Cảnh báo dị dạng mạch máu não ở người trẻ: Nguy cơ tử vong cao, di chứng nặng nề

Liên tiếp nhiều bệnh nhân còn rất trẻ được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai với các triệu chứng giống như đột quỵ. Bệnh nhân được đưa đến trong “giờ vàng” nhưng bác sĩ vẫn đành bất lực.
Khám cho bệnh nhân dị dạng mạch não

Bệnh nhân thường còn trẻ

Cháu bé T.V.T mới 15 tuổi được đưa đến bệnh viện (BV) tuyến dưới vì đột ngột đau đầu dữ dội và nhanh chóng rơi vào hôn mê. Cháu được chẩn đoán chảy máu não, phải đặt ống nội khí quản thở máy rồi chuyển đến Trung tâm Đột quỵ BV Bạch Mai.

Lúc này, cháu đã bị hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, thở máy, giãn đồng tử bên phải. Kết quả chụp phim cho thấy mạch não chảy máu não đồi thị - não thất do vỡ khối AVM (dị dạng thông động- tĩnh mạch não) biến chứng giãn não thất cấp, rối loạn thân nhiệt, sốt cao liên tục 39 - 40 độ C. Khối dị dạng mạch não ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng tình trạng cháu bé diễn biến xấu rất nhanh, nên sau 2 ngày điều trị, bác sĩ giải thích không còn khả năng cứu chữa, gia đình đã đưa bệnh nhi về và cháu đã tử vong sau đó.

Cũng thời gian này, một bệnh nhân mới 19 tuổi được đưa vào Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng co giật, hôn mê sâu, Glasgow 6 điểm, thở máy qua ống nội khí quản, liệt chân tay.

Kết quả chụp phim MSCT mạch não: Hình ảnh chảy máu não thùy đỉnh chẩm bên trái và não thất - phù não lan toả do vỡ ổ dị dạng AVM thuỳ đỉnh chẩm trái (điểm Spetzler- Martin 3 điểm). Bệnh nhân đã được phẫu thuật hút khối máu tụ và lấy ổ dị dạng mạch não. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại, khả năng hồi phục rất hạn chế.

Một nữ bệnh nhân mới 29 tuổi, khoẻ mạnh, đến BV tỉnh khám vì đột ngột đau đầu, tê tay, nôn nhiều, vật vã và được chẩn đoán chảy máu não. Bác sĩ đã đặt ống nội khí quản thở máy rồi chuyển lên Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, Glasgow 6 điểm, thở máy, đồng tử bên phải giãn 4mm, tụt huyết áp, duy trì vận mạch.

Kết quả chụp MSCT mạch não cho thấy chị bị chảy máu não thuỳ đỉnh phải, chảy máu não thất do vỡ AVM. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy máu tụ và khối dị dạng, nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề. Sau một tháng điều trị, bệnh nhân chưa nhận thức được, liệt hoàn toàn nửa người trái…

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não còn trẻ

Cần đi khám khi có các dấu hiệu bất thường

Bác sĩ Lê Tuấn Anh (Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Dị dạng thông động tĩnh mạch não là một dị tật phát triển của hệ thống mạch máu, trong đó các động mạch nuôi được kết nối trực tiếp với mạng lưới tĩnh mạch dẫn lưu mà không qua hệ thống mao mạch.

Trong khối dị dạng, thành động mạch thường mỏng hơn, tĩnh mạch giãn rộng do lưu lượng máu cao, không được điều tiết, nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào gây chảy máu não, tăng áp lực nội sọ, co giật, suy giảm ý thức, thậm chí tử vong nhanh chóng. Vì vậy, dị dạng mạch máu não rất nguy hiểm, thường xảy ra ở người trẻ tuổi, kể cả nam lẫn nữ.

Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện khi dị dạng mạch vỡ thì sự đã rồi. Đôi khi, người bệnh phát hiện sớm vì tình cờ đi chụp chiếu kiểm tra.

Về dấu hiệu nhận biết, bác sĩ Tuấn Anh cho hay: Nếu dị dạng mạch não chưa vỡ, tuỳ vị trí của khối dị dạng có thể xuất hiện một số triệu chứng không đặc hiệu như: đau đầu, chóng mặt, tê bì yếu tay chân hoặc động kinh.

Nếu dị dạng mạch não vỡ, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào bản thân khối dị dạng và thể tích máu tụ, từ đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, liệt nửa người, lú lẫn đến hôn mê sâu, thậm chí tử vong nhanh chóng do tụt kẹt não. Tỉ lệ tử vong khi vỡ AVM ước chừng 10-15%, khoảng 50% số bệnh nhân sẽ để lại di chứng về sau.

Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đi kiểm tra khi có một hoặc các dấu hiệu: Đau đầu, chóng mặt, tê bì hoặc liệt nửa người, co giật. Các trường hợp nặng rối loạn ý thức đột ngột nên đến viện ngay lập tức.