Cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông: Ưu tiên đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa

VietTimes -- Bộ GTVT xác định dự án Ninh Bình - Thanh Hóa là ưu tiên số 1 trong 20 dự án của Chương trình Đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về việc ưu tiên đầu tư cho hai dự án đường bộ cao tốc đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 và đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Thanh Hóa) có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam nhánh phía đông.

Trong Văn bản số 9520/BKHĐT-CKHTĐT mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm thực hiện thủ tục đầu tư 2 dự án nói trên theo quy định hiện hành vì Thủ tướng Chính phủ đã từng đồng ý chủ trương hỗ trợ vốn ngân sách để sớm triển khai các dự án này.

Được biết, cuối tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép triển khai sớm việc đầu tư đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình-Thanh Hóa (gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn) theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), hợp đồng BOT với quy mô phân kỳ, trong đó, giai đoạn I đầu tư 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m. với tổng mức đầu tư 2 dự án nói trên khoảng 21.180 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia khoảng 6.310 tỷ đồng, nằm trong nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT.

Dự kiến, các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam tuyến phía đông dài 1.372 km sẽ được khởi công chậm nhất vào tháng 5/2019, để bảo đảm tiến độ thông xe toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông từ Cao Bồ (Ninh Bình) đến nút giao Dầu Giây (Đồng Nai) không chậm hơn tháng 12/2022.

Trong Chương trình Đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, Bộ GTVT dự kiến phân chia các đoạn tuyến chưa đầu tư thành 20 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 229.826 tỷ đồng. Trong đó, ngoài đoạn Cao Bồ (Ninh Bình) - Mai Sơn dài 16 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng và La Sơn-Túy Loan dài 66 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, các đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, với tỉ lệ vốn tham gia của Nhà nước từ 24% đến 62% (tổng cộng khoảng 93.544 tỷ đồng).

Việc phân chia này theo lý giải của lãnh đạo Bộ GTVT là nhằm bảo đảm các đoạn tuyến có thể khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo cơ chế PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí hợp lý, dưới 25 năm.

Liên quan đến tiến độ triển khai toàn tuyến, Bộ GTVT dự kiến phê duyệt chủ trương/đề xuất đầu tư các dự án thành phần trong tháng 6-7/2017; phê duyệt dự án đầu tư từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018; phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu từ tháng 6/2018-9/2018; hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trước tháng 12/2018.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tình hình ngân sách hiện nay rất khó có thể thu xếp đủ kinh phí cho dự án này. Vì vậy Bộ Tài chính đã nhiều lần bác bỏ kế hoặc xây dựng đường cao tốc của Bộ GTVT.