Hồi tháng 9/2018, ông Kyler Tan – CEO HMD Global Việt Nam - khi trao đổi với PV đã nói rằng khó ở đâu điện thoại Nokia có những hình ảnh gần gũi với người dùng như tại Việt Nam. Điện thoại cơ bản của Nokia thường được dùng như phương tiện liên lạc thứ hai của người dùng, được tận dụng để nghe radio hay đèn pin, thậm chí nó được nhét vào mũ bảo hiểm để người dùng nghe điện thoại trên đường.
Thời điểm đó khi công bố nhà phân phối mới, HMD Global cho biết đứng thứ hai thị trường điện thoại tại Việt Nam, điều không thuyết phục được nhiều người. Trong khi các báo cáo đều cho rằng smartphone giá ngày càng rẻ, số lượng người dùng smartphone tăng rất nhanh, thì lời giải thích của HMD Global cho rằng tính chung điện thoại "cục gạch" và smartphone của họ chiếm tới 25% thị phần tại Việt Nam có vẻ không khả thi.
Trong thời buổi smartphone lên ngôi, trên phố và các phương tiện truyền thông ngập tràn điện thoại Samsung, điện thoại Oppo, điện thoại iPhone, hay chí ít là Huawei, Xiaomi thì việc Nokia nói mình đứng thứ hai có vẻ không đúng.
Tuy nhiên báo cáo mới nhất của GfK đến tháng 5/2019 khẳng định việc đó. Thương hiệu điện thoại Nokia, do HMD Global độc quyền kinh doanh, đang chiếm 21% thị phần điện thoại Việt Nam trong quý 1/2019, xếp thứ hai sau Samsung.
Tuy vậy, thị phần hãng này đang giảm nhẹ, từ 25% và 24% các quý 3, 4 năm ngoái xuống 21% quý 2 năm nay.
Xét về thị phần điện thoại nói chung, Nokia thua hãng dẫn đầu Samsung 10%, hơn hãng thứ ba Oppo 7%.
Dù đứng thứ hai về thị phần nhưng khi xét về giá trị doanh thu mỗi điện thoại mang lại, Nokia lại tụt xuống vị trí thứ 4, và chỉ được 4%.
Song song đó, chiếm ngôi á quân ở mảng điện thoại nói chung, nhưng Nokia lại không có tên trong top 5 hãng smartphone có thị phần lớn nhất Việt Nam. Điều này cho thấy mảng điện thoại cơ bản đóng góp rất lớn vào thị phần của Nokia.
Nokia cũng không góp mặt trong top 5 hãng smartphone tại Việt Nam xét về giá trị (value). Nói cách khác, Nokia đang là ông trùm ở phân khúc điện thoại "cục gạch", nhưng rõ ràng điện thoại này không mang lại doanh thu nhiều như smartphone.
Trái ngược với Nokia, hãng "ôm" doanh thu cao nhất trên mỗi sản phẩm bán ra tại Việt Nam chính là Apple. Chỉ chiếm 8% thị phần smartphone nhưng xét về giá trị, tức doanh thu mang lại trên mỗi sản phẩm, thì Apple chiếm tới 22%, xếp thứ hai thị trường.
Cùng câu chuyện như Nokia là Masstel, một thương hiệu Việt. Theo GfK, quý 1/2019 Masstel có 5% thị phần điện thoại nói chung, đứng thứ 4 thị trường. Hãng chuyên bán điện thoại giá vài trăm ngàn này có thị phần đứng trên cả Apple và thường xuyên có 5-6% thị phần liên tục nhiều quý gần đây.