Căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung sẽ kéo dài dưới thời ông Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Joe Biden được dự đoán vẫn duy trì chính sách cứng rắn với các công ty Trung Quốc như Huawei, dù không quyết liệt như Donald Trump.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có những chính sách mạnh mẽ nhằm vào một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc - các doanh nghiệp mà ông xem là mối đe dọa an ninh quốc gia và là công cụ để lan rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Theo giới phân tích, khi lên làm Tổng thống, Biden có thể sẽ điều chỉnh, chứ không đảo ngược, các chính sách đó.

Biden nhiều khả năng vẫn duy trì các chính sách của Trump về công nghệ với Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Biden nhiều khả năng vẫn duy trì các chính sách của Trump về công nghệ với Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia nhận định, Biden sẽ có các quan điểm cứng rắn với hầu hết vấn đề, trong đó có việc hạn chế xuất khẩu với Huawei. Tuy nhiên, ông sẽ tranh thủ sự ủng hộ nhiều hơn từ các đồng minh quốc tế, cũng như duy trì các chính sách mà chính quyền Trump để lại một cách nhất quán hơn.

Đối với người nhập cư, Biden được dự đoán sẽ có chính sách không quá khắt khe như Trump, đặc biệt là những lao động tay nghề cao, nhằm mang lại cho Mỹ nhiều nguồn lực hơn từ bên ngoài để cạnh tranh với các quốc gia khác về công nghệ.

Trong bài viết "Tại sao Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa: Cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ hậu thời Trump" trên tạp chí Foreign Affaire đầu năm nay, Biden viết: "Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tự làm theo cách của mình, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ, tài sản trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp lớn nhằm tạo lợi thế không công bằng cho doanh nghiệp nhà nước của họ trong việc thúc đẩy công nghệ và công nghiệp trong tương lai".

Ông cũng nhấn mạnh, cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức này là xây dựng một mặt trận thống nhất với đồng minh và đối tác của Mỹ. "Khi chúng ta bắt tay với các nền dân chủ khác, sức mạnh của chúng ta tăng lên gấp đôi. Trung Quốc không thể bỏ qua hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu", Biden viết.

Chính sách mà Biden đưa ra có thể sẽ khác với Trump - người đã không tận dụng được sức mạnh từ các đồng minh trong việc đối đầu với các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Tổng thống đương nhiệm chưa thể hạn chế các đồng minh phương Tây sử dụng công nghệ của Trung Quốc, như thiết bị viễn thông 5G của Huawei.

"Trump đã làm điều đúng đắn là đối đầu với Trung Quốc", James Lewis, người đứng đầu mảng công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét. "Nhưng Trump cũng có những bước đi chưa chính xác. Bạn có thể buộc Trung Quốc thay đổi, nhưng để làm được điều đó, bạn cần cả Mỹ, Nhật Bản và châu Âu".

Anh từng đề xuất về một liên minh gồm 10 nền dân chủ, hay còn gọi là D-10, để thúc đẩy phát triển công nghệ của phương Tây, bao gồm cả mạng viễn thông 5G. Tony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden, ủng hộ ý tưởng chung đó vào tháng 9. Ông nói rằng Mỹ cần làm việc với các đồng minh nhằm thiết lập một chính sách chung về kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư và tiêu chuẩn kỹ thuật riêng với mục tiêu "đảm bảo một hệ sinh thái bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do".

Một số chuyên gia am hiểu Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi việc các đồng minh của Mỹ cùng bắt tay sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Chẳng hạn, Đức hiện phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc và từng tỏ ra miễn cưỡng khi nhắc đến vấn đề đối đầu với Bắc Kinh.

Lewis cho rằng, để giành được sự ủng hộ nhiều hơn từ châu Âu, chính quyền mới của Biden cần giải quyết một số khiếu nại của họ về các công ty công nghệ của Mỹ - những doanh nghiệp bị các quan chức châu Âu cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và luật chống độc quyền.

Trong khi đó, vào tháng 9, Biden cũng nhắc đến TikTok: "Có một vấn đề thực sự đáng quan tâm đó là TikTok. Ứng dụng Trung Quốc này đang có khả năng tiếp cận hơn 100 triệu thanh niên, đặc biệt là ở Mỹ". Tuy nhiên, Rob Atkinson, Chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin Mỹ, cho rằng chính quyền mới của Biden chưa chắc sẽ dành nhiều thời gian cho các ứng dụng Trung Quốc, bởi ông còn có mục tiêu khác.

Lĩnh vực bán dẫn của Mỹ mới là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất bị treo trên cán cân sau cuộc bầu cử. Chính quyền Trump đã liệt Huawei vào danh sách thực thể từ tháng 5/2019 với hy vọng làm suy yếu khả năng sản xuất thiết bị cho mạng di động 5G của công ty này. Đến nay, hàng loạt quy định mới cũng được đưa ra nhằm siết chặt tham vọng dẫn đầu của Huawei. Theo giới phân tích, Biden có thể cởi mở hơn so với Trump trong việc cấp phép cho các công ty Mỹ làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei.

"Nhìn chung, chính sách liên quan đến lĩnh vực bán dẫn với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều dưới thời Biden", John Neuffer, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, nhận định. "Tôi cho rằng, Mỹ vẫn vẫn dùng cách tiếp cận 'cơ bắp' với các công ty Trung Quốc. Điều này khó thay đổi".

Theo VnExpress