Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 9/6, truyền thông chính thức Trung Quốc vào cuối tuần trước đã tiết lộ tin Trung Quốc đã huy động mấy ngàn lính nhảy dù, xe bọc thép và thiết bị trong một cuộc tập trận quân sự và nói rằng những đội quân này có thể được triển khai đến khu vực dãy Hymalaya ở biên giới Trung-Ấn "trong vòng vài giờ."
Theo bản tin, những binh sĩ và xe bọc thép này đã được vận chuyển từ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc đến một địa điểm không được nêu tên tại cao nguyên phía Tây Bắc Trung Quốc, cách đó hàng ngàn km, "chỉ mất vài giờ”.
Vào ngày 6/6, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi hình ảnh về các lính PLA lên máy bay dân sự và tàu hỏa trong "Chiến dịch cơ động". Vào ngày hôm đó, các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ đang bắt đầu đàm phán ở khu vực biên giới.
Trung Quốc tập kết xe tăng đưa lên tàu hỏa tới biên giới Trung - Ấn (Ảnh: CCTV).
|
Mao Lỗi, người phụ trách huấn luyện lữ đoàn X Không quân PLA, nói rằng chiến dịch này đã tạo ra một "bước đột phá trọng đại" về quy mô huy động và phương thức vận chuyển bộ đội.
Bản tin không tiết lộ vị trí của các cuộc tập trận của binh sĩ PLA, nhưng một bài báo được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã liên kết trực tiếp các cuộc tập trận quân sự của PLA với tình hình căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn, nói “điều này cho thấy năng lực điều động đã tăng lên rất lớn so với cuộc khủng hoảng Donglang (Doklam) năm 2017”.
Ngày 8/6, tin tức về lính dù PLA được huy động quy mô lớn được Đài truyền hình AaJ Tak của Ấn Độ đưa tin đã gây nên phản ứng mạnh mẽ. Chuyên gia quân sự Ajai Shukla của Ấn Độ nói có 3 lữ đoàn PLA được bố trí trên mặt trận từ Galwan Valley tới hồ Pangong dài khoảng 100km
Theo The Times of India ngày 9/6, trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp diễn, hai thành viên nội các Ấn Độ ngày 7/6 đã nhấn mạnh Ấn Độ sẽ không khuất phục trước việc Trung Quốc “phô trương cơ bắp” để “cướp đất” ở Ladakh.
Lính Trung Quốc chuẩn bị lên tàu hỏa ra biên giới với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).
|
Hai thành viên nội các này gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah.
Tại một cuộc họp trực tuyến ngày 7/6, hai ông R.Singh và A.Shah tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ quyết không đem lợi ích quốc gia và phẩm giá quốc gia để nhượng bộ trước bất kỳ ai. Ông A.Shah nói với lập trường quyết chiến: “Ấn Độ, giống như Hoa Kỳ và Israel, đều có khả năng tiến hành các cuộc tấn công “tiên phát chế nhân” (đánh đòn phủ đầu đối phương) để bảo vệ lãnh thổ của Ấn Độ.
Theo trang web New Delhi TV của Ấn Độ, ông Amit Shah nói: "Chính sách quốc phòng của Ấn Độ đã được công nhận trên toàn cầu. Thế giới tin rằng ngoài Hoa Kỳ và Israel còn có quốc gia khác có đủ khả năng có thể bảo vệ biên giới của mình, đó chính là Ấn Độ”.
Ông Shah nói rằng sau các cuộc tấn công khủng bố ở Uri và Pulwama, các cuộc tấn công kiểu “phẫu thuật khoại khoa” và không kích do quân đội Ấn Độ thực hiện cho thấy chính sách quốc phòng của Ấn Độ rất mạnh mẽ.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thì nhấn mạnh Ấn Độ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi xâm phạm phẩm giá và chủ quyền nào đối với mình.
Lều bạt của quân đội Trung Quốc đóng gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
|
Trước thông tin các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức hội đàm vào ngày 6/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 8/6: vào chiều ngày 6/6, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã hội đàm cấp Tư lệnh quân đoàn tại khu vực biên giới Mordo về giải quyết các tình hình biên giới gần đây và thương lượng để duy trì hòa bình và ổn định ở các khu vực biên giới.
Đa Chiều viết, bà Hoa Xuân Oánh chỉ ra rằng, gần đây Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì liên lạc chặt chẽ về việc giải quyết các vấn đề biên giới hiện tại thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. Hai bên nhất trí thực hiện sự đồng thuận quan trọng giữa lãnh đạo hai nước, không để sự bất đồng phát triển thành tranh chấp, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực biên giới, tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ song phương.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, hiện tại, tình hình ở khu vực biên giới Trung-Ấn nói chung là ổn định và có thể kiểm soát được. Cả hai bên đều có ý chí và khả năng giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan thông qua đàm phán và thương lượng.
Binh lính hai bên Trung - Ấn đối đầu nhau ở biên giới (Ảnh: Toutiao).
|
Trang tin Đa Chiều ngày cũng 9/6 đưa tin, trong cuộc đối thoại quân sự ngày 6/6, phía Ấn Độ dứt khoát yêu cầu Trung Quốc "giảm triển khai quân", "lui về vị trí ban đầu" và "chấm dứt thi công", đây là những điều Trung Quốc không chấp nhận ngay. Mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tiếp tục đối mặt với vấn đề biên giới theo tinh thần "30 năm đối đầu mà không nổ một phát súng", nhưng cục diện bế tắc đã hình thành.
Tờ Indian Express và các phương tiện truyền thông khác cũng chỉ ra rằng sau cuộc đàm phán ngày 6/6, Lục quân Ấn Độ đã báo cáo với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và văn phòng Thủ tướng Modi lần đầu tiên và bắt đầu thêm đưa quân và thiết bị nặng đến các khu vực núi cao để đáp lại việc triển khai của Trung Quốc. Phía Ấn Độ thậm chí còn chuẩn bị cho "long hual" (hành quân đường dài).
Tuy nhiên, sự bế tắc cũng có thể là tạm thời. Bắc Kinh và New Delhi dường như vẫn đang mong muốn giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Các nguồn tin Ấn Độ tiết lộ rằng chương trình nghị sự chính của cuộc đàm phán Trung Quốc-Ấn Độ là "thảo luận về một cách cả hai bên có thể chấp nhận được để tránh hai quân đội tiến hành các hoạt động quân sự trên tuyến kiểm soát thực tế (LAC)”.