Cải thiện thị lực ở người già chỉ với việc nhìn vào ánh sáng đỏ

VietTimes – Chỉ cần nhìn vào ánh sáng đỏ ba phút mỗi ngày, thị lực của những người lớn tuổi sẽ được cải thiện đáng kể, nghiên cứu mới cho biết.
Ảnh: IFL Science

Có một điều mà hầu hết mà con người đều trải qua khi già đi là suy giảm thị lực. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Gerontology (tạp chí chuyên nghiên cứu quá trình lão hóa của con người) cho thấy vấn đề này có thể được giải quyết thông qua một giải pháp cực kỳ đơn giản và giá cả phải chăng. Bằng việc nhìn vào ánh sáng đỏ ba phút mỗi ngày, những người cao tuổi có thể cải thiện đáng kể tầm nhìn của họ.

Võng mạc của con người chứa hai loại tế bào cảm quang, được gọi là hình que (rod) và hình nón (cone) vì hình dạng tương ứng của chúng. Các tế bào que nằm ở xung quanh võng mạc, cung cấp cho chúng ta tầm nhìn xa đồng thời giúp chúng ta nhìn được trong điều kiện ánh sáng yếu trong khi tế bào nón cung cấp cho chúng ta những cái nhìn về màu sắc.

Cả hai loại tế bào trên đều có nhu cầu năng lượng cao và nhận năng lượng này dưới dạng hợp chất gọi là adenosine triphosphate (ATP), được sản xuất bởi ty thể của chúng. Tuy nhiên, từ khoảng 40 tuổi trở đi, ty thể của chúng ta bắt đầu hoạt động kém hiệu quả hơn, điều này đồng nghĩa với việc hai tế bào quan trọng trong võng mạc sẽ bị thiếu “thức ăn”. Từ đây, tầm nhìn của chúng ta cũng bắt đầu xấu đi.

Trước đây, các nhà khoa học vẫn thường sử dụng ánh sáng bước sóng dài (long-wavelength light) từ 650-1.000 nanomet có màu đỏ đậm để cải thiện hiệu suất của ty thể. Đây cũng là lý do tại sao tác giả của nghiên cứu mới quyết định thử nghiệm xem liệu chúng có khả năng phục hồi thị lực ở người già hay không.

Ánh sáng đỏ có thể giúp ngăn ngừa sự hoạt động kém hiệu quả của ty thể trong võng mạc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực. Ảnh: CNN

Để tiến hành thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã mời được 24 tình nguyện viên có độ tuổi từ 28-72, không ai trong số họ mắc các bệnh về mắt. Ngày đầu tiên, mỗi người thạm gia đã trải qua các bài kiểm tra để xác định mức độ hoạt động của hai tế bào hình que và hình nón trong võng mạc của họ.


Độ nhạy của tế bào que được kiểm tra bằng cách yêu cầu người tham gia phát hiện các tín hiệu ánh sáng yếu trong bóng tối. Trong khi chức năng của tế bào nón được xác định thông qua thử nghiệm độ tương phản màu sắc như xác định màu sắc của chữ cái trong một phông nền có màu khá giống nhau.

Những người tham gia sau đó được phát một chiếc đèn LED giá rẻ phát ra ánh sáng đỏ đậm với bước sóng 670 nanomet và được yêu cầu nhìn vào ánh đèn này ba phút mỗi ngày trong vòng hai tuần. Những người tham gia cũng có thể thực hiện trong khi nhắm mắt bởi mí mắt của chúng ta không lọc được ánh sáng đỏ.

Kết thúc cuộc thử nghiệm, những người tham gia trên 40 tuổi đã cải thiện được đáng kể chức năng tế bào nón, trung bình khoảng 22%. Độ nhạy màu tăng được thể hiện rõ rệt đối với màu xanh da trời, điều này được dự đoán là do tầm nhìn màu sắc xanh bị ảnh hưởng nhiều do sự suy giảm của ty thể.

Những cải thiện trong độ nhạy của tế bào que cũng được xác nhận măc dù không nhiều như tế bào nón. Điều này có thể là do các tế bào que đã chết khi nhu cầu năng lượng của chúng không được đáp ứng. Hầu hết mọi người mất khoảng 30% số tế bào que ở độ tuổi 70. Trong khi tế bào nón chỉ đơn giản và ngừng hoạt động và việc nhìn vào ánh sáng đỏ đã làm hồi sinh chúng.

Trong một tuyên bố, tác giả bài nghiên cứu, ông Glen Jeffrey nói rằng “nghiên cứu cho thấy thị lực của người già có thể được cải thiện đáng kể thông qua việc nhìn vào ánh sáng bước sóng dài nhằm nạp lại năng lượng cho các tế bào võng mạc, giống như sạc lại pin”.

“Công nghệ chúng tôi sử dụng giá thành rẻ, vì thế nó sẽ có sẵn trong một tương lai không xa. Các thiết bị của chúng tôi có giá khoảng 15 USD, khá phải chăng để tiếp cận tất cả mọi người”- giáo sư Jeffery cho biết.

Theo IFL Science