Cách mạng 4.0 không phải là ngáo ộp

“Cuộc cách mạng 4.0 không có gì quá cao siêu, ghê gớm. Nó đi vào cuộc sống hàng ngày, chỉ có điều nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ và chưa thấy sức mạnh nó mang lại cho mình”, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc P.A.T Consulting Ltd khẳng định.
Sản xuất máy ảnh kỹ thuật số tại nhà máy Sanyo (Khu công nghiệp Biên Hoà 2)

Ông Tuấn nói: Tôi cho rằng sự ngần ngại của doanh nghiệp về cách mạng 4.0, về tự động hóa là do bị phức tạp hóa lên.

Liệu ông đang quá lạc quan?

Không. Tôi giả sử một doanh nghiệp nhỏ sản xuất túi xách cho thị trường Noel, cần đặt ra là nên sản xuất màu gì. Nếu ngồi phân tích trên các diễn đàn xã hội, và kết quả là số conment (phản hồi) thích màu hồng chiếm cao hơn thì dễ dàng quyết định nên tung ra thị trường sản xuất màu nào để bán chạy. Nếu xác định theo đúng hiểu biết như vậy thì mình có thể thuê một đơn vị tư vấn Big Data với chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất to lớn.

Chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 3.0 thì có sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0?

Tôi may mắn được làm việc với một số doanh nghiệp. Câu hỏi này đúng là trăn trở của một số lãnh đạo doanh nghiệp. Như có một doanh nhân trong ngành dệt, trước đây, khi đầu tư nhà máy dệt nhuộm, họ chỉ nghĩ đến có công nhân, lắp những máy rất mới, thậm chí máy nhập về đã có sẵn hệ thống thu thập dữ liệu nhưng không biết có tính năng này. Thế là họ bỏ phí và chỉ tập trung vào sản xuất. Lúc ấy nhân công sản xuất, giá thành sản phẩm vẫn còn rẻ.

Đến khi công suất nhà máy tăng lên, giá thành bắt đầu cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Hàn Quốc họ mới nghĩ đến chuyện cải tiến. Lục lại hồ sơ, họ phát hiện máy có đủ tính năng thu thập dữ liệu từ các máy về hệ thống máy tính trung tâm. Tôi chưa nói đến automation (tự động hóa), tính năng này hỗ trợ xử lý dữ liệu, giảm bớt công nhập liệu và có được những số liệu kịp thời phục vụ điều hành. Họ đặt vấn đề với các đơn vị công nghệ thông tin (CNTT) giúp cho họ. Và đến bây giờ khi đầu tư nhà máy mới thì việc đầu tiên họ hiểu là đưa chỉ tiêu đó lên hàng đầu.

Tôi cũng làm việc với một số doanh nghiệp công nghiệp. Bây giờ chúng ta đừng nghĩ đến câu chuyện kết nối IOT (vạn vật kết nối Internet) hoặc tự động hoá toàn bộ nhà máy mà hãy đi từ một khâu nhất định. Vừa rồi chúng tôi làm việc với một doanh nghiệp dệt nhuộm ngoài Bắc. Họ chỉ sử dụng tự động hoá bằng robot ở khâu quan trọng nhất là pha chế và nhuộm...

Nhưng có một thực tế, còn nhiều doanh nghiệp băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Đừng nghĩ robot, tự động hoá là cái gì rất hoành tráng. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đi từng phần, liệu cơm gắp mắm. Vấn đề này hiểu nó không quá phức tạp, không phải là vấn đề gì quá cao siêu mà chúng ta có thể tuỳ vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp thì có thể biết cần tự động hoá ở khâu nào, sử dụng công nghệ IOT chỗ nào, robot chỗ nào…

Có một doanh nghiệp khi đi tham quan, thấy việc tổ chức hệ thống kho, trước đây chỉ là kho truyền thống, cứ thế sắp xếp. Còn bây giờ đầu tư thêm 1-2 tỷ đồng, có thể lắp một kho tự động xuyên suốt nhà máy. Bán thành phẩm cứ bỏ vào một khoang nào đó, thế là nó tự động kéo lên tầng hai và chạy sang đúng khoang đấy thì nó nhả bán thành phẩm ra. Câu chuyện ấy xử lý thông tin thì được cái gì? Một là giảm bớt được công lao động. Thứ hai, bỏ vào khoang nào thì bán thành phẩm nhận diện luôn bằng mã số, tồn kho bao nhiêu… Thế là chúng ta đã tự động hoá một phần trong khâu quản lý, sản xuất chứ không phải làm hết. Chúng ta có thể làm từng phần chứ không nhất thiết làm tất cả với rất nhiều tiền.

Đến thời điểm này, việc ứng dụng cách mạng 4.0 có những điểm sáng gì?

Làm việc với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở TPHCM, tôi cho rằng việc ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp đang được triển khai khá hiệu quả. Nếu nói đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Israel thì phải tự động hóa hoàn toàn một trang trại. Nhưng bây giờ chúng ta có thể tự động hoá một vài khâu, như cấp nước, cấp thức ăn. Nếu làm thì tự nhiên nó sẽ nảy sinh ra những nhu cầu xa hơn như quản lý về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tôi thấy việc ấy thực sự không khó. Vấn đề là làm từ đâu. Với những quan sát của chúng tôi, có một số điểm sáng ở lĩnh vực nông nghiệp. Đây đó cũng có một số dự án của nhà nước. Đó là dự báo về khí hậu, thiên tai…

Ông Phí Anh Tuấn.

Theo ông, các doanh nghiệp trong nước đã liên kết với nhau thành một hệ sinh thái nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa?

Tôi cho rằng chưa. Muốn trở thành một hệ sinh thái thì cần có thời gian chứ không thể có ngay được. Thực ra, doanh nghiệp mình vẫn lo câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, như ngày mai mà không có tiền lương trả cho công nhân đôi khi mọi ý tưởng đúng đắn cần làm ngay sẽ trở thành ưu tiên thứ yếu. Quan sát thời gian gần đây trong các đơn vị CNTT, chưa nói rộng ra là các doanh nghiệp sản xuất thì có sự hình thành cái mà chúng tôi gọi là quan hệ sinh thái. Doanh nghiệp này, đơn vị kia thấy sở trường, sở đoản của nhau thì thông thường là họp lại phân công luôn là tôi làm cái này, ông làm cái kia. Sau một thời gian thấy hiệu quả hơn thì mối quan hệ ấy bền vững.

Nói rộng ra, để hình thành hệ sinh thái chung cho doanh nghiệp thì cần thời gian rất lâu nữa. Như lĩnh vực logistic chẳng hạn. Hiện nay các anh ở Viện Logistic Việt Nam báo cáo chi phí vận chuyển chiếm khoảng 23% GDP. Trong khi đó bình quân ở các nước phát triển như Mỹ, Singapore thì chỉ 14%. Các nước trong khu vực tầm khoảng 17%. Thử tưởng tượng từ 23% GDP, chỉ cần giảm xuống 20% thôi thì lợi biết bao.

Nguy cơ nào dành cho doanh nghiệp trong nước đang hoạt động theo mô hình truyền thống khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ thưa ông?

Trong ngành may mặc. Những lần tham gia làm việc với các doanh nghiệp lớn ở TPHCM, tôi được biết lợi nhuận phần lớn là dựa trên sản lượng và giá nhân công rẻ. Một cái áo lời không bao nhiêu; nhận được đơn hàng là giải quyết được một bài toán rất lớn. Đó là bài toán nhân công, việc làm…

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hoặc các doanh nghiệp trong nước mua những dây chuyền robot về may thì chắc chắn đấy là nguy cơ và chắc chắn mình không thể ngăn chặn vì doanh nghiệp thấy lợi là họ làm thôi.

Doanh nghiệp nào chậm đổi mới, không đủ sức cầm cự thì “chết”. Vấn đề giải quyết số lượng lớn nhân công ấy như bố trí họ làm gì, chủ doanh nghiệp tuy cũng có quan tâm nhưng việc đào tạo hàng nghìn nhân công để thay đổi tư duy và phù hợp với công nghiệp 4.0 không phải là công việc của doanh nghiệp. Khi tự động hóa, đưa dây chuyền tự động vào, nhà nước phải giải quyết một bài toán rất lớn về mặt xã hội.

Cám ơn ông.

Phải làm sao để doanh nghiệp thấy rằng vận dụng công nghệ 4.0 không có gì cao siêu cả. Hãy đi từ những việc đơn giản nhất và tiền ít nhất. Vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp là thay đổi tư duy chứ không phải là tiền hay công nghệ.
Theo Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/cach-mang-40-khong-phai-la-ngao-op-1197363.tpo