Ông Tôn cho biết các “nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế” này là “tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thảm họa, nghiên cứu khoa học hàng hải, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, sản xuất hải sản”…
Trên thực tế, khi động thổ hai hải đăng ở Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phía chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra lập luận tương tự. Nhưng các hành động của Trung Quốc phơi bày rõ mọi ý đồ của quốc gia này khi lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép.
Mới đây nhất là việc Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo quân đội Trung Quốc điều hai pháo cối tới một đảo nhân tạo. Khi đến TP.HCM hôm 29-5, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chỉ rõ đây là hành vi quân sự hóa biển Đông và hết sức tráo trở.
“Chúng tôi rất thất vọng. Trung Quốc nói sẽ không đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo nhưng họ lại làm như vậy. Họ cũng không công khai điều đó, chỉ nhờ vệ tinh chúng ta mới phát hiện được các khẩu pháo cối” - thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh.
Trong khi đó một tướng về hưu của quân đội Trung Quốc mô tả việc đưa pháo cối đến đảo nhân tạo là “điều bình thường”!
Ông tướng này nói rằng pháo cối là “vũ khí phòng vệ”, nhưng trên thực tế đây là loại vụ khí tấn công. Chúng lại được đặt ở khu vực gần các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đạn pháo hoàn toàn có thể bắn tới các đảo này. Rõ ràng đó là một mối đe dọa quân sự, làm leo thang căng thẳng trên biển Đông.
Các chuyên gia quốc tế về biển Đông dự báo Trung Quốc sẽ triển khai nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu hay tên lửa phòng không tới các đảo nhân tạo trái phép này. Đường băng dài 3.000m có khả năng tiếp nhận các máy bay tiêm kích.
Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ từng cảnh báo Trung Quốc “muốn triển khai lực lượng đủ sức ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ khi có xung đột trên biển”.
Vì thế, tuyên bố của đô đốc Tôn Kiến Quốc chỉ là những lời biện minh mang tính chất đánh lừa dư luận quốc tế. Cũng giống như việc ông Tôn và các quan chức Trung Quốc ra rả khẳng định rằng các đảo nhân tạo “không ảnh hưởng đến tự do hàng hải” trên biển Đông.
Cần nhớ rằng khi máy bay P-8 Poseidon của hải quân Mỹ bay tới các đảo nhân tạo, hải quân Trung Quốc đã cảnh báo rằng: “Đây là vùng báo động quân sự của Trung Quốc. Hãy rời đi ngay!”.
Ở Shangri-La, ông Tôn phớt lờ và né tránh những câu hỏi liên quan đến bản chất của “vùng báo động quân sự” này.
Chính phủ Philippines cũng từng nhiều lần chỉ trích việc máy bay nước này bay trên bầu trời biển Đông bị hải quân Trung Quốc phát tín hiệu ngăn chặn và đe dọa. Tàu cá Philipines đến đánh bắt ở bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế nước này bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công.
Vài lần tàu nghiên cứu Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cắt cáp. Tàu cá Việt Nam thì liên tục bị quấy rối, bị bắn vòi rồng. Điều đó có nghĩa là dù Trung Quốc chưa lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông thì Bắc Kinh đã cản trở tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển Đông Nam Á, đúng như cáo buộc của Mỹ và các nước khu vực.
Chắc chắn lập luận của Trung Quốc không thể đánh lừa được bất kỳ quốc gia nào dù trong hay ngoài khu vực.
Ở Đông Nam Á, không chỉ có Philippines và Việt Nam chỉ trích những hành vi của Trung Quốc. Singapore đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ căng thẳng leo thang. Indonesia đề nghị các nước tuần tra chung.
Ngoài khu vực, Mỹ đã lên tiếng và hành động. Nhật bắt đầu hỗ trợ các nước khu vực tăng cường an ninh hàng hải. Úc, một đối tác thương mại thân thiết của Trung Quốc, cũng đang tăng cường hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Mỹ.
Cùng đi với thượng nghị sĩ John McCain đến TP.HCM, thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan đánh giá Trung Quốc ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế và không nước nào ủng hộ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi không ai chỉ nghe những gì Trung Quốc nói, mà còn nhìn thấy rõ những gì Trung Quốc đang làm trái phép tại Trường Sa của Việt Nam.
Theo: Tuổi trẻ