|
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư được dự đoán sẽ làm đảo lộn tất cả. Ảnh: tmforum.org |
Đây là một trong những vấn đề được PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (11/4).
CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, ngày nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo…
CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa.
Bà Thoa cũng nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Nếu trước đây phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cuộc CMCN 4.0 xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa đầy nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
“Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, dệt may, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo đến doanh nghiệp và các địa phương”, bà Thoa nói.
Cũng theo bà Thoa, cuộc CMCN 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển KH&CN phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0.
"Tại sao Việt Nam là một dân tộc thông minh nhưng lại bị tụt hậu?"
Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.
“Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần, bị tụt hậu phát triển và đang tụt hậu xa hơn. Và tụt hậu phát triển đã được nhận định là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng, việc giải quyết những vấn đề của cuộc CMCN 4.0 phải trên nền tảng trả lời cho thấu đáo câu hỏi Tại sao chúng ta là một dân tộc thông minh nhưng lại bị tụt hậu?”, ông Thiên nói.
Ông Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cũng đưa ra thông tin, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam vẫn là “vùng trũng nhất”, tình trạng này kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam được xếp hạng chung là 56, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể: Năng lực hấp thụ công nghệ xếp hạng 121; chuyển giao công nghệ từ FDI: 81; độ sâu của chuỗi giá trị: 109; mức độ phức tạp của quy trình sản xuất: 101; chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học: 95; giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông: 95.
Chính vì vậy, theo ông Trần Việt Hòa, khi hoạt động sản xuất có xu hướng quay trở lại các nước phát triển, phân bố tập trung gần với thị trường của các quốc gia có trình độ cao thì ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu này là không thể tránh khỏi.
“Nếu không có điều chỉnh phù hợp và kịp thời, nền sản xuất công nghiệp sẽ phải chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng do mất đi các lợi thế cạnh tranh vốn có (lao động dồi dào, kỹ năng thấp), sự thu hẹp của quy mô thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu truyền thống, thậm chí là biến mất”, ông Hòa nhấn mạnh.