Cần sự tập trung trong công việc, hãy nghe nhạc game

Nghe có vẻ vô lý nhưng trên thực tế, một số nghiên cứu đã cho thấy nhạc game giúp bạn nâng cao khả năng tập trung và cải thiện hiệu suất làm việc.

Tạp chí khoa học Popular Science vừa đăng tải bài viết trong chuyên mục "Lời khuyên cho cuộc sống" cho rằng nhạc game không chỉ là những bản nhạc tuyệt vời mà còn giúp cải thiện sự tập trung trong công việc. Đây là một thể loại nhạc được thiết kế để kích thích các giác quan và hòa vào bên trong não bộ của bạn. Nó thu hút bạn, người chơi, làm một nhiệm vụ nào đó mà không bị phân tâm, và bản nhạc tốt nhất sẽ thậm chí còn hướng bạn tới nhiệm vụ đó.

Nhiều nghiên cứu được các chuyên gia thực hiện cho thấy có một chút âm thanh ở xung quanh bạn có thể giúp bạn tập trung, vì nó cho tiềm thức của bạn một thứ gì đó để… phớt lờ. Tiềm thức của bạn không còn phải tập trung vào tiếng đồng nghiệp xung quanh hay tiếng cửa đóng mở, nên bạn không bị phân tâm và gián đoạn công việc. Âm nhạc là thứ giúp chúng ta tập trung tốt nhất, nhưng không phải nhạc nào cũng được. Bài hát mới nhất của ca sĩ mà bạn yêu thích nhiều khả năng sẽ khiến bạn hát theo, hay dậm chân theo nhịp điệu mà quên đi công việc của mình.

Mặt khác, sự im lặng dường như khiến các nhân viên làm việc trong văn phòng trở nên chậm chạp và kém hiệu quả hơn so với những người nghe nhạc khi làm việc. Một số bác sĩ phẫu thuật thậm chí còn sử dụng âm nhạc để tạo nhịp làm việc, và nghiên cứu cho thấy họ thực hiện các ca phẫu thuật hiệu quả và chuẩn xác hơn.

Tuy số lượng các nghiên cứu về nghe nhạc game khi làm việc là không nhiều, nhưng chúng thỏa mãn những điều kiện cần để tạo ra một môi trường làm việc tối ưu.

1. Không có lời

Nhờ hàng triệu năm tiến hóa, não bộ của chúng ta được thiết kế để phát hiện ra con người và nhân tính ở dưới mọi hình thức. Đôi mắt của chúng ta có khuynh hướng nhìn thấy hình ảnh của các khuôn mặt, và tai của chúng ta được điều chỉnh theo tần số của giọng nói con người. Đây là lý do khiến bạn dễ mất tập trung khi nghe người khác nói – não bộ liên tục chuyển hướng sự chú ý của bạn tới người đang nói, thay vì công việc mà bạn đang làm. Các quán cà phê đông người nhưng lại không có hiệu ứng này, vì âm thanh đã được hòa trộn lại với nhau và não bộ không coi đó là ngôn ngữ nữa. Nhưng trong môi trường văn phòng, tiếng nói của các đồng nghiệp lọt vào tầm nghe khá thường xuyên, khiến việc tập trung làm việc là rất khó khăn. Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ cho thấy không gian làm việc tĩnh lặng với tần suất xuất hiện tiếng nói thấp khiến hiệu quả làm việc của nhân viên giảm đi khá nhiều.

Các bản nhạc game thường ít có sự xuất hiện của giọng nói con người, và nếu có thì chỉ là tiếng hát bè (như oooooh, aaaaah,…) Ngoại lệ duy nhất có lẽ là dòng game The Sims, khi các nhân vật trong trò chơi có nói chuyện với nhau nhưng sử dụng "Simlish" và tai của chúng ta không coi nó là một ngôn ngữ thực sự (vì đúng là nó không phải). Nhạc của game The Sims rất có hiệu quả trong việc khiến người chơi tập trung, khi bạn ngồi hàng tiếng đồng hồ để xem nhân vật của mình làm các công việc nhàm chán: đặt nội thất, đi tắm, hay ăn chiếc bánh sandwich gần một tiếng đồng hồ. Bạn có thể thử chơi The Sims khi đã tắt toàn bộ âm thanh và cảm nhận sự tuyệt vọng ngày càng lớn dần bên trong cơ thể. Những bản nhạc nền đầy vui vẻ và hoạt bát ấy đã giúp bạn có động lực để tiếp tục chơi.

2. Âm lượng thấp và chậm rãi

Hầu hết các bản nhạc tạo cảm hứng cho bạn đều có những sự khác nhau nhất định về âm lượng, vì tiếng nhạc lớn giúp bạn thấy hưng phấn và tiếng nhạc nhẹ, êm giúp bạn thư thái, thả lỏng cơ thể. Nhưng nếu một bài hát đột ngột tăng âm lượng lên mức 80-90% khi bạn đang viết dở một đoạn văn, bạn chắc chắn sẽ bị phân tâm, và đó không phải là điều bạn muốn. Điều bạn muốn là những bản nhạc tăng âm lượng một cách chậm rãi, mượt mà, và đó là những điều mà nhạc game thường đáp ứng rất tốt. Khi bạn chuẩn bị bước tới đánh "trùm cuối" thì tiếng nhạc cũng dần lớn hơn, còn gì tạo cảm hứng tốt hơn vậy nữa?

Ngoài ra, tiếng ồn xung quanh quá lớn cũng có thể gây mất tập trung. Âm thanh quá lớn làm suy giảm khả năng xử lý thông tin của bạn, trong khi tiếng ồn ở mức thấp hoặc trung bình có thể giúp bạn tăng khả năng sáng tạo, cải thiện hiệu suất làm việc.

3. Nhịp độ nhanh

Nhạc cổ điển không phải lúc nào cũng chậm, nhưng có một lý do khiến nó giúp bạn thư giãn: giai điệu của chúng rất du dương và êm ái. Tuy nhiên, ở nơi làm việc, đó không phải là thứ mà bạn cần. Thứ bạn cần là một cái gì đó có khả năng kích thích tâm trí của bạn, và một lần nữa đây là điều mà nhạc game có thể đáp ứng tốt.

Đúng, có không ít người chọn trò chơi điện tử làm phương tiện để giải trí và thư giãn. Tuy nhiên, số lượng game thủ với tâm lý "chơi để thắng" lớn hơn khá nhiều, và họ sẽ không thể chơi liên tục trong nhiều giờ đồng hồ nếu các bản nhạc quá du dương, quá nhẹ nhàng. Các nhà soạn nhạc luôn phải tìm cách khiến cho sản phẩm của họ vừa tạo được sự hưng phấn, vừa không gây mệt mỏi cho người nghe.

Nó cũng giống như lý do vì sao rap và hiphop là những thể loại nhạc tốt cho việc tập luyện thể thao – nhịp nhạc tạo cho bạn cảm giác hưng phấn và đẩy bạn tới những giới hạn của bản thân. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các vận động viên được nghe những bản nhạc có nhịp điệu thường thể hiện tốt hơn. Những thể loại nhạc này cũng phát huy tác dụng của mình khi bạn đang làm những công việc ít/không cần động não và lặp đi lặp lại, vì chúng cho não bộ của bạn một thứ gì đó khác để tập trung. Nhưng nếu công việc của bạn có liên quan đến việc đọc hay viết lách, những sự lựa chọn như nhạc game sẽ tốt hơn.

Việc tìm các bản nhạc game hay là điều rất dễ dàng, khi các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Youtube đều mang lại rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Hi vọng rằng bạn sẽ có thể tìm được bản nhạc game mà mình yêu thích và có được sự tập trung mỗi khi cần thiết.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2392490/can-su-tap-trung-trong-cong-viec-hay-nghe-nhac-game
Theo VnReview