|
Ông Chow Chee Fan - CEO Gamuda Land Việt Nam |
Người Việt thường có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt nam", học Tiếng Việt rất khó nhưng tôi lại thấy ông nói Tiếng Việt rất sõi, ông bắt đầu học Tiếng Việt từ khi nào?
Cách đây 7 năm khi mới sang Việt Nam, một lần tôi đi làm việc với chính quyền, trong cuộc nói chuyện vị lãnh đạo tiếp chúng tôi có kể câu chuyện dài đến 30 phút. Tuy nhiên, khi người phiên dịch dịch lại thì chỉ còn có 5 phút. Tôi mới hỏi "Bạn đã dịch hết chưa?", bạn ấy khẳng định dịch hết rồi. Tuy nhiên tôi vẫn không tin, sau này tôi tìm hiểu mới biết trong cuộc nói chuyện vị lãnh đạo đã nói rất nhiều điều thú vị và bạn phiên dịch chỉ dịch lại đúng cho tôi nội dung chính.
Từ đấy tôi quyết tâm học tiếng Việt, tôi học từ bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt từ bảo vệ và lễ tân tại tòa chung cư tôi ở. Đi đường ở Việt Nam tôi cũng học, mỗi ngày vài từ. Khi đã nói Tiếng Việt kha khá thì tôi phải vào TPHCM làm việc lại. Trong Nam, mọi người nói Tiếng Việt rất khác, cái bát thì gọi là cái chén, cái cốc thì gọi là cái ly, uống rượu thì gọi là nhậu, thế là tôi lại phải học Tiếng Việt lại từ đầu.
Đến bây giờ tôi có thể nói được Tiếng Việt cả hai miền, ở TPHCM tôi nói giọng Miền Nam còn ở Hà Nội tôi nói giọng Miền Bắc.
Tiếng Việt rất khó nhưng ông đã học rất tuyệt vời, vậy văn hóa Việt Nam còn điều gì khiến ông phải thay đổi để thích nghi?
Tôi còn nhớ năm 2009, khi Gamuda Land Malaysia tuyển lãnh đạo cho Gamuda Land Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn câu đầu tiên tôi được hỏi là “Anh có biết uống rượu không?… Phải biết uống rượu anh mới có thể làm quản lý ở Việt Nam”…..(Cười)..
Điều này đã làm tôi thực sự rất ngạc nhiên. Tôi biết uống rượu nhưng uống không thật sự tốt. Tháng 9/2009 tôi sang Việt Nam. Một thời gian ở Việt Nam tôi đã hiểu tại sao tôi cần phải biết uống rượu. Nếu ở Malaysia, tiệc tùng có người dùng trà có người dùng rượu thì ở Việt Nam bạn nhất định phải uống rượu. Nếu ở Malaysia uống rượu thiên về thưởng thức, xã giao thì tại Việt Nam trong cuộc vui mọi người có thể uống rượu đến say.
Và tất nhiên hơn 7 năm tôi sống ở Việt Nam tôi thấy rằng rượu trong những cuộc gặp gỡ đối tác giúp mọi người dễ nói chuyện hơn, gần gũi nhau hơn và cũng từ đó công việc cũng thuận buồm xuôi gió hơn. Mới đây, ngày 26 tết tôi cũng vừa cùng các bạn đồng nghiệp gamuda uống thật say trước kỳ nghỉ Tết....
Tôi được biết Malaysia cũng ăn tết cổ truyền như Việt Nam, vậy Tết ở Việt Nam và Malaysia có điều gì thú vị?
Ở Malaysia, một bộ phận người Malaysia gốc hoa cũng ăn tết nguyên đán như người Việt, tuy nhiên không khí sắm tết không được nhộn nhịp như người Việt. Khắp các đường phố Việt ngày gần tết nhộn nhịp náo nhiệt, hoa đào, cây quất bày bán khắp nơi. Ở Malaysia, không trồng được đào nên người Malaysia dùng đào giả.
Mâm ngũ quả của những gia đình Malaysia cũng đầy đủ các loại quả chuối, dứa, cam...Mâm cơm tất niên cúng tổ tiên ngày 30 cũng có đầy đủ đại gia đình ngồi bên nhau ăn uống, nói chuyện vui vẻ. Tuy nhiên, không giống người Việt, người Malaysia thường kiêng kỵ mừng tuổi vào ngày mùng 1 tết bởi theo họ mừng tuổi ngày đầu tiên của năm mới nghĩa là tiền ra khỏi nhà.
Tết của người Malaysia gốc Hoa rất coi trọng quả cam, quả cam tượng trưng cho sự tròn đầy, cho tài lộc chính vì thế mà tết khi đi thăm hỏi họ hàng bạn bè chúng tôi thường mang theo một giỏ cam để tặng chủ nhà với lời chúc một năm mới nhiều tài lộc, hạnh phúc viên mãn.
Lần này, chuẩn bị về Malaysia ăn tết anh mua quà gì cho gia đình và bạn bè?
Tôi rất muốn mang một cành đào về, nhưng điều này thực sự là khó vì khó cồng kềnh. Tết tôi thường mua hạt dẻ, mứt sen...Tôi còn nhớ có năm tôi được đồng nghiệp tặng bánh chưng, khi mang về gia đình tôi đều rất thích.
7 năm làm việc tại Việt Nam cũng là thời gian ông chứng kiến những thăng trầm của thị trường BĐS Việt Nam, ông thấy có điều gì thú vị?
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt, được ví như con rồng của châu Á. Thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn đang rất phát triển. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là nếu ở các nước khác chu kỳ của thị trường BĐS thường là 2 năm, 2 năm xuống rồi thị trường đi lên nhiều hơn 2 năm nhưng ở Việt Nam chu kỳ này kéo dài tận 4 năm...
Chính chu kỳ dài của thị trường gây khó khăn cho quá trình phát triển dự án, đặc biệt là những dự án lớn có diện tích lên cả gần trăm ha. Chỉ có những chủ đầu tư uy tín, tài chính vững mạnh với chiến lược kinh doanh dài hạn mới có thể trụ vững trên thị trường.
Nhiều người cho rằng, năm 2017 thị trường sẽ chỉ phát triển phân khúc bình dân, nhà giá rẻ nhưng tôi lại không nghĩ thế. Theo tôi, giai đoạn 2017-2019, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6% cao nhất châu Á, thu nhập của người Việt đang tăng lên tầng lớp trung lưu cũng tăng nhanh chóng mặt. Chính vì thu nhập tăng nên càng ngày người ta càng yêu cầu khắt khe về những sản phẩm BĐS tốt hơn. Vì vậy, tôi nghĩ BĐS cao cấp sẽ luôn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Theo ông, điều gì là quan trọng nhất đối với một nhà phát triển bất động sản?
"Trải nghiệm khách hàng là điều quan trọng", dù ở Malaysia hay Việt Nam Gamuda Land vẫn luôn đề cao những giá trị tiện ích mang lại cho khách hàng. Chính vì vậy mà chúng tôi không ngừng phát triển dự án, nâng cao hạ tầng và luôn gia tăng tiện ích cho khách hàng.
Đầu xuân năm mới, ông có lời chúc gì gửi đến những đồng nghiệp, người thân?
Chúc mừng năm mới, chúc các bạn một năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, phát tài phát lộc!
Xin cảm ơn ông!
Theo Tri thức trẻ