Cuối tuần qua, giá vàng SJC trong nước đánh dấu mốc 40 triệu đồng/lượng, tái lập đỉnh của 6 năm. So với vùng giá thấp đầu năm khoảng 35,5 triệu đồng/lượng, mức tăng hiện đã tạo được khoảng 13%.
Tính tương đối, tỷ suất 13% trong khoảng 6 - 7 tháng, hoặc tập trung cho khoảng 4 tháng gần đây, vàng tạo được mức sinh lợi hấp dẫn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm có lãi suất từ 7 - 8% nhưng tính cho 12 tháng.
Bốn điểm được chú ý
Sức hấp dẫn trên có thể đã kích thích và thu hút những dòng vốn nhàn rỗi trong dân cư đổ vào. Nhưng, quãng lên giá vừa qua và hiện nay có những đặc điểm khác với trước.
Một là, giá vàng trong nước bám sát diễn biến đi lên trên thế giới, gắn với nhiều yếu tố tác động như tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có triển vọng giảm lãi suất; nhiều ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng; căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông có xu hướng gia tăng…
Hai là, suốt quãng đi lên và tăng cao cho đến nay, giao dịch vàng trong nước vẫn có không xáo trộn, không có hiện tượng người dân đổ xô đi xếp hàng mua vàng như trước.
Ba là, giá vàng liên tục tăng nhưng không kích hoạt đà tăng theo của tỷ giá USD/VND, thậm chí tỷ giá này còn ngược chiều giảm mạnh từ trong tháng 6 đến nay.
Trước đây, mỗi khi giá vàng nổi sóng, một mặt hoạt động cấp quota nhập khẩu về để bình ổn, một phần có hoạt động nhập lậu, tạo cầu ngoại tệ tăng lên và lôi kéo tỷ giá nóng theo.
Nay, hiện tượng lôi kéo đó không diễn ra, thậm chí tỷ giá USD/VND giảm mạnh khoảng một tháng qua, còn do liên quan đến điểm thứ tư.
Bốn là, trong suốt quá trình tăng giá mạnh cho đến cuối tuần qua, giá vàng trong nước luôn duy trì mức thấp hơn so với giá thế giới quy đổi.
Trạng thái giá thấp hơn đó phản ánh cung - cầu trên thị trường vẫn ổn thỏa, chưa có hiện tượng cầu đột biến đẩy giá vượt quá và tạo chênh lệch cao so với giá thế giới.
Trong yếu tố cầu, hiện có một thành phần quan trọng từng quấy đảo trước đây đã được cắt bỏ. Nó góp phần lý giải vì sao giá vàng vẫn tăng cao trong trật tự.
Đòn bẩy và áp lực “tay to” đã bị cắt bỏ
Tám năm về trước, chính sách quản lý vốn vàng tại Việt Nam từng “gây sốc” với quyết định của Ngân hàng Nhà nước: chấm dứt huy động và cho vay vàng trong hoạt động ngân hàng thương mại.
“Gây sốc” giai đoạn trước đó, nhưng đến nay chính sách này giúp “giảm sốc” từ cơn sốt giá vàng đối với hệ thống ngân hàng và với các ổn định vĩ mô, với tâm lý xã hội.
Ngày 01/5/2011, Ngân hàng Nhà nước chính thức chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Khoảng 100 tấn vàng từng kê cao vốn và các cân đối của nhiều nhà băng sau đó lần lượt được rút ra, đi vào thị trường, một cách khá êm thấm (ngoại trừ hoạt động tất toán trạng thái của 6 thành viên khá ồn ào sau đó, cùng với hoạt động đấu thầu bình ổn cho đến 2013…).
Trong quá khứ, vốn vàng không chỉ gói gọn ở quy mô khoảng 100 tấn nói trên kê trong hệ thống các nhà băng. Nguồn này có vòng quay mở rộng hơn nhiều qua cho vay, quy đổi mà theo đó từng góp phần quấy đảo thị trường mỗi khi có sóng.
Cụ thể, tại một số ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay vàng có quy mô lớn (thậm chí có những khoản vay dài hạn cỡ chục đến vài chục năm, lượng lớn gắn với hoạt động đầu tư và kinh doanh của những “tay to” trên thị trường).
Cùng đó, chính ngân hàng thương mại cũng huy động vàng, chuyển đổi thành VND để lấy vốn kinh doanh.
Tín dụng vốn vàng quy mô lớn, cùng hoạt động chuyển đổi vàng huy động thành tiền để kinh doanh trong hệ thống ngân hàng tạo nên áp lực sức cầu mỗi khi giá có biến động lớn. Giá tăng và tăng cao kéo dài như vừa qua đặt các khoản vay vàng đối diện với rủi ro chi phí trả nợ, cũng như đặt hoạt động chuyển đổi vàng thành tiền của các ngân hàng trước rủi ro thua lỗ. Thực tế trước đây đã có những “tay to”, những ngân hàng gục ngã trước rủi ro này.
Để giảm thiểu rủi ro, mua vàng để tất toán bớt trạng thái chuyển đổi, chủ động chi phí cho các khoản vay… càng tạo thêm sức cầu trên thị trường, qua đó kích thích giá vàng trong nước càng tăng cao, và dẫn đến nhiều thời điểm trước đây giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 8 - 10%, gây dư luận xã hội và áp lực đối với cơ quan quản lý trong bình ổn, cũng như lôi kéo biến động tỷ giá gây bất ổn vĩ mô.
Nay, như trên, các vây cánh liên quan đến huy động, cho vay vốn vàng trong hệ thống ngân hàng đã bị cắt bỏ, yếu tố tác động lớn đến cung - cầu và giá như trên đã được loại trừ.
Và đã khoảng ba tháng kể từ khi giá vàng trong nước tăng dần lên cao, đã tái lập mức đỉnh của 6 năm, nhưng thị trường vẫn trật tự và giá vàng trong nước thậm chí vẫn thấp hơn giá thế giới từ 600.000 - 800.000 đồng/lượng suốt thời gian qua.
Cũng như cho đến lúc này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phải xuất hiện. Mà trước đây, cứ mỗi lần giá vàng tạo sóng lớn, nhà điều hành thường phải lên tiếng, như một liều thuốc trấn an tâm lý thị trường để rồi sau đó vẫn thường phải chi ngoại tệ ra cho nhập vàng về để bình ổn.
Theo Bizlive
Link gốc: https://bizlive.vn/tai-chinh/cat-bo-vay-canh-gia-vang-tang-cao-trong-trat-tu-3514397.html