Cấu trúc ngành bán dẫn cản trở hồi phục chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chuỗi cung ứng bán dẫn tập trung vào một số nhà sản xuất châu Á, hạn chế khả năng phân tán rủi ro và ngăn đà phục hồi công nghệ.

Bất chấp nhu cầu lớn từ ngành ôtô, hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn chật vật trong việc khôi phục năng lực đầy đủ sau khi trải qua hàng loạt dịch bệnh, thiên tai, sự cố và căng thẳng thương mại.

Phần lớn vấn đề xuất phát từ nguồn cung chỉ tập trung ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. CEO Intel - Patrick Gelsinger - gần đây nhấn mạnh nhu cầu cân bằng chuỗi cung ứng trong bối cảnh dây chuyền sản xuất những loại chip hiện đại nhất đều nằm tại Đông Á.

Chip xuất khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước trừ Nhật Bản chiếm hơn 80% thị trường toàn cầu vào năm 2019, so với mức 50% trước đó 20 năm. Cũng trong thời gian này, nguồn xuất khẩu chip từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã giảm từ 50% xuống còn chưa đầy 20%.

Trong lúc đó, hàng loạt nhà máy bán dẫn khắp thế giới cũng đang phải đình chỉ sản xuất.

Bên trong nhà máy bán dẫn của TSMC. Ảnh: TSMC.
Bên trong nhà máy bán dẫn của TSMC. Ảnh: TSMC.

Ngoài tác động từ đại dịch, nhiều cơ sở cũng bị ảnh hưởng từ đầu năm 2021 bởi đợt giá lạnh tại bang Texas, Mỹ, và đám cháy nhà máy Renesas Electronics ở Nhật Bản. Nguồn cung sụt giảm khiến giới phân tích dự báo các nhà sản xuất ôtô sẽ phải giảm sản lượng 2,4 triệu phương tiện, tương đương 3% số xe xuất xưởng toàn cầu, trong năm 2021.

Thiếu nguồn nước cũng đang trở thành vấn đề mới của ngành công nghiệp bán dẫn. TSMC phải dùng xe chở nước vì Đài Loan đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 56 năm. Samsung Electronics cũng đẩy mạnh nỗ lực tái sử dụng nước.

Sự mong manh của chuỗi cung ứng bán dẫn đã thể hiện rõ qua những vấn đề này, khiến ngành công nghiệp rất khó phục hồi trong thời gian ngắn.

Ngoài sự tập trung vào các dây chuyền ở Đông Á, một vấn đề khác là các nhà máy đã mở rộng đáng kể quy mô, gây nguy cơ hiệu ứng dây chuyền khi một cơ sở ngừng hoạt động. Sản lượng trung bình của mỗi nhà máy tại Hàn Quốc và đảo Đài Loan đã tăng gần gấp đôi so với năm 2009, con số này là 1,4 lần ở Nhật Bản.

Các nhà sản xuất hợp nhất cũng dẫn đến những nhà máy lớn với số lượng ít hơn. Renesas Electronics là kết quả hợp tác trong mảng bán dẫn của NEC, Hitachi và Mitsubishi Electric. Doanh nghiệp này có 22 nhà máy tại Nhật Bản hồi năm 2011, nhưng hiện chỉ còn 9 cơ sở.

Cán cân xuất khẩu và nhập khẩu trong 10 năm qua cũng cho thấy xu thế tập trung hóa sản xuất. Hàn Quốc và đảo Đài Loan ghi nhận mức xuất siêu lớn, phản ánh các khoản đầu tư khổng lồ luôn được duy trì.

Xuất khẩu ròng của Mỹ đã giảm trong giai đoạn 2010 - 2020 do nước này chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, khiến giá trị xuất khẩu giảm và nguồn nhập khẩu tăng cao. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản.

Nhập khẩu chip tại Trung Quốc tăng gấp đôi trong 10 năm qua vì nhu cầu lắp ráp ôtô, thiết bị điện tử tiêu dùng và nhiều sản phẩm khác. Nó có thể trở thành điểm yếu của Trung Quốc khi nước này nuôi tham vọng vượt mặt Mỹ, khiến Bắc Kinh đặt mục tiêu nội địa hóa nguồn cung bán dẫn lên mức 70% vào năm 2025.

Mỹ cũng đang hướng tới khôi phục sản xuất chip bán dẫn trong nước. Một trong những ví dụ là Intel sẽ xây mới hai nhà máy ở bang Arizona để bảo đảm nguồn cung riêng và bán cho những hãng khác.

Theo VnExpress