Theo Futurism, nếu bạn từng đến các phòng khám hay bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, nhiều khả năng bạn đã từng được đo huyết áp. Đây là áp lực của máu lên các thành mạch máu, và các bác sĩ sẽ luôn phải tìm cách để cân bằng chỉ số huyết áp vì nếu nó quá cao hoặc quá thấp cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Thiết bị đo huyết áp truyền thống qua tay bệnh nhân được gọi là huyết áp kế (tên tiếng anh là sphygmomanometer).
Tuy bạn có thể thấy huyết áp kế ở hầu hết các cơ sở y tế, nhưng chúng ta thường hiếm khi tự trang bị cho bản thân một chiếc ở nhà. Nếu bạn bị huyết áp cao - có thể dẫn đến đột quỵ hay đau tim - bạn sẽ muốn mình có thể kiểm soát nó mà không cần phải tốn thời gian đi khám.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng huyết áp của mình tốt, bạn cũng nên xem xét điều này: theo CDC, có 1/3 người lớn tại Mỹ bị huyết áp cao nhưng thậm chí họ còn không biết mình bị như vậy.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science Translational Medicine, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan State và Đại học Maryland ra mắt một công cụ mới giúp cho việc kiểm tra huyết áp ở nhà trở nên dễ dàng hơn. Họ đã phát triển một cảm biến để biến điện thoại thông minh của bạn thành thiết bị đo huyết áp.
Cơ chế hoạt động của cảm biến này khá đơn giản. Các nhà nghiên cứu chỉ cần đo lường sự thay đổi về lượng máu của một người (sử dụng một công cụ quang học không quá đắt tiền) và một đầu dò có thể phát hiện sự thay đổi áp suất, sau đó những thay đổi này sẽ được chuyển thành tín hiệu điện. Nhóm nghiên cứu đã có thể tạo ra cảm biến này bằng phương pháp in 3D và cho nó hoạt động với điện thoại thông minh.
Khi một người dùng smartphone đặt ngón tay của họ lên cảm biến, các thành phần này sẽ phát hiện ra huyết áp của họ, sau đó sử dụng các thuật toán để cho ra một biểu đồ trên màn hình thiết bị. Bộ cảm biến của nhóm và ứng dụng trên điện thoại thông minh chắc chắn sẽ giúp ích cho việc theo dõi huyết áp tại nhà. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn vẫn nên thường xuyên đi khám sức khỏe và nghe theo lời khuyên của các chuyên gia y tế.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư