Cách Thaiholdings xoay tiền cho “game” LPB

VietTimes –  Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của THD đạt 11.845,4 tỉ đồng, tăng 1.395 tỉ đồng so với đầu năm. Khối tài sản tăng thêm này, khá thú vị, chủ yếu đến từ danh mục chứng khoán kinh doanh của THD.
Thaiholdings Tower tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hậu sáp nhập Thaigroup, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của CTCP Thaiholdings (Mã CK: THD) tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.085,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các chi phí giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng mạnh, khiến THD ghi nhận khoản lỗ 59,5 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ báo lãi 17,3 tỉ đồng).

Dẫu vậy, nguồn lợi nhuận khác đột biến lên tới 610,2 tỉ đồng không chỉ giúp THD thoát lỗ, mà còn báo lãi sau thuế lên tới 397,2 tỉ đồng, gấp 30 lần so với nửa đầu năm 2020.

Thuyết minh báo cáo tài chính của THD cho thấy, nguồn lợi nhuận khác này chủ yếu đến từ khoản thu nhập 680 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng Dự án Nhà máy Xi măng Minh Tâm.

Danh mục chứng khoán kinh doanh 1.200 tỉ đồng của THD có gì?

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6/2021, quy mô tổng tài sản của THD đạt mức 11.845,4 tỉ đồng, tăng 1.395 tỉ đồng so với đầu năm. Khối tài sản tăng thêm này chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh của THD với giá trị ghi nhận tại thời điểm cuối quý 2/2021 đạt 1.225,3 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, danh mục chứng khoán kinh doanh của THD có 5 mã cổ phiếu, bao gồm: LPB, CTG, HUT, MBB, MSN.

Trong đó, THD dành hơn 1.150 tỉ đồng để mua cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này theo giá chốt phiên ngày 30/6/2021 là 1.244 tỉ đồng, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu LPB (tương đương 3,865% vốn điều lệ).

Ở chiều hướng ngược lại, cũng liên quan tới hoạt động đầu tư chứng khoán, THD phát sinh khoản dư nợ nửa nghìn tỉ đồng vay “margin” tại các công ty chứng khoán, bao gồm: CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) với 292,5 tỉ đồng; Mirae Asset (190 tỉ đồng); VNDirect (15 tỉ đồng); KIS Việt Nam (2,35 tỉ đồng).

Hơn 41,5 triệu cổ phiếu LPB nêu trên mới chỉ là lượng cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính hợp nhất, do THD cùng các công ty con sở hữu.

Báo cáo riêng lẻ của công ty này cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2021, THD chỉ trực tiếp nắm giữ 17.087.600 cổ phiếu LPB. Con số này đã tăng thêm 2,9 triệu cổ phiếu sau khi THD công bố hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu LPB từ ngày 29/6 đến 5/7/2021.

Từ ngày 8/6 đến 7/7/2021, ông Nguyễn Đức Thụy (‘bầu’ Thụy) cũng mua vào hơn 10,2 triệu cổ phiếu LPB (đăng ký 32,54 triệu cổ phiếu), qua đó nâng sở hữu cổ phiếu LPB lên 30,57 triệu đơn vị, tương đương 2,845% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đầu tháng 8/2021, LPB tăng vốn điều lệ lên 12.036 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 12%.

Theo tính toán của VietTimes, sau đợt phát hành, THD cùng ‘bầu’ Thụy và người có liên quan hiện đã nâng sở hữu cổ phiếu LPB lên 84 triệu đơn vị, tương đương 6,98% vốn và là nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Đức Thụy được bầu vào HĐQT LPB vào tháng 5/2021, rồi tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của nhà băng này.

Song, việc THD xếp 41,5 triệu cổ phiếu LPB vào danh mục “chứng khoán kinh doanh”, cùng với động thái vay nửa nghìn tỉ “margin” từ các công ty chứng khoán cho thấy “cuộc chơi” của vị doanh nhân gốc Ninh Bình tại LPB mới chỉ dừng lại ở việc “đầu tư tài chính”, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Nếu muốn trở thành cổ đông lớn dài hạn và được NHNN chấp thuận, THD cùng “bầu” Thụy sẽ phải dùng “tiền tươi thóc thật”, không vay mượn để đầu tư vào LPB.

Khối nợ nghìn tỉ tại SHB

Ngoài việc rót cả nghìn tỉ đồng để mua cổ phiếu LPB, THD cũng có mối quan hệ tín dụng khá mật thiết với một nhà băng khác: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (Mã CK: SHB).

Bên cạnh dư nợ ‘margin’ gần 300 tỉ đồng tại SHS, tính đến ngày 30/6/2021, SHB còn trực tiếp cho THD vay gần 2.570 tỉ đồng, tương đương 80% vay nợ ngân hàng của THD cùng các công ty con.

Trong đó, có gần 2.257 tỉ đồng cho vay nhằm tài trợ cho dự án Thaiholdings Tower tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bao gồm 454,2 tỉ đồng vay ngắn hạn và 1.802,7 tỉ đồng vay dài hạn.

Đối với khoản vay dài hạn, tháng 5/2020, SHB đã ký 2 hợp đồng tín dụng lần lượt cho THD vay 1.298 tỉ đồng (kỳ hạn đến năm 2033) và 645 tỉ đồng kỳ hạn 300 tháng (25 năm).

Đáng chú ý, 2 khoản vay này của THD có lãi suất rất cao, lên tới 15,7%/năm và được điều chỉnh 3 tháng/lần theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất cộng biên độ tối thiểu 6,5%/năm.

Trong khi phải đi vay với lãi suất cao thì THD lại đang gửi cả nghìn tỉ đồng cho nhiều cá nhân, tổ chức. Cụ thể, tại ngày 30/6/2021, THD và các công ty con có tới 428,2 tỉ đồng phải thu đối với ông Nguyễn Văn Hà; 136,7 tỉ đồng với ông Dương Văn Quyết.

Bên cạnh đó, công ty này còn cho vay tổng cộng 442,8 tỉ đồng đối với bà Trịnh Thị Hồng Hạnh (127 tỉ đồng), bà Lê Thị Hường (125 tỉ đồng), bà Nguyễn Thị Quỳnh (98 tỉ đồng), Công ty TNHH Linkgroup (60 tỉ đồng), Công ty TNHH Xây dựng Vinakanto (32,8 tỉ đồng). Các khoản vay này chỉ có lãi suất từ 3,7% - 8%/năm.

Năm 2021, THD đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỉ đồng lên mức 6.800 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền thu về dự kiến được THD dùng để mua thêm cổ phần của CTCP Tập đoàn Thaigroup, CTCP Enclave Phú Quốc và CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi./.