Theo Bloomberg, quá trình chuyển đổi sang xe điện của thế giới sẽ không dễ dàng nếu thiếu Công ty Công nghệ Đương đại Amperex (CATL).
'Vua pin xe điện' Trung Quốc không cần Ford hay Tesla. Mà ngược lại, chính các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ và toàn thế giới mới cần đến CATL.
Thông tin CATL sẽ hợp tác với Ford và Tesla đang gây xôn xao ở Mỹ. Việc ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô lớn hợp tác với 'vua pin' Trung Quốc đang thống trị thị trường đã đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để một công ty có thể trở thành 'mắt xích' không thể thiếu, khiến cả thế giới phải phụ thuộc vào nó?
Cách CATL biến mình thành mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển đổi xe điện (Ảnh: Bloomberg) |
Đối tác lớn của nhiều hãng xe điện
Sức mạnh của CATL không chỉ nằm ở quy mô. Pin của hãng được Vinfast, Tesla, Mercedes và nhiều hãng xe điện khác sử dụng.
Công ty có trụ sở tại Phúc Kiến này đã thiết lập các mối quan hệ đối tác có mục tiêu và khai thác các thị trường khả thi để sản xuất với giá thấp nhất. 'Chìa khóa' để CATL mở rộng quy mô sản phẩm và cơ sở sản xuất bao gồm: cấp phép sở hữu trí tuệ và nhận số cổ phần thiểu số.
Doanh nghiệp này còn xây dựng các nhà máy khổng lồ và đầu tư vào các mỏ nguyên liệu thô để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung. Nhờ đó, CATL đã tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị và hỗ trợ các công ty xe điện quy mô nhỏ.
Điều này đã dần tạo ra một đế chế rộng lớn, mà chính những đối tác đã biến “gã khổng lồ” Trung Quốc này trở thành một nhân tố không thể thiếu trong quá trình điện hóa toàn cầu.
Năm 2022, doanh thu ở nước ngoài của CATL đã tăng 176% so với cùng kỳ và chiếm gần 1/4 doanh số bán hàng của hãng.
Tại Nhật Bản, CATL đã liên kết với Daihatsu Motor, công ty con chuyên sản xuất ô tô cỡ nhỏ của Toyota Motors, để cung cấp pin cho xe điện. Tại Bolivia, công ty Trung Quốc đang giúp xây dựng trữ lượng lithium chưa được khai thác.
Tại Indonesia, công ty đã đầu tư gần 6 tỉ USD vào một công ty khai thác niken thuộc sở hữu nhà nước – một nguyên liệu thô rất quan trọng trong sản xuất. Đây được đánh giá là một bước đi khôn ngoan vì các nhà sản xuất ô tô như Tesla và Ford cũng đang đổ xô đến quốc gia này.
Còn tại Thái Lan, CATL đang cấp phép công nghệ độc quyền cho Arun Plus, công ty con của Tập đoàn dầu khí quốc gia PTT. Tập đoàn này cũng đang đẩy mạnh xe điện, liên kết với Hon Hai Precision Industry (còn gọi là Foxconn) và cam kết đầu tư 1 tỉ USD cho một nhà máy mới.
Các dự án quốc tế tham vọng nhất của CATL là ở châu Âu, nơi các quy định được thắt chặt đã thúc đẩy việc áp dụng xe điện và đầy triển vọng cho các sản phẩm lưu trữ năng lượng.
Công ty có các nhà máy đặt tại Hungary và Đức và đang xem xét mở rộng ra 1/3 các quốc gia trong khu vực. Hàng trăm nhân công đang được thuê để làm việc tại các nhà máy này, giúp CATL ngày càng phát triển và tăng sự hiện diện tại các quốc gia.
Dù không phải là một ưu tiên nhưng Mỹ cũng là thị trường không thể bỏ qua. Trong năm 2020, CATL đã mua lại một cơ sở ở Glasgow, Kentucky và đầu tư gần 100 triệu USD trước khi Đạo luật giảm lạm phát được ban hành đã thúc đẩy sự bùng nổ của nhà máy sản xuất pin, với kế hoạch thuê khoảng 350 công nhân. Công ty cũng mở 1 chi nhánh bán hàng ở Detroit, chi nhánh đầu tiên ở Bắc Mỹ.
Có thể nói các khoản trợ cấp hào phóng của Bắc Kinh tập trung vào pin đã góp phần cho sự trỗi dậy của CATL nhưng chúng chỉ chiếm phần tương đối nhỏ trong doanh thu ngày càng tăng của công ty
Thực tế, các công ty khác trong nước cũng được hưởng lợi từ khoản trợ cấp này nên không có gì là ưu tiên với CATL.
Giờ đây, mỗi nhà máy mà CATL xây dựng có chi phí thấp hơn, đồng thời nguồn cung cấp nguyên liệu thô và linh kiện được đảm bảo hiệu quả trong khi CATL nắm chắc các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Công suất sản xuất pin ước tính sẽ đạt 800 GWh vào cuối năm 2024, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2022. Công ty chỉ chi hơn 48 tỉ nhân dân tệ (6,97 tỉ USD) để để tăng công suất và cơ cấu lại các hợp đồng định giá hàng hóa một cách khéo léo, từ đó giúp tăng tỷ suất lợi nhuận.
Dẫu vậy, quá trình bành trướng này cũng có nhiều khó khăn. Tỷ suất lợi nhuận gộp của CATL đã giảm một nửa trong suốt 6 năm qua từ mức cao 43,7% năm 2017 xuống mức 20% trong tháng 12/2022.
Các nhà đầu tư cho rằng đây là sự cân bằng để đạt được tỷ suất lợi nhuận tỷ lệ thuận so với thị phần. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại đà tăng trưởng của CATL chững lại, vì vậy 'vua pin' Trung Quốc gần đây đã phải tìm cách giảm bớt chi phí.
Tuy vậy, với vị thế hiện có, khó có thể tìm được một đối thủ cạnh tranh xứng tầm, đủ sức lật đổ thế thống trị của CATL./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg