Trước đó, Vinatex chính là một bên góp vốn thành lập PVTex (tháng 7/2007), với nguồn tiền góp vốn do PVN cho vay.
Cho đến khi nhà máy PVTex hoạt động không hiệu quả, sản phẩm không ổn định về chất lượng và hiệu quả, Vinatex đã bán lại phần vốn góp cho chính PVN (2014).
Vinatex cũng đã có thỏa thuận nguyên tắc về việc tiêu thụ sản phẩm xơ sợi do PVTex sản xuất tại các doanh nghiệp dệt may thuộc tập đoàn. Tuy nhiên, cũng do nguyên nhân sản phẩm này không ổn định về chất lượng và sản lượng, các doanh nghiệp của Vinatex đã duy trì mua xơ sợi của các nguồn khác để sản xuất, trong đó có lượng khá lớn là xơ sợi nhập khẩu. .
Tại buổi đàm phán 3/8, các lãnh đạo của PVN và Vinatex đã bàn nhiều vấn đề trong công tác triển khai, hợp tác khi vận hành sản xuất, tiêu thụ xơ sợi của PVTex.
Trong đó, các vấn đề nổi bật là sử dụng thử sản phẩm xơ sợi polyester PVTex và đánh giá chất lượng xơ sợi của doanh nghiệp này từ kéo sợi, dệt, nhuộm và trình tự tham gia thị trường…
Tổng giám đốc Vinatex - ông Lê Tiến Trường - khẳng định Vinatex cam kết sẽ tăng tiêu thụ xơ polyester của PVTex tại các đơn vị kéo sợi của tập đoàn lên 100%, thay vì tối thiểu 50% như cam kết trước đây.
Điều kiện do Vinatex đưa ra không phức tạp, không thay đổi so với trước. Nhưng sẽ cực khó để PVTex đáp ứng trong thời điểm hiện tại.
Cụ thể, ông Trường nhắc lại yêu cầu chất lượng xơ polyester (xơ sợi) của PVTex cung cấp phải đảm bảo, ổn định, tuân thủ theo giá thị trường. Đồng thời thực hiện đúng cam kết về thanh toán, giao hàng như thời điểm cuối năm 2014 và năm 2015.
Để hỗ trợ PVTex, ông Trường cam kết Vinatex và Viện Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp này trong kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nhà máy, đến việc chỉ định đơn vị thử nghiệm kéo sợi đến tận khâu dệt, nhuộm sản phẩm.
Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex – ông Trần Quang Nghị - tiêu thụ sản phẩm xơ sợi của PVTex là vấn đề hợp tác, là lợi ích của hai Tập đoàn. Đồng thời còn là vấn đề trách nhiệm do Bộ Chính trị và Chính phủ đã giao.
Do đó, Vinatex sẽ hỗ trợ PVTex tiêu thụ sản phẩm xơ sợi sản xuất trong nước ở mức cao nhất có thể, miễn là đạt các yêu cầu về chất lượng, sản lượng, điều kiện thanh toán, cung cấp...
Trước đó, PVN đã nhiều lần cho biết vướng mắt lớn nhất trong xử lý các dự án thua lỗ của tập đoàn là… không được “bơm” tiền giải cứu. Trong báo cáo xử lý dự án của PVTex của PVN gửi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã xác định và đề xuất phương án khôi phục sản xuất nhà máy này.
Nhưng khi nguyên tắc không tiếp tục “bơm” tiền giải cứu chưa được gỡ, hiện chưa rõ PVN sẽ khôi phục sản xuất của PVTex bằng nguồn vốn nào.
Mặt khác, việc PVTex chạy trở lại chưa hàm nghĩa sản phẩm của doanh nghiệp này đã đạt yêu cầu của Vinatex, cả về chất lượng, sản lượng và cung cấp…
Theo Vinatex, nhu cầu xơ polyester của các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 400.000 tấn/năm, có tăng trưởng nhu cầu sản phẩm này ổn định trong khoảng từ 10% đến 15%/năm từ nhiều năm qua.
Năm 2016, cả nước có khoảng 7 triệu cọc sợi, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Vinatex đánh giá, giá xơ polyester hiện dao động khoảng từ 1.100 USD đến 1.120 USD/tấn, cao hơn năm 2015 khoảng hơn 200 USD/tấn. Trong khi giá nguyên liệu sản xuất xơ polyester lại thấp hơn giá nguyên liệu năm 2015.
Đó là những lợi thế vận hành, và là cơ sở quan trọng để xác định thời điểm vận hành trở lại PVTex.