Cách chúng ta dùng Facebook đang thay đổi theo hướng Mark Zuckerberg không hề mong muốn

Không ai có thể ngờ mạng xã hội khổng lồ với quá nhiều tiềm năng như Facebook cũng đến lúc gặp khó và đứng trước nhiều nguy cơ.
Cách chúng ta dùng Facebook đang thay đổi theo hướng Mark Zuckerberg không hề mong muốn

Facebook khởi điểm là một nền tảng cho mọi người chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, theo báo gần đây của The Information và Bloomberg, số lượt chia sẻ hình ảnh hay trạng thái của người dùng Facebook đang trên đà giảm sút.

Các số liệu không cho thấy số lượt chia sẻ trên Facebook giảm mà là thực chất là người dùng Facebook đang sử dụng mạng xã hội này vào việc chia sẻ video hay các link web hơn là hình ảnh cá nhân hay cập nhật trạng thái.

Sự suy giảm các hoạt động chia sẻ về cuộc sống cá nhân như ảnh, status, ghi chú,… cũng đến vào lúc các ứng dụng nhắn tin như Snapchat hay WhatsApp của chính Facebook nở rộ.

Theo số liệu từ The Information, khoảng đầu năm nay, số lượt update về cuộc sống cá nhân trên nền tảng mà Facebook gọi là “nơi đầu tiên mọi người tìm đến để chia sẻ mọi khoảnh khắc” đã giảm 15% so với năm ngoái. Quan ngại điều này, Facebook gần đây cũng cho thành lập một nhóm chuyên lo các tính năng thúc đẩy chia sẻ trên Facebook như “Ngày này năm trước” chuyên “đào” lại các kỷ niệm cũ của bạn trước đây lên News Feed. Facebook cũng thay đổi thuật toán hiển thị cho News Feed sao cho những tin bài mọi người chia sẻ trên chính dòng thời gian của họ luôn được đẩy lên đầu.

The Information cũng cho biết “chỉ có 39% lượng người dùng thường xuyên của Facebook chia sẻ về cuộc sống cá nhân tính trong một tuần bất kỳ”.

Trả lời phỏng vấn với Tech Insider, một đại diện từ Facebook cho biết “Mọi người sẽ tiếp tục chia sẻ hàng loạt trên Facebook. Tỷ lệ chia sẻ tính ra vẫn đều đặn như các năm trước”, tuy nhiên vị đại diện này cũng từ chối cung cấp thêm bất cứ thông tin nào khác.

Facebook vẫn đang dẫn đầu về thị phần so với các mạng xã hội khác như Twitter, Pinterest, Google+,...

Từ trước đến nay, Facebook vẫn luôn được ca ngợi là mạng xã hội thành công nhất trong lịch sử do tránh được hầu hết các vết xe đổ của các mạng xã hội tiền nhiệm. Chẳng hạn như Reddit, tuy sở hữu cộng đồng khá hùng hậu nhưng chưa bao giờ trở thành một trang phổ thông kiểu “toàn dân sử dụng” như Facebook hay các mạng như MySpace, Bebo, Flickr, Orkut, Friendster, Yahoo blog,… đã gần như chết ngay trên ngưỡng cửa trở thành mạng xã hội đại chúng khi lượng tài khoản gia tăng cũng đồng nghĩa với việc người dùng bắt đầu cảm thấy mất đi độ thân thuộc và tính cá thể trước đó.

Facebook đã xử lý rất tốt những khó khăn này. Ngay cả khi trở nên phổ biến khắp nơi với lượng người dùng cực lớn, Facebook vẫn giữ được cả sức hấp dẫn lẫn cảm giác đặc biệt và thân thuộc cho người dùng. Facebook vẫn là nơi mọi người giữ mối liên hệ với bạn bè người thân, nơi đầu tiên nhiều người tìm đến để chia sẻ những bức ảnh cưới, ảnh du lịch hay ảnh chụp đầy tháng của đứa con mới sinh.

Chính thực tế này khiến cho những số liệu chỉ ra lượng cập nhật trạng thái cá nhân đang suy giảm trở thành vấn đề lớn. Hãy cùng đi vào phân tích một số yếu tố người viết dự đoán rất có thể là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.

1. Ngày càng có nhiều nguồn tin chuyên nghiệp chia sẻ trên Facebook

Facebook luôn chào đón các nguồn tin chính thống như các công ty hay các trang báo mạng chia sẻ nội dung lên nền tảng của mình. Điều này khiến người dùng ở lại lâu hơn trên Facebook và thậm chí là dành thời gian trên mạng xã hội này nhiều hơn bất cứ website nào khác. Những chỉ số như tương tác người dùng hay thời lượng trung bình trên trang vẫn tiếp tục tăng.

Ngay cả khi nhiều chuyên gia cho rằng nếu loại trừ các khu vực bị chặn hay người dân không dùng mạng thì Facebook đã chiếm gần như toàn bộ người dùng Internet có thể sử dụng mạng xã hội và đang tiến đến giai đoạn hết sạch người dùng mới thì hãng công nghệ này vẫn đang ngày ngày biến hàng triệu người dùng từ online hàng tháng (monthly active user) lên thành online hàng ngày (daily active user). Quý I năm nay, 65% người dùng hàng tháng của Facebook đã chuyển sang ghé thăm mạng xã hội này gần như mỗi ngày.

Ngày càng có nhiều kênh thông tin chuyên nghiệp trên Facebook - lợi hay hại cho mạng xã hội này?

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ lượng thông tin chuyên nghiệp được chia sẻ trên Facebook cũng đang gia tăng nhanh chóng với việc cả những lãnh đạo hay quan chức quốc gia cũng tham gia vào mạng xã hội khổng lồ này.

Giữa biển thông tin chính thống và chuyên nghiệp, những cập nhật thân mật cá nhân trước đây bỗng chốc trở nên quá “nhảm nhí” hay quá riêng tư để đưa lên chốn công cộng. Người dùng Facebook đang dần cảm thấy đây không còn là chốn riêng tư với những cuộc tán dóc thân mật với bạn bè nữa. Từ những người bạn học cũ cho đến đồng nghiệp, sếp hay bạn mới quen đều xem được những chia sẻ này. Họ dần chuyển sang chia sẻ những thứ chung chung, vô thưởng vô phạt như link web hay tin tức từ các bên khác.

2. Rủi ro từ tốc độ phát tán quá cao của các thông tin trên Facebook

Bên cạnh đó cũng phải kể đến chế độ cài đặt riêng tư có phần hơi quá phức tạp với nhiều người, trong khi ai cũng biết bất cứ chia sẻ nào cũng có thể bị chụp lại màn hình và phát tán. Luôn tồn tại một rủi ro những gì bạn chia sẻ có thể bị phát tán rộng khắp rồi gây những hậu quả khôn lường như mất việc, lộ chuyện riêng tư hay bị cộng đồng mạng chỉ trích (có lẽ ví dụ đã quá nhiều đến mức không cần phải kể ra).

Những hình ảnh hay status hớ hênh đều có thể trở thành mục tiêu bị phát tán và "cấu xé"

Với nhiều người dùng Facebook, lý do để cập nhật những khoảnh khắc riêng tư đã từng rất giản đơn trong quá khứ. Chẳng hạn như việc mua một chiếc áo mới hay dính phải một phốt lặt vặt trên đường về nhà cũng đã khiến họ bật Facebook giãi bày rồi. Thậm chí Alex Kantrowitz, ký giả nổi tiếng của BuzzFeed cũng phải thốt lên trên Twitter “Một trong những điều thú vị nhất về tính năng ‘Ngày này năm xưa’ trên Facebook chính là nó gợi nhắc lại việc bạn đã từng chia sẻ cả những thứ vặt vãnh đến mức nào”.

3. Snapchat – đối thủ đáng gờm

Snapchat, ứng dụng chat cho phép mọi người gửi những tin nhắn, hình ảnh hay video cho nhau nhưng điểm đặc biệt là những nội dung này chỉ tồn tại một thời gian ngắn trước khi biến mất mãi mãi. Ứng dụng này hiện có hơn 100 triệu người dùng hàng ngày và là mạng xã hội phổ biến thứ ba trên thế giới.

Sản phẩm luôn được gọi một cách mỉa mai là "ứng dụng chat sex” này gần đây đã được một nhóm các nhà tâm lý học đi sâu vào nghiên cứu các hiệu ứng khiến nó cuốn hút và có khả năng trở thành đối thủ đáng gờm của Facebook.

Đầu tiên phải kể đến những trải nghiệm chớp nhoáng và ngẫu hứng Snapchat mang đến cho người dùng. Nghiên cứu đã chỉ ra Snapchat chỉ xếp sau gặp mặt trực tiếp trong việc cung cấp trải nghiệm hứng thú cho mọi người. Nghiên cứu cũng khảo sát hàng trăm người dùng trẻ và thu được kết quả là nhiều người thấy Snapchat mang đến những tương tác và chuyển động thú vị hơn so với Facebook hay các mạng khác với những tính năng thú vị như cho người dùng tự tạo và chỉnh sửa các video ngắn theo mẫu sẵn, chèn thêm sticker, hình vẽ linh tinh hay chuyển động hài hước vào ảnh/video. Snapchat cũng đã cho ra mắt tính năng Snapcash cho phép người dùng chuyển tiền cho bạn bè ngay trên app hay Discover để chia sẻ các đoạn text/video từ web khác.

Gửi video chèn các motion có sẵn, trong những tính năng thú vị trên Snapchat

Nhưng điều cuốn hút nhất khiến Snapchat kéo được người dùng của Facebook là tính năng làm biến mất các đoạn chia sẻ chỉ sau một thời gian ngắn. Nếu như Facebook là nơi mọi người chia sẻ những khoảnh khắc trọng đại trong đời hay tin tức thời sự thì Snapchat lại là nơi họ chia sẻ những khoảnh khắc thân mật, đôi khi là vặt vãnh, nhỏ nhoi. Joseph Bayer, giáo sư phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết người dùng Snapchat không phải bận tâm đến hình ảnh cá nhân của họ như trên Facebook. Họ không bao giờ phải lo ngại những hình ảnh mình vừa share là xấu xí, thiếu đứng đắn hay sẽ bị sếp dòm ngó vì đằng nào chúng cũng sẽ không được lưu lại. Chính vì vậy mà Snapchat tạo cảm giác thoải mái như trò chuyện trực tiếp và thường diễn ra giữa những người thân quen. Những người tham gia khảo sát cũng cho biết họ dùng một ứng dụng ngẫu hứng kiểu Snapchat nhiều hơn là một nền tảng chia sẻ và lưu trữ nội dung như Facebook.

Kết

Dù vẫn đang chiếm thị phần áp đảo nhưng những thực tế vừa điểm qua cũng cho thấy chẳng gì có thể đảm bảo được ngai vàng này của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook cũng sẽ phải đối mặt với việc phải nâng cấp nền tảng trở nên ngày một tinh vi, phức tạp và sở hữu cộng đồng lớn mạnh nhưng cũng đồng thời vẫn phải giữ được giá trị cốt lõi giúp nó có được ngày hôm nay: Cảm giác thân mật, riêng tư cho người dùng.

Theo Tri thức trẻ