Cách mạng công nghiệp 4.0 và Quốc gia khởi nghiệp

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và Quốc gia khởi nghiệp (QGKN) dường như đang trở thành phong trào từ Trung ương đến địa phương, đâu đâu cũng hô hào khởi nghiệp và đón đầu công nghệ 4.0 (CN 4.0).
Ảnh minh họa

Ở đây có nhiều sự ngộ nhận và hiểu lầm. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức cơ bản để nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn và thực chất hơn.

Trong các văn kiện chính thống cũng như trong đời thường chúng ta đã quen với mệnh đề: “Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đang tiến nhanh như vũ bão”. Nói thế không có nghĩa là các cuộc cách mạng ấy xảy ra liên tục, dồn dập. Với đúng nghĩa là “cách mạng” thì từ xưa đến nay mới có 2 cuộc cách mạng khoa học (CMKH) và cùng với nó là 4 cuộc cách mạng kỹ thuật (CMKT)mà thôi.

Loài người, từ khi biết đặt câu hỏi “vì sao?” đối với các hiện tượng thiên nhiên cách nay hơn 2.000 năm, mới chỉ chứng kiến có 2 cuộc cách mạng khoa học “long trời lở đất”. Lần thứ nhất vào thế kỷ (TK) 17 với sự xuất hiện của Lý thuyết Nhật tâm (Trái đất quay quanh Mặt trời chứ không phải ngược lại!) và Cơ học Newton dùng mô hình toán học để giải thích được mọi hiện tượng vật lý của các vật thể vĩ mô (có thể nhìn được bằng mắt thường). Lần thứ hai vào cuối TK 19 đầu TK 20 với sự xuất hiện của Thuyết Tương đối của Einstein giải thích các hiện tượng liên quan đến không - thời gian ở cấp độ vũ trụ và cơ học lượng tử giải thích các hiện tượng vật lý trong thế giới vi mô (có kích thước nhỏ hơn nguyên tử - cỡ 1/100 triệu centimet). Hai cuộc cách mạng ấy đã xây dựng và phát triển nền khoa học hiện đại dựa trên các nguyên lý duy vật, duy lý và thực chứng, và đã đạt được những thành tựu vĩ đại làm cơ sở cho các cuộc cách mạng kỹ thuật và công nghiệp xảy ra liên tục. Nhưng ngày nay khoa học hiện đại bắt đầu gặp những khó khăn không thể vượt qua liên quan đến các hiện tượng tâm linh và những “huyền bí” khác. Một “khoa học” khác, không bị giới hạn bởi duy vật, duy lý và thực chứng, ắt sẽ xuất hiện. Đó sẽ là cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba mà bây giờ vẫn chưa thấy tín hiệu rõ ràng nào.

Cũng trong khoảng thời gian đó đã có ít nhất 4 cuộc CMKT (hay cách mạng công nghệ có ý nghĩa rộng hơn kỹ thuật, bao gồm cả tri thức, kinh nghiệm và khả năng tổ chức sản xuất của con người trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học phục vụ các nhu cầu của cuộc sống của con người) xảy ra, và đi liền với nó là 4 cuộc CMCN. Cuộc CMCN 1.0 diễn ra ở cuối TK 18, là sản phẩm của cuộc CMKT mang tên Cơ khí hóa với sự xuất hiện của động cơ hơi nước. Cuộc CMCN 2.0 vào cuối TK 19 gắn liền với cuộc CMKT mang tên Điện khí hóa với sự ra đời của máy phát điện. Giữa TK 20, khi các máy vi tính (máy tính để bàn và máy tính xách tay) xuất hiện và được nối vào mạng internet thì chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng Tin học hóa, đó chính là cuộc CMCN 3.0.

Khái niệm CMCN 4.0 lần đầu tiên xuất hiện ở Hội chợ Hannover (Cộng hòa Liên bang Đức) khi các nhà khoa học và công nghệ Đức đặt ra mục tiêu hiện đại hóa một lần nữa nền cơ khí truyền thống Đức bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo ghép não người với máy tính, internet nối vạn vật số hóa, in ba chiều, công nghệ nano,... nhằm tạo ra một nền sản xuất thông minh. Hãy tạm gọi cuộc cách mạng kỹ thuật (công nghệ) này là cuộc cách mạng Số hóa thông minh. Ý tưởng này mau chóng được hưởng ứng và triển khai ở Mỹ với “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”, ở Pháp với “Bộ mặt mới của sản xuất”; “Tăng tưởng tương lai” của Hàn Quốc và “Công nghiệp Trung Quốc 2025”.

Ở Việt Nam ta thì sao? Từ Trung ương, cộng đồng khoa học và công nghệ cho đến các doanh nghiệp đều tỏ ra rất nhạy bén và hồ hởi; nhưng hình như có đôi chút ngộ nhận và phát động như một phong trào quần chúng! Đáng lẽ phải thừa nhận CN 4.0 còn cao xa đối với Việt Nam thì lại mơ màng như là nó đang có trong tầm tay. Không thể phủ nhận những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, nhưng đó chưa phải là tất cả. Tất cả nằm ở trình độ công nghệ sản xuất và năng suất lao động xã hội. Cả hai tiêu chí ấy đều đang đáng báo động! Trình độ công nghệ ở các ngành kinh tế chủ chốt của nước ta hiện nay phổ biến là CN 2.0. Năng suất lao động thì thảm hại hơn nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội (GDP bình quân một lao động trên 15 tuổi trở lên) của Việt Nam năm 2015 bằng 17,4% Singapore, 32,5% Thái Lan, 48,5% Philippine... Việc thiết thực là nâng cao trình độ công nghệ và năng suất thì không lo làm đến nơi đến chốn, mà lại cứ mải mê chuyện cao xa.

Lại còn QGKN nữa chứ! Đáng lẽ cộng đồng khoa học và công nghệ phải giải thích cho các cấp lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp trẻ hiểu rõ vì sao Israel được gọi là QGKN và không phải bất kỳ một công ty (hay doanh nghiệp) nào mới được  thành lập đều là một công ty khởi nghiệp (start-up company) theo thông lệ quốc tế. Từ nửa cuối TK 20, khái niệm công ty khởi nghiệp xuất hiện từ các trường đại học nghiên cứu ở Mỹ để gọi các công ty mới được lập ra để thương mại hóa các kết quả của các nhóm nghiên cứu mạnh. Những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có triển vọng trở thành các quy trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao mau chóng được ươm tạo trong các “vườn ươm (incumbator)” để hoàn thiện thành quy trình sản xuất công nghiệp, song song với việc sáng lập một công ty khởi nghiệp của chính các thành viên của nhóm nghiên cứu. Sau một vài năm, khi đã có thị trường ổn định, các thành viên sáng lập sẽ tiếp tục quản lý doanh nghiệp hoặc bán cho nhà đầu tư khác để mở rộng sản xuất.

Điều kiện chủ quan để có thể thành lập và duy trì các công ty khởi nghiệp là các thành viên sáng lập phải có tư duy sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác, ưa mạo hiểm và không sợ thất bại với phương châm “Thành công đến từ quyền được tự do thất bại”. Điều kiện khách quan gần như tiên quyết là phải có sự tài trợ từ các nhà tài trợ hảo tâm “thiên thần” (Angelinvestors) và các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp; Chính phủ phải xây dựng một nền giáo dục đào tạo nên những con người có nhân cách và biết tự do sáng tạo, chứ không phải trở thành những công cụ lao động chỉ biết thừa hành mệnh lệnh, phải có các chính sách trọng dụng nhân tài và hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Với dân số hơn 7 triệu người mà đã có 1 trường đại học nằm trong số 200 trường đại học danh tiếng nhất thế giới, có tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người cao nhất thế giới khoảng 170 USD (Mỹ là 70 USD), luôn nuôi dưỡng khoảng gần 5.000 công ty khởi nghiệp. Vì thế Israel được gọi là QGKN, chứ không là vì họ có “phong trào” ào ào thành lập các “doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” như ở ta hiện nay!

Mục tiêu được cam kết trong các văn bản chính thức của Nhà nước từ 20 năm trước là “Đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” nay có lẽ không còn ai “dám” nhắc đến nữa, trách nhiệm hình như cũng chẳng quy được cho ai. Vậy thì hãy khoan khẳng định những việc to tát hơn như CMCN 4.0 và QGKN.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

http://suckhoedoisong.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-va-quoc-gia-khoi-nghiep-n141315.html