Ngay sau khi phát hiện một người mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hiệp Hòa rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của 15 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Trước đó, ngày 7/7, huyện Hiệp Hòa đã phát hiện một người mắc bạch hầu là Moong Thị B. (SN 2006), quê ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh.
Qua trao đổi, được biết từ ngày 25 đến 28/6, B. và người bạn cùng quê là Moong Thị S. (SN 2006) ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn với chị Pịt Thị C. - bệnh nhân bạch hầu đã tử vong vào sáng 5/7.
Ngày 1/7, B. và S. đi ô tô từ huyện Kỳ Sơn đến làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm, huyện Hiệp Hòa. Từ ngày 2 đến 5/7, B. và S. có mặt tại 4 quán karaoke ở các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành thuộc huyện Hiệp Hòa và quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Thời gian có mặt từ 19h30 phút đến 23h.
Kết quả xét nghiệm vào chiều 7/7 khẳng định B. mắc bệnh bạch hầu, nên được chuyển ra Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW để điều trị.
Ngay sau đó, CDC tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với TTYT huyện Hiệp Hòa và UBND các xã mà B. đã có mặt để truy vết những người đã có tiếp xúc gần với B. Đến chiều 8/7, cơ quan chức năng xác định 15 trường hợp F1, ở các xã Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng và cách ly số người này. 15 người này được điều trị dự phòng bạch hầu trong vòng 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với B.
Nhân viên y tế cũng tiến hành xử lý môi trường, khử trùng bằng Chloramin B các phòng trọ, quán karaoke và khu vực xung quanh.
Theo BS. Triệu Văn Việt - Phó Giám đốc TTYT huyện Hiệp Hòa - sức khỏe của các F1 ổn định, không có biểu hiện bất thường. TTYT đã lấy mẫu lần 2 với Moong Thị S. và lần 1 đối với các trường hợp F1 khác, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm.
Cũng trong ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Sở Y tế Bắc Giang đã giao cho các phòng nghiệp vụ, CDC tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, để phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới nhằm phát hiện sớm ca bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị sớm.
Chiều 9/7, Sở Y tế Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về hướng dẫn công tác phòng chống, giám sát, cách ly, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn.
UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo TTYT huyện tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường. Theo ông Phạm Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa -huyện đã yêu cầu các xã có sự xuất hiện của chị B. tiếp tục rà soát những người đã tiếp xúc với chị B, để cách ly, điều trị dự phòng.
“Nếu địa phương nào bỏ sót dẫn đến bùng phát dịch, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm” - lãnh đạo huyện Hiệp Hoà chỉ đạo.
119 người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu đã tử vong
Cũng trong ngày 8/7, Nghệ An đã xác định 119 người tiếp xúc với chị Pịt Thị C. - bệnh nhân tử vong do bạch hầu. Trong đó, đã xác định có 1 người mắc bạch hầu. Số người này trú tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.
Trước đó, vào chiều 4/7, sau khi Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An báo với CDC tỉnh Nghệ An về 1 ca nghi bạch hầu, CDC tỉnh đã cử đoàn giám sát tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Nữ bệnh nhân 18 tuổi, là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. Vào ngày 26/6, chị C. bị sốt, ho, đau họng, khàn tiếng nên tự mua thuốc điều trị.
Sau khi thi tốt nghiệp xong, chị C. về nhà nhưng bệnh không đỡ, nên ngày 1/7, chị đến TTYT huyện Kỳ Sơn khám và được điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán viêm loét họng - Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu. TTYT huyện Kỳ Sơn đã hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị, nhưng gia đình xin điều trị tại khoa.
Ngày 4/7, tình trạng bệnh của chị C. không thuyên giảm, nên được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị, với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Nửa đêm hôm đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và chị P. tử vong giữa đường, vào rạng sáng 5/7.
Tiến hành rà soát, CDC tỉnh Nghệ An xác định 7 người đã tiếp xúc gần với chị C. tại ký túc xá. Trong đó, có 2 người là Moong Thị B. và Moong Thị S. đã ra Bắc Giang làm việc (trong đó B. đã được xác định mắc bạch hầu).
Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, CDC tỉnh đã xác định được 119 người tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Ngành Y tế Nghệ An đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn điều trị tại chỗ, truyền thông...