CTCP Dệt Đông Nam (Dệt Đông Nam) là một công ty thành viên của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), tiền thân là nhà máy sợi Đông Nam được khởi công rồi đi vào hoạt động từ tháng 11/1967. Sau nhiều năm phát triển, tới tháng 11/2003, Dệt Đông Nam được tiến hành cổ phần hóa. Quy mô vốn điều lệ công ty này tính tới cuối Quý 1/2019 là hơn 60,37 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) - công ty thành viên của Vinatex - là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 3,68 triệu cổ phần, tương đương với 60,99% vốn điều lệ. Tiếp đến là CTCP Bourbon Bến Lức với 1,82 triệu cổ phần, sở hữu 30,18% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.
Hoạt động kinh doanh của Dệt Đông Nam trong những năm gần đây ghi nhận kết quả khá tích cực. Năm 2018, công ty này đạt gần 256 tỷ đồng doanh thu và báo lãi ròng 4,32 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm trước. Trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 99,46 tỷ đồng, tăng gần 2,72 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, Dệt Đông Nam còn đang đầu tư nhà máy sợi tại Bạc Liêu với công suất thiết kế lên tới gần 8.000 tấn sản phẩm/năm.
Song, điểm nhấn của công ty này phải kể tới Dự án khu nhà ở - Trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam, tọa lạc tại địa chỉ 727 đường Âu Cơ (Quận Tân Thành, Phường Tân Phú, Tp. HCM), nằm trên khu đất có diện tích 57.198,5 m2 và cũng là trụ sở chính của Dệt Đông Nam.
Thủ tục pháp lý cho dự án cũng đã đi tới những bước cuối cùng. Cụ thể, ngày 3/3/2015, UBND Tp. HCM ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư Dự án khu nhà ở - Trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam. Tới ngày 28/8/2015, Dệt Đông Nam được UBND Tp. HCM công nhận là chủ đầu tư dự án theo văn bản số 5096/UBND-ĐTMT. Bên cạnh đó, dự án này cũng đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Trước bối cảnh nhiều tổng công ty nhà nước, trong đó có tập đoàn mẹ Vinatex, phải thực hiện đẩy mạnh thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, dự án bất động sản của Dệt Đông Nam bỗng trở nên lạc lõng.
Phong Phú Corp “nhường” lại dự án đất vàng
Trong một diễn biến khá âm thầm, Hội đồng quản trị Phong Phú Corp đã thông qua Quyết định số 246/QĐ-PP ngày 13/5/2019 phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn do công ty này đang sở hữu tại Dệt Đông Nam.
Cụ thể, Phong Phú Corp tiến hành chào bán trọn lô hơn 1,5 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ của Dệt Đông Nam. Mức giá khởi điểm là 18.777 đồng/cổ phiếu (theo Chứng thư Thẩm định giá số 1.044/19/CT-TĐV ngày 25/4/2019 của Công ty Thẩm định và tư vấn Việt ban hàn). Tổng giá trị lô cổ phần mà Phong Phú Corp đem bán đấu giá ở mức 28,33 tỷ đồng.
Thay vì tổ chức đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán, thương vụ được thực hiện thông qua CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). Phong Phú Corp đã lập ra hội đồng thầm định hồ sơ đăng ký năng lực và lựa chọn được ra 3 nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Kết quả buổi đấu giá diễn ra vào ngày 6/6/2019 cho thấy các nhà đầu tư cũng không bỏ giá quá cao cho lô cổ phần này. Mức giá đặt mua cao nhất và cũng là giá đấu thành công cho cả lô cũng chỉ ở mức 28,943 tỷ đồng, tương đương với mức giá bình quân cho mỗi cổ phần là 19.777 đồng, cao hơn 1.000 đồng so với giá khởi điểm. Toàn bộ số cổ phần chào bán thuộc về 1 nhà đầu tư tổ chức.
Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của Phong Phú Corp tại Dệt Đông Nam giảm về mức 35,99% vốn, vừa đủ để không còn nắm giữ quyền phủ quyết (tỷ lệ sở hữu 36%). Còn Dệt Đông Nam cũng đã được tư nhân hóa.
Với một lĩnh vực cần vốn như bất động sản, nếu tiếp tục theo đuổi dự án, hoạt động tăng vốn của Dệt Đông Nam trong thời gian tới là điều dễ hiểu. Viễn cảnh tiếng nói của cổ đông Nhà nước tại Dệt Đông Nam ngày càng “nhỏ lại” do không thể góp vốn thêm (một phần vì áp lực thoái vốn ngoài ngành) là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trên thực tế, vì nhiều lý do, tình trạng này đã diễn ra tại một số doanh nghiệp mà cổ đông lớn Nhà nước vẫn còn nắm giữ quyền phủ quyết, chứ chưa nói đến trường hợp của Phong Phú Corp tại Dệt Đông Nam.
Điểm đáng lưu ý là Phong Phú Corp, dù có ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực dệt may nhưng không phải là “tay mơ” trong lĩnh vực bất động sản.
Công ty này là chủ đầu tư nhiều dự án như: Khu đô thị Sinh thái Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), Khu du lịch sinh thái Cù Lao Ba Xê (Đồng Nai), Green Pearl 378 Minh Khai (Hà Nội)…
Bên cạnh đó, Phong Phú Corp còn hợp tác với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư tại một số dự án như: Khu nhà ở tại phường Phước Long B (3,7ha) và dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (94ha).
Mặt khác, nhà đầu tư bí ẩn đã mua lại 25% cổ phần của Phong Phú Corp, bên cạnh nhà đầu tư chiến lược CTCP Bourbon Bến Lức, cũng sẽ là điểm nhấn rất đáng lưu tâm trong “cuộc chơi” đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Dệt Đông Nam thời gian tới.
Tài liệu của VietTimes cho thấy, có 3 nhà đầu tư đã vào "chung kết" lô cổ phần Dệt Đông Nam của Phong Phú Corp. Đó đều là nhà đầu tư tổ chức, gồm: Công ty TNHH Sơn Tùng; CTCP Anh Việt Á, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoàng.
Vậy cuối cùng, đâu là cái tên đã trúng đấu giá - với mức bỏ giá khá sát giá khởi điểm - và đằng sau nhà đầu tư này là ai?..../.