Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương cho phép, khuyến khích sinh viên các ngành học khác có thể chuyển sang học ngành CNTT sau khi đã hoàn thành chương trình cơ bản của mình. Về cơ bản, đây cũng không phải là chủ trương mới vì ngay từ những năm 1990, một số đại học đã cho phép sinh viên đã hoàn thành chương trình cơ bản của khối các ngành kinh tế - kỹ thuật được học tiếp giai đoạn 2 với ngành CNTT. Cùng với việc đó, những người đã tốt nghiệp các ngành kinh tế - kỹ thuật cũng được phép theo học ngành CNTT với thời gian đào tạo 2 năm.
Suốt từ đó đến nay, hệ đào tạo văn bằng 2 về CNTT của nhiều đại học đã thu hút một số lượng đông đảo học viên tham gia. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì hoạt động đào tạo này mới chỉ được xem là “kế hoạch 3” của nhà trường vì nó được xuất phát từ nhu cầu của thị trường và người học sẵn sàng trả học phí. Kết thúc chương trình đào tạo, không ít người đã chuyển hẳn sang làm việc trong lĩnh vực CNTT nhưng cũng có không ít người vẫn trung thành với nghề nghiệp cũ. Và theo nhận xét của TS Phạm Việt Bình – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT Thái Nguyên thì không ít các khoa CNTT của rất nhiều đại học đã ra đời bởi những người đã theo học hệ văn bằng 2 về CNTT.
Có thể nói, CNTT đã và đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực. Và khác với những sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT, những người theo học CNTT văn bằng 2 chính là những người hiểu được nhu cầu về ứng dụng CNTT cho lĩnh vực chuyên môn của mình. Để ứng dụng CNTT cho các lĩnh vực đó, họ chính là người có thể phác thảo, xây dựng các đề án và các công việc còn lại sẽ là của đội ngũ lập trình viên.
Từ khi có hệ đào tạo văn bằng 2 về CNTT đến nay, điều đáng tiếc là dường như chưa có một tổng kết, đánh giá nào về hệ đào tạo này. Nên chăng, chính các cựu sinh viên hệ đào tạo văn bằng 2 cần cùng với các đại học đã đào tạo họ cần có những cuộc hội ngộ để đưa ra một bức tranh tổng thể xem họ đã đi đâu và làm gì sau khi tốt nghiệp. Tiếp sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cần có chỉ đạo để các trường có những tổng kết, đánh giá về đào tạo văn bằng 2 không chỉ với CNTT. Đào tạo văn bằng 2 không nên chỉ là “kế hoạch 3” của các đại học mà cần được xem là một nhu cầu chính đáng để ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực khoa học công nghệ. Đó cũng chính là một nhiệm vụ của các đại học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.