UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt kết quả sơ tuyển chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Mường Hoa, Sa Pa.
Theo đó, chỉ có duy nhất Liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á là nhà đầu tư trúng vòng sơ tuyển. Và việc chỉ duy nhất có 01 nhà đầu tư trúng vòng sơ tuyển sau đó cũng là nhà đầu tư được chỉ định thực hiện dự án không phải hiếm tại tỉnh Lào Cai, cũng như các địa phương khác.
Tìm hiểu về Liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á có thể thấy khá rõ “bóng dáng” Công ty CP đầu tư Alphanam (Alphanam) trong đó.
Với Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa (Mường Hoa), đây là công ty con của Alphanam. Theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này mới được thành lập ngày 16/3/2017 với vốn điều lệ là 790 tỷ đồng.
Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công ty CP đầu tư Alphanam đăng ký góp 553 tỷ đồng (70% vốn điều lệ); các cá nhân: Đỗ Thị Minh Anh, Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ đều đăng ký góp 79 tỷ đồng (10% vốn điều lệ). Lưu ý là Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2017 của Alphanam, thể hiện đầu năm cũng như cuối năm 2017, không thấy phát sinh giá trị khoản mục đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con (vốn điều lệ nhiều khi cũng chỉ là một con số để đăng ký).
Còn Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á, là doanh nghiệp đầu tư gián tiếp của Alphanam. Được thành lập ngày 6/5/2005, hiện Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á đăng ký vốn điều lệ là 180 tỷ đồng.
Ông Bùi Đình Quý là Tổng Giám đốc của Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á nhưng cũng là thành viên Ban Kiểm soát của Alphanam.
Công ty có địa chỉ tại Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là địa chỉ của Alphanam.
Theo báo cáo tài chính hợp hợp nhất sau soát xét năm 2017, số vốn Alphanam đầu tư vào Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á (Đông Á) là 97,172 tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm Alphanam đã thoái hết vốn tại Công ty này.
Sau khi thoái hết vốn, quan hệ sở hữu giữa Alphanam với Đông Á cũng sẽ chấm dứt, mọi giao dịch giữa 2 bên sẽ trở thành những quan hệ kinh tế thuần túy kiểu người mua - kẻ bán. Khá thú vị khi thời điểm này, cuối năm 2017, Đông Á nổi lên thành khách hàng lớn bậc nhất - nếu không muốn nói là lớn nhất - của Alphanam.
Cụ thể, chốt tại 31/12/2017, Alphanam đang hạch toán "phải thu của khách hàng ngắn hạn" đối với Đông Á tới 565 tỷ đồng - chiếm 72,2% tổng phải thu của khách hàng ngắn hạn của công ty. Đáng chú ý là ở thời điểm đầu năm, hai bên chưa phát sinh quan hệ này.
Theo cập nhật mới nhất, tính đến giữa năm 2018, Alphanam vẫn hạch toán phải thu ngắn hạn từ khách hàng Đông Á 555 tỷ đồng. Hay nói cách khác, nửa năm qua, Đông Á mới thu xếp trả được Alphanam có 10 tỷ đồng.
Được biết, Đông Á đã là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Golden City An Giang, tọa lạc tại phường Mỹ Hòa, Tp. Long Xuyên. Đông Á cũng sáng lập và sở hữu phần lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á |
Nên biết, hết năm 2017, Alphanam ghi nhận con số lợi nhuận ròng ấn tượng ở mức 444 tỷ đồng; trong khi năm 2016 thì lỗ ròng 134 tỷ đồng, các năm trước đó nữa hẳn cũng lỗ lớn - bởi tính đến cuối 2016, lỗ lũy kế của Alphanam đã là 657 tỷ đồng - tăng lỗ 136 tỷ đồng so với mức lỗ lũy kế 521 tỷ đồng ở cuối năm 2015.
Hay có nghĩa, từ trước 2017, thì Alphanam thua lỗ liên miên. Với chất lượng tài chính như vậy, Alphanam sẽ khó có thể đủ tiêu chuẩn để tham gia sơ tuyển các dự án - nơi thường yêu cầu các nhà đầu tư phải đảm bảo có lãi, hoặc không lỗ, thường là 3 năm liên tiếp gần nhất.
Nhưng cũng có nhiều cách "lách" để lọt các vòng sơ tuyển, thường xuyên nhất là tham gia "gián tiếp" qua các công ty đủ tiêu chuẩn.
Sự xuất hiện và trúng sơ tuyển của liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á - những pháp nhân chung "gốc" Alphanam - tại dự án Khu đô thị Mường Hoa, Sa Pa có lẽ được vận dụng theo cách ấy. Dĩ nhiên, nếu có thế thực, thì nó cũng chẳng sai.
Alphanam được thành lập vào năm 1995 với tư cách là một nhà thầu. Năm 2001 doanh nghiệp này đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Alphanam tại Hưng Yên với tổng diện tích 53.000 m2, đến năm 2002 chính thức thành lập Công ty CP Alphanam./.