Dần quen với cách làm việc mới, từ xa qua mạng
Hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và tiếp thị số, Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) từ ngay sau đợt nghỉ Tết nguyên đán 2020 đã là một trong những doanh nghiệp công nghệ đầu tiên cho nhân viên làm online, từ xa.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc VINADES cho biết, do có quy mô nhân sự nhỏ nên công ty không xây dựng kịch bản với nhiều phương án mà chỉ thực hiện 2 bước. Theo đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo VINADES cho nhân viên được lựa chọn phương án làm việc online tại nhà. Sang giai đoạn dịch bệnh lan rộng, từ khoảng đầu tháng 3/2020 đến nay, làm việc trực tuyến từ xa là yêu cầu bắt buộc với toàn bộ nhân viên công ty.
Ông Hùng cũng chia sẻ, do VINADES là công ty công nghệ, việc tổ chức cho nhân viên làm từ xa không gặp nhiều khó khăn. Cần công cụ thì bổ sung công cụ, cần quy trình thì bổ sung quy trình và sau một thời gian mọi người đã quen dần cách làm.
Đến nay, sau gần 2 tháng cho toàn bộ nhân viên làm việc từ xa, ông Hùng cho biết, chuyển sang mô hình làm việc online từ xa, VINADES vẫn hoạt động tốt, với nhiều điểm tiện lợi như: tiết kiệm thời gian đi lại, lịch họp có thể thiết lập được nhanh nhờ sẵn có các ứng dụng công nghệ hỗ trợ, năng suất lao động vì thế cũng tăng lên... Điểm bất tiện duy nhất theo ông là hiện chưa thể ký, thanh toán hợp đồng với các cơ quan, tổ chức nhà nước qua mạng.
Dù vậy, theo ông Hùng, đến khi hết dịch bệnh, VINADES vẫn sẽ tính đến triển khai áp dụng mô hình làm việc từ xa, qua mạng, không yêu cầu nhân viên đến văn phòng như trước.
|
Sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, đội ngũ nhân sự của nhiều doanh nghiệp đã cũng quen dần với mô hình làm việc từ xa, qua mạng, không còn quá lệ thuộc vào vấn đề địa điểm khi làm việc (Ảnh minh họa: T.Hùng)
|
Với Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), cũng như nhiều doanh nghiệp khác, từ ngày 23/4/2020, doanh nghiệp này tổ chức cho cán bộ, nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng. Tuy vậy, thông báo của VSEC cũng lưu ý rõ: “Các cán bộ, nhân viên VSEC vẫn cần đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân mình bằng việc chấp hành nội quy đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, sát khuẩn vệ sinh thường xuyên khi ra vào văn phòng và hạn chế tụ tập đông người”.
Ông Trương Đức Lượng, Tổng giám đốc VSEC đánh giá, qua diễn biến thời gian thực hiện cách ly xã hội vừa qua, các doanh nghiệp có cơ hội xem xét năng lực nhân sự, năng lực tổ chức, các quy trình quy định khi có những sự kiện bất thường; từ đó có thể có các phương án nâng cao năng lực, đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa cải tiến.
Cùng với đó, diễn biến thời gian qua cũng cho thấy, xu hướng dịch chuyển số là không thể tránh khỏi. Giai đoạn tới, nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này. Cụ thể, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ chú trọng nhiều hơn tới đầu tư hạ tầng CNTT; đầu tư ứng dụng, công cụ quản lý kinh doanh; quy trình hóa và số hóa các hoạt động trong tổ chức.
“Điều đó cũng có nghĩa các công cụ phục vụ trong mọi lĩnh vực liên quan như chăm sóc khách hàng, quản lý bán hàng, đơn hàng, quản trị nội bộ, hội họp trực tuyến, kho bãi sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu làm việc mọi nơi, mọi lúc mà không phụ thuộc vào việc không gian vật lý, làm việc tập trung”, ông Lượng cho hay.
Người đứng đầu Công ty VSEC cũng nhận định, sau giai đoạn cách ly xã hội, với những bài học kinh nghiệm rút ra, các tổ chức, doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng cho việc ứng phó các sự việc tương tự.
Ngoài việc có quy trình, quy định tổ chức phù hợp, các công cụ sử dụng cho việc làm việc từ xa cũng sẵn sàng hơn, có thể bán hàng, xử lý đơn hàng, xử lý sự cố, hội họp… trực tuyến. Và quan trọng hơn, đội ngũ nhân sự cũng quen dần với việc không quá lệ thuộc vào vấn đề địa điểm khi làm việc.
“Chúng tôi nhận thấy, sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, ứng dụng công nghệ và đề kháng tốt hơn, sẵn sàng hơn cho những sự cố cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn”, ông Lượng nhấn mạnh.
Làm việc từ xa cần trở thành chiến lược lâu dài
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), dù tháng 5/2020 mức độ xuống thang cách ly đến đâu, chắc chắn rằng tư duy và cách làm việc của nhiều doanh nghiệp, nhiều người sẽ thay đổi theo hướng linh hoạt, mềm dẻo hơn, thích ứng với công nghệ tốt hơn và “văn hóa số” cũng hiện diện rõ hơn.
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam phân tích, mô hình làm việc từ xa, tại nhà đem đến nhiều lợi ích cho các tổ chức, không chỉ trên phương diện tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động và giảm thiểu gián đoạn hoạt động, mà còn tác động tích cực đến môi trường, sự bình an của toàn thể xã hội và của mỗi người lao động.
Vị chuyên gia này đề xuất, mặc dù làm việc từ xa vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho cách vận hành doanh nghiệp theo lối truyền thống, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nên xem xét ý nghĩa chiến lược của hình thức này và coi đây là một phần của mô hình kinh doanh chiến lược trong dài hạn.
Có cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA) cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để thay đổi về bản chất nhằm thích ứng với những thay đổi khôn lường của môi trường kinh doanh.
“Doanh nghiệp cần coi đây dịp tốt để thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình, thích ứng với môi trường làm việc mới, tình hình biến động thế giới mới. Cùng với đó, văn hóa số của các doanh nghiệp dịp này chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi, họ sẽ nhận ra là nhiều việc có thể thực hiện được qua mạng Internet và các công cụ số”, ông Quang nói.
Đại diện VFOSSA cũng cho biết thêm, hiện Câu lạc bộ đang nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp thành viên nên suy nghĩ theo hướng dài hạn, chuyển nguy thành cơ, tận dụng ưu thế sẵn có của doanh nghiệp công nghệ để làm việc từ xa, trực tuyến tại nhà không phải là một sự đối phó ngắn hạn mà trở thành một phương thức mới, bền vững, bổ sung vào văn hóa doanh nghiệp hiện có.
Trong dài hạn, VFOSSA cũng sẽ tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa trên nền tảng nguồn mở để mở rộng sinh hoạt cho các thành viên, đẩy mạnh việc liên kết hội viên, tận dụng ưu thế của phầm mềm nguồn mở cho hoạt động kinh doanh, qua đó nâng cao vị thế của phần mềm nguồn mở trong đời sống kinh tế xã hội.
Theo Vietnamnet