VietTimes liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh trong ngày. Bạn hãy bấm F5 nếu quay lại bài viết này để làm mới trang.
Thông báo khẩn cấp cấm vợ chồng ngủ chung để phòng dịch
Bản thông báo khẩn đang gây bão mạng (Ảnh: Thời báo Hoàn cầu)
|
Hồ Bắc là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19; các biện pháp kiểm soát chặt chẽ được thực hiện ở nhiều nơi trong tỉnh. Một khu chung cư ở thành phố Hàm Ninh gần đây đã dán khắp nơi bản “Thông tri khẩn cấp”, yêu cầu các cặp vợ chồng sống trong cùng phòng phải ngủ trên giường riêng. Vụ việc đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Người phụ trách khu dân cư đã lên tiếng hôm thứ Tư (19/2), nói rằng “ngủ tách giường” trong bản thông báo thực sự chỉ là một chỉ dẫn cho các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm nCoV trong khi cách ly tại nhà. Bà Bí thư chi bộ khu dân cư đã giải thích, do tại khu dân cư có một người đàn ông bị COVID-19 đã lây truyền nCoV cho các thành viên gia đình khi bị cách ly tại nhà nên khu dân cư mới dán thông báo hướng dẫn người dân cách ly tại nhà. Bản hướng dẫn ban đầu có tên là “Lưu ý cách ly tại nhà”, nhưng vì sợ người dân không coi trọng, nên đã đổi thành “Thông tri khẩn cấp”, dẫn đến việc hiểu lầm.
Thêm một giám đốc bệnh viện điểm điều trị COVID-19 ở Vũ Hán bị lây nhiễm nCoV
Bà Vương Bình (Ảnh: Đông Phương)
|
Ngày 19/2 lan truyền tin có thêm một giám đốc giám đốc một bệnh viện được chỉ định chuyên điều trị các trường hợp mắc bệnh COVID-19. Sau đó Bệnh viện Số 8 thành phố Vũ Hán đã lên tiếng xác nhận: bà Vương Bình, Giám đốc viện này do liên tục bám tuyến đầu chống dịch đã không may bị lây nhiễm COVID-19 và hiện đang nhập viện điều trị tại bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán.
Từ sáng hôm thứ tư 19/2, trên mạng internet lan truyền một lá thư cầu cứu cho biết bà Vương Bình, giám đốc Bệnh viện Số 8, đã bị nhiễm bệnh hiện đang được cấp cứu trong Khoa Chăm sóc Chuyên sâu (ICU) của Bệnh viện Kim Ngân Đàm, tình hình rất nguy cấp, cần gấp huyết tương của những người đã khỏi bệnh xuất viện. Sau đó, các nhân viên của Ban Tuyên giáo của Bệnh viện Số 8 nói rằng hiện đã được tìm được huyết tương để cứu bà Vương Bình. Được biết, Bệnh viện Số 8 Vũ Hán đã chính thức được đưa vào đợt bệnh viện được chỉ định thứ tư từ ngày 2/2 và chuyên thu nhận điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 nhưng có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính được chuyển từ các bệnh viện được chỉ định ba đợt đầu tới điều trị tiếp. Hiện toàn tỉnh đang còn 43.475 người đang điều trị tập trung.
Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc công bố số liệu dịch bệnh ngày 20/2
Vào lúc 10h00 ngày 20/2, Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc công bố: trong vòng từ 0 đến 24h ngày 19/2, 31 tỉnh (khu tự trị, thành phố) và Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương đã báo cáo 394 trường hợp (!) (có lẽ cộng nhầm vì riêng Vũ Hán đã có thêm 615 người) mới được xác nhận bị bệnh và thêm 114 trường hợp tử vong mới (108 tại Hồ Bắc, Hà Bắc 1, Thượng Hải 1, Phúc Kiến 1, Sơn Đông 1, Vân Nam 1, Thiểm Tây 1), có thêm 1.277 trường hợp nghi nhiễm nữa.
Cùng ngày 19/2, thêm 1.779 trường hợp mới đã được chữa khỏi và xuất viện, 25.318 người liên hệ gần gũi đã loại bỏ theo dõi y tế, giảm thêm 113 trường hợp nghiêm trọng. Tính đến 24 giờ ngày 19/2, đã có 74.576 trường hợp bị bệnh được báo cáo (trong đó 11.864 trường hợp bệnh nặng), tổng cộng 16.155 bệnh nhân đã được xuất viện; tổng số người chết là 2.118; 4.922 trường hợp nghi nhiễm. Tổng cộng có 589.163 người có tiếp xúc gần gũi với người bệnh đã được phát hiện và 126.363 người vẫn đang được theo dõi y tế. Tổng cộng có 99 trường hợp bị bệnh được ghi nhận tại Hng Kong, Macao và Đài Loan: 65 trường hợp tại Đặc khu hành chính Hong Kong (5 đã xuất viện, 2 tử vong), 10 tại Đặc khu hành chính Macao (6 đã xuất viện), 24 tại Đài Loan (2 đã xuất viện, 1 tử vong).
Hai hành khách trên tàu Diamond Princess chết vì COVID-19
Hãng thông tấn Kyodo và Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) sáng nay 20/2 đưa tin, hai người nhiễm bệnh trên du thuyền 5 sao Diamond Princess đã chết vì COVID-19. Bản tin dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật Bản nói rằng 2 người nhiễm bệnh đều ở độ tuổi 80, gồm một người đàn ông và một người phụ nữ đã được xác nhận đã chết vì viêm phổi do nhiễm coronavirus mới. Hiện tại, đã có 3 trường hợp tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản.
Cả 2 người mắc COVID-19 ở Iran đều đã chết
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 19/2 đưa tin, hai người lớn tuổi ở địa phương đã chết vì COVID-19. Bộ Y tế ban đầu xác nhận có hai trường hợp bị COVID-19 đầu tiên ở Qom, một thành phố cách thủ đô Tehran khoảng 127 km về phía Nam. Tuy nhiên, ông Ali Rabiei, người phát ngôn chính phủ Iran sau đó tuyên bố rằng hai người Iran già này đã bị nhiễm coronavirus và không qua khỏi.
Tại những nơi khác ở Trung Đông, UAE đã xác nhận có 9 trường hợp, trong đó có 7 người mang quốc tịch Trung Quốc, 2 người còn lại là người Ấn Độ và người Philippines; Ai Cập xác nhận trường hợp đầu tiên vào ngày 14 và ca COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở châu Phi.
Hàn Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc, một bệnh nhân ở nước này vừa tử vong vì COVID-19. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 ở Hàn Quốc và xuất hiện trong lúc số ca nhiễm đang tăng mạnh ở nước này.
Theo CDC, đã có thêm 22 ca nhiễm mới được xác nhận, mang tổng số ca nhiễm lên 104 trong hôm 20/1. Trong số những ca nhiễm mới, 21 người đến từ khu vực miền Nam, bao gồm 5 người từng tới 1 nhà thờ và 13 người liên quan tới 1 bệnh viện ở Cheongdo. 1 trường hợp ở thủ đô Seoul.
Bệnh nhân và đội ngữ y tế ở bệnh viện Cheongdo Daenam, nơi ca tử vong đầu tiên xuất hiện, đã được xét nghiệm xem có nhiễm COVID-19 hay không.
Đến 24h đêm 19/2, số ca mắc bệnh trong cả nước được báo cáo là 74.640, nghi nhiễm 5.248 , đã xuất viện 15.959, số người tử vong đã lên tới 2.117 (tăng 111). Trên toàn thế giới đã có 75.655 người bị bệnh (châu Á: 74.968, (tàu Diamond Princess: 621, châu Âu 47, châu Mỹ 23, Đại Dương 15, châu Phi 1); chết 2.120 người. Theo trang web của Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc, trung tâm và nơi bùng phát dịch bệnh COVID-19, số người bệnh đã giảm nhiều. Từ 0 đến 24h đêm 19/2, cả tỉnh chỉ có thêm tổng số 907 ca mắc bệnh mới (Vũ Hán 615, Kinh Môn 107), đưa tổng số lên 62.031 ca mắc bệnh (Vũ Hán 45.027); đã xuất viện thêm trong ngày 1.209 người (Vũ Hán 553) đưa tổng số người được xuất viện lên 10.337; chết thêm 108 người (Vũ Hán 88), đưa tổng số ca tử vong lên 2.029 (Vũ Hán 1.585).
Hiện toàn tỉnh đang còn 43.475 người đang điều trị tập trung tại các bệnh viện; trong đó 9.128 ca nặng, 2.050 người nguy cấp; hiện có 3.456 trường hợp nghi nhiễm bệnh, đã tập trung cách ly 3.334 người; phát hiện 214.039 người tiếp xúc gần với những người bị bệnh, theo dõi y tế đối với 65.525 người.
Các chuyên gia từ nhiều bên tiếp tục tăng cường nghiên cứu về COVID-19 và cách điều trị nó. Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã công bố phiên bản thứ sáu của Phác đồ điều trị (thử nghiệm) vào thứ Tư (19/2), trong đó xác nhận rằng thuốc chống sốt rét “Chloroquine Phosphate” và thuốc chống vi rút “Abidol” có hiệu quả nhất định đối với COVID-19 và một số công ty dược phẩm Trung Quốc đại lục đã bắt đầu sản xuất hai loại thuốc này.
Viện sĩ Chung Nam Sơn, lãnh đạo nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, đã tổ chức một cuộc họp online truyền hình với các chuyên gia Đại học Harvard ở Hoa Kỳ vào cùng ngày 19/2. Hai bên đã quyết định thành lập một nhóm để chống lại nCoV.
Việc nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 được tiến hành mạnh ở Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Về sự sụt giảm về số lượng người bị bệnh được chính thức công bố, bà Dương Công Hoán, cựu Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, lên tiếng nhắc nhở rằng: trong dịch tễ học có một hiện tượng gọi là “băng trôi”. Nó giống như nhìn thấy một tảng băng trôi trên biển, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần lớn vẫn chìm dưới mặt nước. Bà ước tính rằng số lượng các trường hợp bị bệnh hiện đã tìm thấy ở Hồ Bắc chỉ là 50% trong tổng số và con số thực sự vẫn chưa thể biết rõ. Ngoài ra, bà tin rằng nCoV có thể ngày càng trở nên yếu đi nhưng sẽ không biến mất mà sẽ trở thành một loại virus có tính phổ biến.
COVID-19 tấn công vào PLA, Hạm trưởng Khu trục hạm Thường Châu đã bị cách ly điều trị (Ảnh: Đông Phương)
|
COVID-19 tấn công vào quân đội Trung Quốc, hạm trưởng khu trục hạm bị cách ly
Theo cơ quan truyền thông chính thức của PLA “Giải phóng quân báo” tiết lộ, dịch bẹnh COVID-19 đã bùng phát tại Chiến khu miền Đông của PLA; nhiều sĩ quan, binh sĩ đã bị cách ly để theo dõi, điều trị. Trong số đó có hạm trưởng Dư Tùng Thu (Yu Songqiu) của khu trục hạm mang tên lửa đạn đạo kiểu mới Thường Châu (548). Tin cho biết, các sĩ quan và binh sĩ ở tất cả các cấp trong hải quân của Chiến khu này đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, đo thân nhiệt và khử trùng, cách ly khi trở lại đơn vị. Chiến khu miền Đông sẽ điều chỉnh kế hoạch của mình để đảm bảo rằng các nhiệm vụ huấn luyện hàng năm không bị ảnh hưởng.
Chiến khu miền Đông lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang của 7 khu vực hành chính cấp tỉnh, bao gồm Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến và Sơn Đông. Các cơ quan của Bộ Tư lệnh Chiến khu đóng quân ở Nam Kinh, được coi là lực lượng chính chống lại Đài Loan. Đối với Hải quân Chiến khu miền Đông (tức Hạm đội Đông Hải) mà Tàu Thường Châu thuộc về, cơ quan của Bộ Tư lệnh hạm đội được đặt tại Ninh Ba, Chiết Giang.
Iran trở thành quốc gia mới nhất bị nCoV tấn công với 2 người bị COVID-19 (Ảnh: Đông Phương)
|
Iran phát hiện 2 người bị COVID-19
Theo tin của Reuters ngày 19/2, Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo (IRNA) của Iran đã dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Y tế nước này cho biết cùng ngày: các xét nghiệm sơ bộ cho thấy hai trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đều cho kết quả dương tính với nCoV.
Người phát ngôn tiết lộ, các trường hợp trên xảy ra ở tỉnh Qom ở miền trung Iran và các bệnh nhân đã được cách ly. “Việc xét nghiệm thêm đang được tiến hành và kết quả sẽ được công bố sớm nhất có thể” – ông nói.
Associated Press cũng đưa tin Iran đã xác nhận 2 trường hợp COVID-19 đầu tiên ở nước này hôm 19/2. Các cơ quan truyền thông Iran không nêu quốc tịch của 2 người nhiễm bệnh và số trường hợp nghi nhiễm.
Tại các khu vực khác của Trung Đông, UAE đã xác nhận tổng cộng có 9 ca bị COVID-19. Bộ Y tế Ai Cập đã công bố một trường hợp được xác nhận vào 14/2, là người bị COVID-19 đầu tiên trên lục địa châu Phi.