Điều hành tỷ giá: sóng trồi nhỏ hay sải bước lớn?

Điều hành tỷ giá theo phương thức các con sóng trồi lên tăng dần từng nhịp sẽ được thị trường dễ dàng chấp nhận hơn một mức điều chỉnh sải bước lớn cho dù cung cầu đang thuận lợi.
Hiện số dư quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã ở tầm 68-69 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Thành Hoa
Hiện số dư quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã ở tầm 68-69 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Thành Hoa

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố từ đầu năm đến nay đã mua vào 8,35 tỉ đô la Mỹ, bình quân gần 2,1 tỉ đô la Mỹ/tháng, mức cao nhất trong một thời gian ngắn mà thị trường tài chính chưa hề ghi nhận trước đây. Như vậy hiện số dư quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã ở tầm 68-69 tỉ đô la Mỹ. Tất cả số ngoại tệ được mua vào ở mức giá 23.200 đồng/đô la Mỹ, tương đương cơ quan quản lý đã đưa ra thị trường 193.720 tỉ đồng.

Để trung hòa được số tiền này trong lưu thông, các công cụ hút tiền về như giao dịch thị trường mở (OMO), phát hành tín phiếu, giấy tờ có giá... đã được sử dụng. Lãi suất của tín phiếu, lãi suất giao dịch OMO giả sử bình quân 3-4%/năm, thì số tiền NHNN phải bỏ ra để hút tiền về khoảng đâu đó 2.000-2.200 tỉ đồng, tức tầm 100 triệu đô la Mỹ. Không biết bỏ ra chi phí (chỉ riêng chi phí, không kể tiền mua) 100 triệu đô la Mỹ để mua được 8,35 tỉ đô la Mỹ là rẻ hay đắt?

Ấy vậy mà cuối tuần trước tỷ giá niêm yết bán ra mua vào của các ngân hàng “bỗng nhiên” “nổi sóng” tăng khoảng 80-100 đồng/đô la Mỹ ở tất cả các chiều, cả chuyển khoản lẫn tiền mặt. Tỷ giá thị trường tự do chuyển động theo và có lúc giá bán ra đã tiệm cận 23.380 đồng/đô la Mỹ trước khi giảm trở lại 23.330-23.350 đồng/đô la Mỹ. Giới kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng đưa ra lý do giải thích tương đối giống nhau.

Thực ra những tháng qua NHNN đã từ từ điều chỉnh tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày theo hướng đồng Việt Nam mất giá so với đồng bạc xanh, từ mức 22.825 đồng/đô la Mỹ ngày 2-1-2019 lên 23.028 đồng/đô la Mỹ ngày 26-4-2019, tức đô la Mỹ lên giá 0,89% so với tiền đồng.

Thứ nhất, các ngân hàng bán ngoại tệ cho NHNN “quá đà”, một số ngân hàng âm trạng thái nên phải mua lại. Thứ hai, giá vàng quốc tế giảm mạnh mà giá trong nước chỉ giảm rất nhẹ (mỗi khi giá vàng giảm là có hiện tượng gom đô la mặt ở thị trường tự do để nhập vàng lậu - NV).

Thứ ba, đô la Mỹ lên giá so với các ngoại tệ khác, chẳng hạn 1 euro về gần 1,11 đô la Mỹ; 1 đô la Mỹ gần bằng 112 yen Nhật; 1 đô la Mỹ xấp xỉ 1,35 đô la Canada... Thứ tư, NHNN dường như sẽ điều chỉnh giá mua vào ngoại tệ và mức điều chỉnh được phỏng đoán từ 23.200 lên 23.300 đồng/đô la Mỹ.

Sự điều chỉnh được tính toán điểm rơi khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung, trong đó có biến động tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ, sắp đạt được kết quả.

Có ngân hàng còn đoán già đoán non rằng cơ quan quản lý thấy tỷ giá biến động mạnh nên đã không điều chỉnh giá mua vào ngay, vì thế tỷ giá liên ngân hàng dịu lại trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Thực ra những tháng qua NHNN đã từ từ điều chỉnh tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ, từ mức 22.825 đồng/đô la Mỹ ngày 2-1-2019 lên 23.028 đồng/đô la Mỹ ngày 26-4-2019, tức đô la Mỹ lên giá 0,89% so với tiền đồng. Tuy nhiên do cung ngoại tệ quá dồi dào và mặt bằng lãi suất được giữ ở mức phù hợp với mục tiêu hỗ trợ sự ổn định giá trị đồng nội tệ, tăng trưởng tín dụng tối đa 14%, tỷ giá của ngân hàng cũng như trên thị trường tự do đã không thể điều chỉnh tương ứng với mức điều chỉnh của tỷ giá trung tâm.

Suốt từ đầu năm đến nay, tỷ giá chuyển khoản niêm yết bán ra của các tổ chức tín dụng luôn đứng ở 23.240 đồng/đô la Mỹ và khoảng 23.200-23.220 đồng/đô la Mỹ trên thị trường tự do.

Với nguồn ngoại tệ có trong tay, hiện NHNN có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào và hoàn toàn chủ động trong điều hành tỷ giá. Hai tuần gần đây lãi suất tiền đồng liên ngân hàng hạ, lãi suất qua đêm từ 4-4,5%/năm về 3%/năm, thậm chí có ngày xuống 2,8%/năm đã “thúc giục” các ngân hàng mua lại ngoại tệ để cân bằng trạng thái.

Tuy nhiên lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp có khả năng không trụ được lâu dài, trừ khi NHNN chủ động điều hành để duy trì mức này nhằm kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn. Ngay cả có như vậy thì sự co kéo lãi suất sẽ xảy ra bởi các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay khi tăng trưởng vốn huy động nói chung đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng và lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài trên 12 tháng tiếp tục “neo” ở mức cao.

Thay vào đó, NHNN có thể nâng giá mua vào ngoại tệ từng bước nhỏ, thí dụ mỗi đợt 30-40 đồng/đô la Mỹ và dàn đều đến hết năm. Ngoài ra chủ trương và cách thức điều chỉnh tỷ giá trung tâm vừa qua rõ ràng được thị trường đồng tình và thẩm thấu tương đối tốt, không có lý do gì để không tiếp tục.

Không thể có số liệu chính xác về dòng vốn ngầm từ bên ngoài chảy vào Việt Nam thông qua các kênh như người nước ngoài mua nhà (cho dù là mua đứng tên trực tiếp hay mua dưới tên người Việt), nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng các dự án đầu tư ở Việt Nam (đặc biệt là dự án bất động sản), nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp trong nước, hay cho người Việt vay mượn với tư cách thể nhân...

Nhưng cung ngoại tệ luôn cao hơn cầu một cách thường trực chắc chắn không chỉ xuất phát từ sự dịch chuyển nắm giữ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng do lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ 0% của dân cư như những năm trước.

Trong bối cảnh đó, điều hành tỷ giá theo phương thức các con sóng trồi lên tăng dần từng nhịp sẽ được thị trường dễ dàng chấp nhận hơn một mức điều chỉnh sải bước lớn cho dù cung cầu đang thuận lợi.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/288281/dieu-hanh-ty-gia-song-troi-nho-hay-sai-buoc-lon.html