Là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Sony, ít ai biết phía sau máy chơi game PlayStation 4 là dây chuyền sản xuất hiện đại như thế nào.
Những chiếc PS4 được "ra lò" từ nhà máy của Sony đặt tại thành phố Kisarazu, thuộc tỉnh Chiba (Nhật Bản). Đây là nơi sản xuất PlayStation từ khi dòng sản phẩm ra đời năm 1994, đóng vai trò quan trọng khi liên tục cải thiện công nghệ sản xuất, cắt giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nhà máy PlayStation tại Kisarazu là một tòa nhà lớn, màu trắng. Bước vào trong, bạn sẽ nghe tiếng rít từ động cơ của hàng chục con robot đang lắp ráp những chiếc PlayStation 4, do Mitsubishi cung cấp.
Công nghệ sản xuất PlayStation tại đây liên tục được nâng cấp. Trong khu vực rộng 31,4 x 6 m này, chỉ mất 30 giây để 32 chú robot lắp ráp xong một chiếc PS4.
Mỗi chiếc PS4 được tạo ra với độ tỉ mỉ cao. Từng chi tiết, linh kiện bên trong đều có mục đích riêng. "Nếu theo đuổi công nghệ, mọi thiết bị cơ khí đều có vẻ đẹp của riêng chúng", theo Yasuhiro Ootori, trưởng bộ phận thiết kế cơ khí của PlayStation.
Bo mạch chủ của PS4 được di chuyển đến điểm bắt đầu. Đây là khu vực hạn chế ra vào, ngay cả với nhân viên Sony.
Những cánh tay robot ở 2 bên làm nhiệm vụ gắn cáp, siết ốc vít. Chúng hoạt động liên tục và "nếu nhìn lâu, bạn sẽ thấy chúng giống con người", theo lời chia sẻ của một kỹ sư. Khác với robot bốc vát to lớn, những cánh tay máy móc này chuyển động một cách tinh tế, nhẹ nhàng.
Một trong những thành tựu của nhà máy Kisarazu là sử dụng robot để gắn cáp, dải băng và các linh kiện dẻo khác vào PS4. Có 26 trên tổng số 32 robot tại nhà máy dành riêng cho nhiệm vụ này.
Để gắn một sợi cáp phẳng, dẻo sẽ cần một cánh tay robot để giữ sợi cáp, cánh tay robot khác để xoắn rồi gắn cáp vào máy theo một hướng nhất định với lực vừa phải. Công việc đơn giản với con người nhưng lại rất khó cho robot.
Sony đã tìm cách gắn cáp vào những ngóc ngách nhỏ nhất, giúp PS4 trở thành chiếc máy chơi game khá nhỏ gọn.
Chỉ có sự hiện diện của 4 người trong quá trình lắp ráp, gồm 2 người đặt các bản mạch vào dây chuyền sản xuất (giai đoạn đầu tiên) và 2 người đóng gói sản phẩm (giai đoạn cuối cùng). Một kỹ sư cho biết sự kết hợp giữa người và máy sẽ giúp công ty sớm hoàn vốn đầu tư.
Thiết bị điện tử như TV, smartphone rất khó để lắp ráp tự động. Vào thập niên 2000, những công ty Nhật Bản thường đặt dây chuyền sản xuất tại các nước như Trung Quốc, Malaysia vì chi phí nhân công rẻ. PlayStation cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên khi tự động hóa ngày càng phát triển, các hãng lại đặt nhà máy tại những nơi linh hoạt về nguồn vốn, nguồn điện. Thiết kế sản phẩm cũng thay đổi cho phù hợp với tự động hóa.
Nguồn gốc của việc tự động hóa này đến từ chiếc PlayStation đầu tiên. Lúc đó, người thiết kế PS1 là ông Teiyu Goto muốn tạo ra chiếc máy chơi game có thể sản xuất hàng loạt một cách dễ dàng. Ông đã thúc giục các kỹ sư cải thiện năng suất, tinh chỉnh công nghệ để chuyển giao cho đối tác.
Một cánh tay đưa những chiếc "ruột" PS4 hoàn tất để thử nghiệm, sau đó cho vào vỏ máy để sẵn sàng đóng gói.
Chiếc PS4 hoàn thiện được các nhân viên cho vào hộp, chuẩn bị đến tay người dùng trên toàn cầu.
PlayStation 4 chính thức lên kệ vào tháng 11/2013. Dù xuất hiện trong thời đại game di động bùng nổ, doanh số PS4 vẫn đạt 100 triệu chiếc, với 1,2 tỷ game được bán ra. Trong 6 năm rưỡi, PS4 giúp Sony mang về doanh thu 93 tỷ USD, lợi nhuận hơn 9,3 tỷ USD. Hiện PS4 vẫn là một trong những chiếc máy chơi game đáng mua nhất với giá rẻ, kho game khổng lồ.
Hơn 100 triệu người đang sử dụng dịch vụ PlayStation mỗi tháng, hơn 40 triệu thuê bao cho các dịch vụ trả phí. Không chỉ chơi game, PS4 còn phục vụ nhu cầu giải trí gia đình với ổ đĩa Blu-Ray, các dịch vụ như YouTube, Netflix, Spotify...
Tính đến tháng 11/2019, Sony đã bán được hơn 450 triệu chiếc PlayStation, được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là dòng máy chơi game gia đình bán chạy nhất thế giới.
Theo Zing
Theo https://zingnews.vn/bi-mat-sau-nhung-chiec-playstation-4-post1103689.html