Ngày 23/11, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã thông báo kết quả mời dự tuyển, đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với dự án “Khu đô thị mới Trung Minh A”.
Đây là dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 83,57 ha, nằm trên địa bàn xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Khu đất dự án có hiện trạng là khu đất trồng lúa, trồng màu, ao và đường nội đồng, có địa hình thấp trũng.
Theo đó, sau gần 3 tháng đăng thông báo rộng rãi, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư trúng tuyển là Liên danh CTCP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group) và CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (Ngôi Nhà Mới), đăng ký địa chỉ tại Sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, khu đô thị Đông Nam, đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đáng chú ý, cả hai cái tên trong liên danh VFI Group - Ngôi Nhà Mới đều là những công ty có mối liên hệ mật thiết đối với doanh nhân Lê Văn Vọng (sinh năm 1977, có địa chỉ thường trú tại phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội).
Và ngay cả địa chỉ đăng ký của liên danh này, cũng trùng hợp với địa chỉ trụ sở chính của tập đoàn mà vị doanh nhân Lê Văn Vọng từng ghi đậm dấu ấn.
Vị trí xã Trung Minh (viền đỏ), nơi sẽ thực hiện dự án Khu đô thị mới Trung Minh A (Nguồn: Google Maps)
|
Sự thoái lui của ông chủ Tập đoàn Lã Vọng một thời
Trong liên danh vừa nhắc tới, công ty Ngôi Nhà Mới đã gây dựng được danh tiếng nhất định trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Ngôi Nhà Mới được thành lập từ tháng 11/2003, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 320 tỷ đồng. Ông Lê Văn Vọng đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật của Ngôi Nhà Mới trong một thời gian dài.
Cùng với quá trình tăng vốn điều lệ (có lúc lên tới 2.151,2 tỷ đồng) của Ngôi Nhà Mới, ông Lê Văn Vọng cũng gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ mức 6,3%, có lúc lên tới mức 99,877% tổng vốn điều lệ nhờ thâu tóm thêm cổ phần từ các cá nhân tham gia góp vốn khác là Lê Văn Vân và Ngô Thị Toàn.
Cổ đông Lê Văn Vân có địa chỉ hộ khẩu thường trú trên các giấy đăng ký kinh doanh trùng hợp với địa chỉ mà ông Vọng đăng ký. Và theo một nguồn tin, ông Lê Văn Vân cũng chính là em trai của ông Lê Văn Vọng.
Sự thoái lui của ông Lê Văn Vọng tại Ngôi Nhà Mới diễn ra vào đầu năm 2018.
Cụ thể, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 5/3/2018, các cổ đông tham gia góp vốn tại Ngôi Nhà Mới đã triệt thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Người đại diện theo pháp luật được thay thế bằng ông Trần Thanh Bình (sinh năm 1978) - Tổng Giám đốc của Ngôi Nhà Mới.
Quy mô vốn điều lệ của Ngôi Nhà Mới, sau đó, đã được nâng từ 1.151,2 tỷ đồng lên mức 2.151,2 tỷ đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ngày 31/7/2018, quy mô vốn của doanh nghiệp đã được điều chỉnh lại.
Được biết, công ty Ngôi Nhà Mới được vị doanh nhân Lê Văn Vọng thành lập nhằm mục đích thực hiện dự án cùng tên (Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới) có diện tích 19,5 ha tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngoài ra, Ngôi Nhà Mới cũng đã để lại nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản Hà Nội khi tham gia thâu tóm quỹ đất “vàng” tại một số dự án.
Trong đó, đáng chú ý là Dự án BT Cải tạo và xây dựng hê thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hô Tư Đình tại Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Khi thực hiện dự án, Ngôi Nhà Mới sẽ được đối ứng bằng quỹ đất hơn 9,9 ha trên phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Vị trí lô đất này ngay gần Dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ, cũng do Ngôi Nhà Mới làm chủ đầu tư.
Dự án cùng tên của CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
|
Bên cạnh Ngôi Nhà Mới, doanh nhân Lê Văn Vọng cũng được biết tới với vai trò là người đứng đầu tại CTCP Lã Vọng Group (Lã Vọng Group). Được biết, Lã Vọng Group được thành lập ngày 2/8/2016, đăng ký địa chỉ trụ sở chính trùng với địa chỉ của Liên danh nhà đầu tư VFI Group - Ngôi Nhà Mới đã được nhắc tới ở đầu bài viết.
Tại Lã Vọng Group, ông Lê Văn Vọng tham gia góp 300 tỷ đồng, chiếm 60% vốn điều lệ, cùng với các cổ đông khác là Lê Văn Hải và Đặng Thị Như Trang. Đáng chú ý, ông Lê Văn Hải (tương tự như ông Lê Văn Vân) có địa chỉ trùng khớp với địa chỉ mà ông Lê Văn Vọng đăng ký thường trú.
Ngoài vai trò là cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại Lã Vọng Group, ông Lã Văn Vọng còn đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, theo giấy đăng ký thay đổi ngày 18/1/2018, ông Lã Văn Vọng cùng các cổ đông khác đã triệt thoái vốn tại Lã Vọng Group. Vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được ông Đô Minh Đàm (sinh năm 1983) đảm nhiệm.
Không chỉ có Ngôi Nhà Mới hay Lã Vọng Group, nửa đầu năm 2018 là một quãng thời gian bận rộn “thoái vốn” của doanh nhân Lã Văn Vọng và nổi bật nhất là hoạt động triệt thoái vốn tại CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Tập đoàn Lã Vọng).
Công ty này được thành lập từ tháng 4/2008, có địa chỉ trụ sở chính tại Thôn 7, xã Phù Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Cường (sinh năm 1992).
Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 6/2/2018, trước khi đổi tên mang thương hiệu “Lã Vọng”, công ty này có tên là CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Anh Cường. Nhưng cùng với sự thay đổi tên công ty, các cổ đông lớn tại đây là các cá nhân Lê Văn Vọng, Lê văn Hải, Lê Văn Vân (có cùng địa chỉ thường trú) đã tiến hành triệt thoái vốn.
Sự thoái lui của doanh nhân Lê Văn Vọng tại một loạt doanh nghiệp càng được chú ý sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội (ngày 3/8/2018).
Được biết, đợt thanh tra (kéo dài 70 ngày) có liên quan đến một số phản ánh của dư luận về việc các đơn vị thành viên của tập đoàn Lã Vọng được ưu ái giao nhiều khu “đất vàng” trên địa bàn Hà Nội để thực hiện các dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh và giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Cho đến nay, vẫn chưa có công bố chính thức từ phía Thanh tra Chính phủ về việc này.
Trở lại lĩnh vực bất động sản với VFI Group
Doanh nghiệp còn lại trong liên danh trúng sơ tuyển tại dự án Khu đô thị mới Trung Minh A tại tỉnh Hòa Bình là VFI Group - một doanh nghiệp còn khá trẻ và chưa tạo được dấu ấn trên thị trường bất động sản.
Theo tìm hiểu của VietTimes, VFI Group được thành lập ngày 22/3/2018 với quy mô vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Khi mới thành lập, VFI Group đăng kí địa chỉ trụ sở chính tại Số 3, ngách 25/3 đường Ngọc Thụy, Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu cổ đông của công ty này là doanh nhân Lê Văn Vọng với tỷ lệ sở hữu tới 99,996% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ông Vọng còn đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, VFI Group đã thay đổi trụ sở chính về địa chỉ tại Sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ của liên danh VFI Group - Ngôi Nhà Mới vừa trúng sở tuyển dự án tại tỉnh Hòa Bình và Lã Vọng Group.
Với các mối liên hệ như trên, có thể cho rằng VFI Group là “cuộc chơi mới” của vị doanh nhân Lê Văn Vọng trong lĩnh vực bất động sản và vị thế của doanh nghiệp này hiện là đối tác trong liên danh với thành viên của tập đoàn Lã Vọng, ít nhất là trên giấy tờ.
Dù sao, với việc trở thành nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển, Liên danh VFI Group - Ngôi Nhà Mới có nhiều khả năng được chỉ định là nhà đầu tư của dự án.
Một chi tiết đáng chú ý khác, bên cạnh dự án “Khu đô thị mới Trung Minh A”, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng có thông báo mời dự tuyển, với hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với dự án “Khu đô thị mới Trung Minh B”. Thời điểm mở sơ tuyển sẽ bắt đầu từ lúc 9h ngày 3/12/2018.
Đây là dự án có nhiều nét tương đồng với dự án “A” nhưng có diện tích nhỏ hơn, chỉ khoảng 58,87 ha và có tổng chi phí thực hiện dự án là 775 tỷ đồng./.