Cao điểm nắng nóng, vì sao EVN chỉ huy động được 7% công suất điện tái tạo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo lãnh đạo EVN, những biến động của thời tiết khiến các nguồn điện mặt trời và điện gió không phát huy được hết công suất. Có những thời điểm, nguồn điện gió huy động chưa tới 1% công suất.
Toàn cảnh toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng” do CLB Cafe Số tổ chức (Ảnh: VL)
Toàn cảnh toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng” do CLB Cafe Số tổ chức (Ảnh: VL)

Phát biểu tại toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng”, diễn ra vào sáng nay (18/5), Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, việc vận hành hệ thống điện đã có sự chuyển dịch rất nhiều sau khi điện năng lượng tái tạo hoà lưới.

Theo chia sẻ của lãnh đạo EVN, trước đây, khung giờ cao điểm thường kéo dài từ 11h-13h, song hiện nay đã xuất hiện những giờ cao điểm mới, rơi vào 14h – 16h, 17h-19h, và từ 20h30 – 22h. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt gia tăng của người dân.

“Vào những giờ cao điểm đó, trừ những giờ buổi trưa, chúng ta không có nguồn năng lượng nào sẵn sàng”, ông Lâm chia sẻ.

Được biết, hệ thống điện của Việt Nam có tới hơn 70.000 MW công suất, trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới 30%. Tuy nhiên, có những thời điểm nguồn điện gió huy động chưa tới 1% (cụ thể là 0,37%). Trong khi đó, điện mặt trời cũng chỉ huy động vào ban ngày (chủ yếu từ 8h sáng đến 4h chiều). Nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 30% công suất, song chỉ huy động được khoảng 7%.

Ông Lâm cho biết, ngành điện đang phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, nguồn năng lượng tái tạo có tính chất bất định gây ra sự bất ổn trong hệ thống điện.

Khi thời tiết biến động, điện mặt trời cũng không phát huy được 17.000 MW công suất, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn. Do đó, năng lượng truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện.

“Trong tháng 4 vừa qua, cả nước tiêu thụ 87 tỉ kWh. Trong đó, điện than đóng góp 39 tỉ kWh, điện khí đóng góp 11 tỉ kWh, thuỷ điện đóng góp 22 tỉ kWh. Như vậy, năng lượng truyền thống đã đóng góp tới 77 tỉ kWh”, lãnh đạo EVN dẫn chứng.

Thứ hai, EVN còn phải đối mặt với vấn đề giá nhiên liệu, đặc biệt là giá than cho các nhà máy điện. Ông Võ Quang Lâm cho hay, giá than hiện có giá trung bình 230 USD/tấn và có thể lên tới 279 USD/tấn, cao gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xăng dầu có lúc lên tới 100 USD/tấn, giá khí cũng leo thang theo giá xăng dầu.

Đối với điện gió, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ở Việt Nam, gió phát điện tốt nhất vào tháng 12, tháng 1 và tháng 2, trong khi những tháng thấp nhất là các tháng 4, 5, 6. Nếu nhìn vào biểu đồ gió, công suất khả dụng của tháng 4 chỉ bằng 1/5 của tháng 12. “Như vậy, những tháng chúng ta cần nhất thì lại không có gió”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, điện mặt trời có sự chênh lệch lớn giữa miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, từ Huế trở ra phía Bắc, cường độ nắng tốt nhất cho điện mặt trời vào tháng 5, 6, 7. Ở miền Nam và miền Trung, cường độ mặt trời lại tốt nhất vào những tháng cuối năm./.