Cân nhắc việc xóa vùng lõm sóng bằng truyền hình vệ tinh

Đại diện các đài PT-TH Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh đã đề nghị Bộ TT&TT cho thực hiện số hóa truyền hình qua vệ tinh tại các khu vực lõm sóng, thay vì lắp trạm phát lại truyền hình số mặt đất DVB-T2, thực hiện hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo trong khu vực này.

Một số tỉnh đã đề nghị xóa vùng lõm sóng bằng truyền hình vệ tinh.

Tại phiên họp 14 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình vào chiều ngày 14/5/2018, Đại diện Đài PT-TH Khánh Hòa cho biết, hiện ở Khánh Hòa mới có 1 trạm phát sóng truyền hình số DVB-T2 ở Nha Trang. Địa điểm đặt anten mới được di chuyển nên độ phủ khá tốt, xem tín hiệu rất tốt ở Trung tâm TP Nha Trang. Nhà nước phát đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo dân xem được 16 kênh truyền hình số, trong khi trước đây xem analog chỉ thu được 4 kênh nên dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho hay, tại địa bàn Khánh Hòa có nhiều vùng lõm nên việc triển khai các trạm phát DVB-T2 ở các khu vực khác rất khó khăn. Hiện nay tại nhiều khu vực vùng lõm sóng sau thời gian tuyên truyền người dân rất háo hức với truyền hình số, những nhà có điều kiện đã chuyển sang dùng chảo thu vệ tinh. Nhiều người dân háo hức bỏ xem analog, chuyển sang thu DVB-T2 nhưng khó thu. Ngay cả khu vực đông dân cư như Cam Ranh cũng không đủ điều kiện để phát DVB-T2 vì duy trì thêm một trạm phát tốn thêm vài trăm triệu đồng mỗi năm, điều này rất khó khăn với Đài PT-TH Khánh Hòa.

Do đó, vị đại diện đề nghị, Bộ TT&TT xem xét cho hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho hộ nghèo, cận nghèo là phương án khả thi đối với địa bàn như Khánh Hòa.

Đại diện Đài PT-TH Bình Phước cũng cho hay, Bình Phước đã hợp tác với SDTV triển khai rất tốt trạm phát sóng truyền hình số DVB-T2 ở Đồng Xoài, chất lượng sóng ổn định. Hiện nay có một số vùng lõm sóng ở Tây Ninh do chuyển cột anten phát sóng từ núi Bà Rá xuống thành phố Đồng Xoài nên có một số địa bàn lõm sóng gồm: Thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập, huyện Phú Riềng, huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp, huyện Bù Đăng, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long.

Theo vị lãnh đạo Đài PT-TH Bình Phước, quá trình triển khai lắp đặt trạm phát lại tiếp tục khó khăn giống Khánh Hòa và Tây Ninh do địa bàn Bình Phước đồi núi nhiều, nếu có thêm 1 trạm cũng không phủ được hết khu vực lõm sóng, mà phải làm thêm rất nhiều trạm phụ, trong khi số lượng người dân còn xem truyền hình analog rất ít, nhiều người dân cũng đã chuyển sang thu bằng truyền hình qua vệ tinh. Do đó, đại diện Đài PT-TH Bình Phước đề nghị, trong thời gian tới nên chuyển qua số hóa bằng truyền hình vệ tinh ở những khu vực chưa có sóng DVB-T2 sẽ phù hợp với tình hình thực tế tại Bình Phước.

Có cùng ý kiến với Khánh Hòa và Bình Phước, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở TT&TT Tây Ninh, cho hay hiện tại Tây Ninh, SDTV đã đầu tư lắp trạm phát chính tại VNPT Tây Ninh, nhưng có 4 xã của huyện Tân Châu không có sóng truyền hình của cả VTV và SDTV do bị khuất núi Bà Đen. Trong đợt tắt sóng truyền hình analog cuối năm 2017 vẫn nhiều vùng lõm, hiện còn 1.115 hộ nghèo chưa được lắp đặt được đầu thu do chưa có sóng. Trong số các đầu thu đã hỗ trợ có 163 hoạt động không ổn định do sóng yếu, 569 đầu thu không hoạt động cho không có sóng.

Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh cho biết thêm, theo khảo sát của Đài PT-TH Tây hiện giờ tại những khu vực chưa có sóng truyền hình DVB-T2 không còn có anten trời bắt sóng truyền hình analog nữa, mà nhiều hộ người dân đã chuyển sang dùng truyền hình vệ tinh. Khi di chuyển trạm phát sóng, Đài PT-TH Tây Ninh có thời gian không phát sóng analog 2 tuần cũng không có người dân than phiền gì. Ông Trường đề xuất dùng số hóa bằng vệ tinh là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay, sau này nếu có lắp thêm trạm lặp DVB-T2 cũng không ảnh hưởng tới người dân vì số lượng đầu thu không quá nhiều.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty SDTV, SDTV chưa triển khai trạm phát lại bù sóng vùng lõm Tây Ninh, Bình Phước do nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là SDTV chưa đủ sức thuyết phục để UBND hai tỉnh và hai Đài PT-TH thông qua dự án đầu tư ở trạm này. Nếu SDTV tự đầu tư và tự trang trải chi phí vận hành thì không thu hồi đủ vốn tại trạm phát lại. Nếu hai Đài Tây Ninh và Bình Phước đề nghị số hóa qua vệ tinh, như vậy thiệt thòi lớn cho người dân, vì truyền hình số DVB-T2 người dân có thể nhiều kênh thu hơn, xem chuẩn HD chất lượng tốt hơn, hiện tại số lượng người dân dùng tivi tích hợp T2 rất nhiều, tương lai truyền hình số sẽ có nhiều người xem.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, các tỉnh nên cân nhắc việc lựa chọn lắp đặt trạm phát lại tại các vùng lõm sóng, vì chắc chắn dùng truyền hình số mặt đất sẽ tốt hơn dùng vệ tinh, tốt cho cả người dân và cho cả các đài truyền hình. Truyền hình mặt đất có nhiều kênh chương trình thiết yếu với chất lượng tốt hơn thu hút số lượng người dân thu xem nhiều các đài truyền hình sẽ có cơ hội phát triển về thị trường quảng cáo. Nếu hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho người dân sẽ không lợi bằng, đài truyền hình mất đi một mảng thị trường,

Theo ICT News

http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/can-nhac-viec-xoa-vung-lom-song-bang-truyen-hinh-ve-tinh-167496.ict
Theo ICTNews