Camera trên điện thoại đang tới ngưỡng giới hạn

Chất lượng ảnh chụp trên smartphone cao cấp đã vượt trội so với điện thoại chụp ảnh 3 năm trước đây, nhưng lại đứng trước rào cản lớn về mặt công nghệ nếu tiếp tục nâng cấp. 
Camera điện thoại đã có những bước tiến lớn trong 3 năm trở lại đây.
Camera điện thoại đã có những bước tiến lớn trong 3 năm trở lại đây.

"Trải nghiệm chụp ảnh trên smartphone cao cấp ngày nay đã thực sự tốt", trang Techinsider nhấn mạnh. Với khẩu độ mở lớn, dải tương phản tốt, tốc độ lấy nét. xử lý rất nhanh cùng màu sắc rực rỡ, những model như Galaxy S7, LG G5, HTC 10 có thể làm hài lòng đa phần người dùng phổ thông.

Thay vì cuộc đua về phần cứng như chip xử lý, kích thước màn hình, những năm trở lại đây, chất lượng camera được nhiều nhà sản xuất đặt lên hàng đầu. Có thể kể đến Samsung với sự tiến bộ vượt bậc từ Galaxy S6 và được hoàn thiện đáng kể trên Galaxy S7 mới ra mắt. Trong khi đó, iPhone cũng đưa ra nâng cấp lớn trên mẫu iPhone 6s và luôn được đánh giá là mẫu di động chụp hình có độ chân thực hàng đầu. 

Camera trên điện thoại cũng đã đi qua thời kỳ "làm ra chỉ để quảng cáo" với độ phân giải cảm biến rất lớn để thu hút người dùng. Các hãng đang tập trung dần vào "chất" khi không ôm đồm số điểm ảnh với việc giảm độ phân giải nhưng tăng chất lượng cảm biến, chụp sắc nét hơn, chụp tối tốt hơn.

Độ mở của ống kính cũng đã đạt ngưỡng tối đa là f/1.7 (trên mẫu Galaxy S7) trong khi các ống kính cho máy DSLR cũng rất ít model có độ mở vượt qua ngưỡng f/1.4. Hệ thống lấy nét tự động thông minh, nhanh hơn với công nghệ sử dụng laser, lấy nét theo pha hoặc công nghệ điểm ảnh kép Dual Pixel. 

Điện thoại ngày nay đã có thể chụp rất tốt.

Điện thoại ngày nay đã có thể chụp rất tốt.

Tuy nhiên, sự phát triển có thể đang tiến dần đến mức giới hạn do những lý do khách quan đến từ tiêu chuẩn thiết kế, theo Techinsider. Để có chất lượng vượt trội so với hiện nay, camera trên điện thoại cần tăng đáng kể kích thước cảm biến, ống kính và có thể là thêm cả hệ thống zoom quang. Nhưng các giải pháp này lại khiến thiết bị dày hơn, nặng hơn đáng kể và chi phí sản xuất cũng rất tốn kém. 

Các nhiếp ảnh gia luôn biết rõ việc sở hữu nhiều ống kính tốt sẽ hay hơn là chỉ sở hữu một chiếc camera tốt. Đây có thể là lý do các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu đi theo hướng tích hợp nhiều hơn một camera. Đơn cử là chiếc LG G5 với hệ thống camera kép nhưng các đánh giá ban đầu cho thấy máy chưa thực sự tạo được khác biệt. 

Bằng sáng chế hệ thống gấp ống kính của Apple.

Bằng sáng chế hệ thống gấp ống kính của Apple.

Giải quyết bài toán về hệ thống quang học trong không gian chật hẹp như một chiếc điện thoại không hề dễ. Ngay cả với các nhà sản xuất máy ảnh hàng đầu, việc thiết kế ống kính tiêu cự lớn nhưng nhỏ gọn cho các máy mirrorless cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng sáng chế gần đây của Apple cũng cho thấy hãng đang cố gắng để giải quyết vấn đề này. Với hệ thống "gấp ống kính tele", các mẫu iPhone thế hệ mới sẽ sở hữu 2 ống kính với một ống kính cho góc rộng và một cho chụp xa (tele), giải pháp thay thế cho hệ thống zoom quang truyền thống.

Một số nhà sản xuất khác đang đi theo hướng thêm tính năng, công nghệ mới thay vì đơn thuần là kỹ thuật tốt hơn qua từng năm. Công ty Light.co đưa ra ý tưởng sản xuất hệ thống thay thế ống kính cho điện thoại như máy DSLR trong khi Lytro tiếp tục theo đuổi công nghệ chụp trước lấy nét sau có thể áp dụng rộng rãi trên camera điện thoại. Tuy nhiên, những ý tưởng này vẫn chưa áp dụng rộng rãi và tính hiệu quả cũng chưa được kiểm chứng. 

Theo VNE