Cách Xiaomi “truất ngôi” Samsung tại thị trường smartphone Ấn Độ

VietTimes -- Từ 3% thị phần khiêm tốn trong năm 2016 đến khoảng 30% như hiện nay, Xiaomi đã đánh bại đế chế Samsung hùng mạnh để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một tại Ấn Độ.
Xiaomi hiện đang dẫn đầu thị trường smartphone tại Ấn Độ. Ảnh: Latestly
Xiaomi hiện đang dẫn đầu thị trường smartphone tại Ấn Độ. Ảnh: Latestly

Năm năm trước, không ai có thể ngờ một thương hiệu smartphone bé nhỏ có thể lật đổ đế chế khổng lồ Samsung để trở thành thương hiệu điện thoại được yêu thích nhất ở Ấn Độ. Nếu như năm 2016, thương hiệu điện thoại Xiaomi vẫn còn khá lạ lẫm đối với người dùng Ấn Độ thì đến nay, nó phổ biến đến nỗi được người dân nơi đây ưu ái đặt cho biệt danh “iPhone của người nghèo”.

Sau 5 năm “tham chiến”, đến hiện tại, Xiaomi đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một tại thị trường Ấn Độ với khoảng 28% thị phần trong quý gần đây nhất, trong khi Samsung vẫn “dậm chân tại chỗ” với thị phần dao động trong khoảng 25-26%. Tất nhiên, trong một thị trường smartphone cạnh tranh gay gắt cùng sự tiến bộ nhanh chóng trong các công nghệ như máy ảnh, bộ xử lý và màn hình, khó có thể nói trước được điều gì. Người chiến thắng ngày hôm nay rất có thể lại trở thành kẻ lạc hậu trong tương lai. Tuy nhiên, không thể phủ nhận “kỳ tích” của Xiaomi, thị trường vốn bị thống trị bởi gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Vậy Xiaomi đã làm thể nào để tạo nên kỳ tích này?

Câu trả lời đến từ giá thành của những chiếc điện thoại Xiaomi. Hiên nay, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã chiếm hơn 66% thị trường Ấn Độ, trong đó, Xiaomi là thương hiệu có khả năng cung cấp những chiếc điện thoại có giá phải chăng mà vẫn đảm bảo được những tính năng mong muốn nhất. Xiaomi cũng là thương hiệu làm mưa làm gió trên những trang web mua hàng trực tuyến như Flipkart với khả năng bán hết hàng chục nghìn chiếc smartphone chỉ trong vòng vài giây.

Chìa khóa thành công của Xiaomi còn nằm ở doanh thu từ mảng kinh doanh trực tuyến. Có một sự phấn khích không hề nhẹ đối với người dùng Ấn Độ khi chỉ với 100-200 USD, bạn đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh Redmi sở hữu những tính năng tương đương như trên một chiếc smartphone 500 USD. Gia nhập “làng smartphone” Ấn Độ chỉ với 3% thị phần khiêm tốn trong những ngày đầu, khi đó, Samsung đã là một ông lớn với 25% thị phần tại quốc gia này. Thời điểm đó, thói quen mua hàng trực tuyến của người Ấn vẫn còn rất hạn chế. Thế nhưng, Xiaomi đã có một pha đầu tư mạo hiểm thành công khi thực hiện chiến lược bán điện thoại qua mạng.

Không dừng lại ở đó, Xiaomi còn tiếp tục tấn công sang thị trường smartphone offline. Vào năm 2017, hãng đã bắt đầu mở các cửa hàng pop-up tai các cửa hàng điện máy lớn. Khi đã có chỗ đứng, công ty tiếp tục mở các cửa hàng độc quyền “Mi Home”. Xiaomi đã từng bước thâu tóm thị phần tại các thị trấn cấp 2 và cấp 3 mà không cần phải chi một số tiền khổng lồ cho chiến lược phân phối độc quyền truyền thống như của Samsung.

Với lô hàng kỷ lục 36,9 chiếc smartphone được bán ra trong quý 2/2019 cùng tốc độ tăng trưởng “chóng mặt”, Xiaomi đã làm lên kỳ tích tại thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế, các đối thủ Trung Quốc của Xiaomi - Oppo, Vivo và Huawei cũng đang xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên thị trường mới nổi Ấn Độ mặc dù chưa có những bước tiên ấn tượng như Xiaomi. Và đương nhiên, trong danh sách các đối thủ của Xiaomi, không thể không nhắc đến “ông lớn” Samsung. Để giữ vững ngôi vị quán quân, có lẽ Xiaomi sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo ZDNet