CEO Facebook Mark Zuckerberg xin lỗi, chuẩn bị ra điều trần trước quốc hội

VietTimes – Sau nhiều ngày giữ im lặng, tối 21/3 CEO Facebook, Mark Zuckerberg đã có buổi phỏng vấn trực tiếp trên kênh CNN và hứa sẽ đứng ra làm chứng trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ.
CEO của Facebook đã có bài trả lời phỏng vấn độc quyền của CNN xung quanh bê bối rò rỉ thông tin. Nguồn: Guardian
CEO của Facebook đã có bài trả lời phỏng vấn độc quyền của CNN xung quanh bê bối rò rỉ thông tin. Nguồn: Guardian

Trong buổi phỏng vấn độc quyền 21/3 của CNN về vụ bê bối rò rỉ thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook, ông Zuckerberg hứa sẽ đứng ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ: “Câu trả lớn ngắn gọn là tôi rất vui được làm điều đúng đắn”. Ông nói: “Facebook muốn cử người có hiểu biết sâu nhất về sự cố này. Và nếu đó là tôi thì tôi cũng rất vui lòng thực hiện.”

Trước đây, ông Zuckerberg chưa từng đứng ra làm chứng trong một phiên điều trần. Tuy nhiên với yêu cầu của các nhà chức trách tại Mỹ và Anh về bê bối liên quan đến công ty Cambridge Analytica sẽ thay đổi tiền lệ này.

Video: CEO của Facebook sẵn sàng làm chứng trước Quốc hội Mỹ. Nguồn CNN
Cambridge Analytica là công ty phân tích dữ liệu đã lạm dụng thông tin cá nhân của hàng triệu tài khoản Facebook để thao túng cử tri trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh vào năm 2016.
Tổng giám đốc điều hành của Facebook cho biết số dữ liệu trên ban đầu được Giáo sư Aleksandr Kogan (ĐH Cambridge) thu thập cho mục đích nghiên cứu tâm lý học theo quy định của Facebook. Nhưng sau đó, ông này đã vi phạm khi chuyển số dữ liệu cho bên thứ ba, bao gồm Cambridge Analytica.

Ngày 21/3, CEO của Facebook đã phá vỡ sự im lặng bằng một bài đăng trên trang cá nhân. Ông đưa ra các bước mà công ty sẽ thực hiện để bảo vệ thông tin của người dùng tốt hơn. Nhưng điều đó không đủ để xoa dịu các nhà chức trách.

Bình luận trên Twitter, Thượng nghị sĩ Mỹ, Amy Klobchar đã ủng hộ việc Facebook bổ sung những quy định mới về bảo mật thông tin trực tuyến: “Các bước Facebook đặt ra để bảo vệ người dùng chỉ là khởi đầu, ông Zuckerberg vẫn cần phải đứng ra làm chứng”.

Ông Zuckerberg cũng chân thành nhờ CNN tư vấn về những thay đổi tiếp theo về chính sách bảo mật của Facebook: “Tôi không chắc rằng Facebook nên điều chỉnh”, “những quy định về tính minh bạch trong các hình thức quảng cáo có lẽ là điều tôi muốn thay đổi nhất”.

Tuy đang nắm vị trí lãnh đạo của mạng xã hội với 2 tỷ người dùng nhưng ông Zuckerberg lại thường xuyên trao đổi về các vấn đề qua bài đăng trên Facebook thay vì phỏng vấn trực tiếp.

Theo ông: “Đây là một khủng hoảng niềm tin và tôi thực sự xin lỗi vì đã để điều này xảy ra, trách nhiệm cơ bản của chúng tôi là phải bảo vệ thông tin của người dùng.”

CEO của Facebook cam kết sẽ tăng cường các quy định đối với các nhà phát triển ứng dụng về quyền truy cập thông tin của người dùng. Bao gồm, tự ngắt quyền truy cập nếu người dùng không mở ứng dụng trong vòng 3 tháng. Facebook sẽ mở cuộc điều tra về tất cả các ứng dụng truy cập lượng lớn dữ liệu của người dùng.

Ông nói: “Thật khó đoán Facebook sẽ điều tra được gì. Nhưng chúng tôi sẽ kiểm duyệt lại hàng ngàn ứng dụng”. Ông cho biết thêm: “Đây là một công việc chuyên môn”.

Video: Khoảnh khắc xúc động hiếm hoi của Mark Zuckerberg trong buổi phỏng vấn về bê bối rò rỉ thông tin

CEO Facebook Mark Zuckerberg đã bày tỏ sự hối hận vì không thế làm tốt hơn để ngăn hành vi sử dụng thông tin trái phép của 50 triệu tài khoản Facebook khi vấn đề được báo cáo năm 2015. Vào thời điểm đó, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica đã xác nhận tiêu hủy toàn bộ thông tin thu thập.

Ông Zuckerberg nói: “Tôi không biết bạn như thế nào. Còn tôi đã quen với việc các tối tác thực hiện chính xác những gì nói chứng thực hợp pháp. Nhưng tôi nghĩ rằng đây rõ ràng là một sai sót trong quá trình xác minh”. Ông nói thêm: “Chúng tôi cần phải chắc chắn sai sót không tái diễn.”

Tuần này, tất cả chỉ trích đã nhằm vào Facebook. Từ những sự cố trong vòng 1 năm trở lại gồm tin tức giả mạo, chi phối bầu cử và chứng nghiện mạng xã hội.

Trả lời phỏng vấn của kênh CNN, ông Zuckerberg chia sẻ rằng từ khi thành lập Facebook vào năm 2004, nhiều người đã nói rằng sớm muộn nó sẽ nhuốm màu sắc chính trị và ông đã không tin nó sẽ xảy ra sau 14 năm.

Khi được hỏi về việc các tổ chức cố ý lợi dụng Facebook để can thiệp vào các cuộc bầu cử (tại Mỹ), ông Zuckerberg nói: “Tôi chắc là có người vẫn đang cố gắng làm điều đó.” Nhưng ông tỏ ra tự tin vào khả năng giải quyết rắc rối của công ty. Ông sẽ đưa ra “chiến lược mới để đảm bảo Facebook luôn cảnh giác và đi trước một bước” trước các thủ đoạn chính trị.

Facebook hiểu trách nhiệm của công ty không chỉ riêng ở Mỹ mà trên khắp thế giới. “Đây không phải là khoa học tên lửa”. Ông nói: “Facebook đã làm rất nhiều điều để ngăn các quốc gia khác can thiệp vào kết quả bầu cử.” Và “Chúng tôi có thể đối mặt với điều này.”

Cuối bài phỏng vấn, CEO Mark Zuckerberg đã thành thực chia sẻ: “Nếu bạn nói với tôi khi thành lập Facebook năm 2004 rằng tôi có một phần trách nhiệm để bảo vệ kết quả toàn vẹn của các cuộc bầu cử, chống lại sự can thiệp của các chính phủ khác. Thì, bạn biết đấy, tôi sẽ chẳng tin vào điều đó”.