Năm đầu tiên Việt Nam có 41 người hiến tạng sau khi chết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba năm qua, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 ca ghép tạng, nhiều nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ tạng ghép từ hiến sống quá cao, tới 94% và tỷ lệ đăng ký hiến mô, tạng từ người chết não còn thấp.

Nhiều cơ sở công lập và tư nhân có chi hội vận động hiến mô, tạng

Năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, tạng ở các cơ sở y tế công lập và tư nhân đã ra đời. Nhờ đó, số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó. 41 người hiến tạng sau chết trong năm 2024 là con số lần đầu tiên đạt được trong một năm.

Hệ 2.jpg
GS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Điển hình là một gia đình đã đồng ý hiến tạng khi người con trai qua đời vào đầu tháng 4/2024, để 7 bệnh nhân hiểm nghèo được nối dài sự sống, hay gia đình điều dưỡng Lê Thị Thùy Linh (Bệnh viện E) đã hiến mô, tạng theo di nguyện của chị, đem lại sự sống cho 4 người bệnh khác...

Đặc biệt, năm 2024, chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam: Ghép tim-gan đồng thời đầu tiên và ghép khí quản đầu tiên từ người chết não - một kỹ thuật hiếm gặp trên thế giới; 3 ca ghép phổi thành công, nâng tổng số ca ghép phổi ở Việt Nam lên 12 ca.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - để đạt được số ca hiến tăng đáng kể, sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não hiến tạng được nhiều bệnh viện thực hiện tốt.

Để tăng nguồn tạng hiến trong thời gian tới, theo ông Hệ, rất cần có sự ủng hộ của cộng đồng; sự vào cuộc của ngành y tế, đặc biệt từ các BV là nơi tập trung các bệnh nhân chết não và sự ủng hộ của hệ thống pháp luật.

Thuấn.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Công tác vận động hiến mô, tạng còn nhiều khó khăn

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác hiến mô, tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận những kết quả đạt được và cho rằng, hoạt động hiến, ghép mô tạng vẫn còn nhiều khó khăn, như chưa có cơ chế, chính sách cho hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hiện nay trên cả nước chỉ có số ít BV thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, do chưa có chế độ, chính sách phù hợp.

Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến cho các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.

Thươngr.jpg
Trao thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc

Ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế...

Bộ Y tế yêu cầu Vụ BHYT, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Vụ KHTC tập trung nghiên cứu, vận dụng đề xuất các chính sách chi trả, cũng như cơ cấu giá hợp lý, để đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy công tác ghép tạng tại Việt Nam.

Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia khẩn trương đề xuất với các cấp có thẩm quyền chọn Ngày Hiến mô tạng Quốc gia; tăng cường các giải pháp ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hệ thống đăng ký, danh sách chờ ghép, tuân thủ các nguyên tắc điều phối đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, kết nối chặt chẽ bằng hệ thống dữ liệu đồng bộ giữa các trung tâm hiến - ghép để tận dụng tối đa nguồn tạng hiến.