là kiểu startup của thị trường nước ngoài.
“Tôi làm ở thị trường này đủ lâu để hiểu được nhu cầu của các bên liên quan. Vì thế, khi họ nói về mô hình, tôi hiểu họ cần gì trong thời gian tới. Startup trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam còn khá manh mún và sản phẩm như Finsify Hub không nhiều. Vì thế, cái cần làm là tạo ra sản phẩm đủ tốt để thuyết phục khách hàng bỏ tiền dùng sản phẩm của mình thay vì chọn những sản phẩm của nước ngoài có giá trị hàng triệu USD” - Huy nói về những thứ anh đang phát triển với ánh mắt tràn đầy hy vọng và tự tin.
Startup fintech mới có tên Finsify Hub mà Ngô Xuân Huy đang phát triển hướng tới việc sử dụng công nghệ để giải quyết các bài toán của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Một sản phẩm mà Finsify Hub đang xây dựng là hệ thống tìm các giao dịch gian lận trong các hệ thống thanh toán. Thay vì phải có người kiểm tra và gọi điện cho từng khách hàng, khi có giao dịch bất thường, hệ thống sẽ tự động soát và gửi cảnh báo qua tin nhắn hoặc email cho khách hàng.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/ceo-money-lover-ngo-xuan-huy-bi-quyet-khoi-nghiep-la-song-o-viet-nam-tieu-tien-my/2017110102514726p1c160.htm