Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” y tế điện tử Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” y tế Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới.

Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin bệnh viện là 73%, trong đó bệnh viện trung ương chiếm trên 90%, tuyến tỉnh chiếm 75%, tuyến huyện 70%, tư nhân chiếm 71%.

Y tế từ xa (Telemedicine) được ứng dụng tại bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, bệnh viện tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho việc tư vấn, hội chẩn và đào tạo. Viện Y học biển đã triển khai thành công hệ thống Telemedicine nhằm hỗ trợ cho các ngư dân và lĩnh vực y học biển.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.

Với ngành y tế, cuộc cách mạng công nghiệp này đang gõ cửa, mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử.

Để ứng dụng thành công CNTT trong khám chữa bệnh trước hết đòi hỏi các bệnh viện cần đầu tư đầy đủ các phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR, HER... tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới mục tiêu bệnh viện không giấy tờ.

Sau đó phát triển mạnh mẽ những hệ thống ứng dụng chuyên sâu, ứng dụng hỗ trợ ra được quyết định lâm sàng. Các hệ thống phải liên thông được với nhau, vận hành thống nhất trong hệ sinh thái và dữ liệu lớn y tế, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.

Việt Nam có hơn 90 triệu người dân, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, số mắc ung thư các loại đang gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh về ung thư, ở Việt Nam hiện nay có 6 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 52 trung tâm, khoa ung bướu trực thuộc các bệnh viện đa khoa.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiếnvào chẩn đoán và điều trị ung thư là nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng bệnh nhân.

Đưa ra ví dụ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng công nghệ hỗ trợ các bác sĩ ung bướu đưa ra lựa chọn phác đồ điều trị ung thư như IBM Watson for Oncology là bước tiến mới trong việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.

Cùng đó, với tình trạng quá tải hiện nay ở các bệnh viện, điện toán biết nhận thức đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế tới đời sống. 

Đối với y tế, công nghệ này có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng này; giúp cho bệnh nhân có được phác đồ điều trị nhất quán ngay tại địa phương và giúp cho bác sỹ có cơ hội được cập nhật thông tin mới một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

“Số lượng bác sỹ hiện nay còn thiếu, tập trung phần lớn ở tuyến trung ương gây ra tình trạng quá tải; ngoài ra khả năng tiếng Anh nói chung cũng còn hạn chế  khiến cho việc cập nhật thông tin mới về các phương pháp, thuốc mới trong điều trị ung thư cũng chưa được cập nhật thường xuyên trong khi số lượng tài liệu y khoa được xuất bản mới liên tục. Công nghệ điện toán biết nhận thức như IBM Watson for Oncology có thể giúp chúng ta khắc phục được những tình trạng trên”, ông Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Theo ICTNews

http://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/thu-truong-bo-y-te-cach-mang-cong-nghiep-4-0-dang-go-cua-y-te-dien-tu-viet-nam-162171.ict