Thông tin trên được ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn VietTimes liên quan đến tiến độ thi công Dự án Cảng biển Liên Chiểu.
- Cảng biển Liên Chiểu là dự án trọng điểm, động lực của Đà Nẵng. Thời gian qua, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn đầu tư dự án này. Ông có thể chia sẻ về thông tin này?
Ông Lê Thành Hưng: Sau Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào dự án cảng Liên Chiểu. Trong số này có những nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển như: Liên danh Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát; Liên danh Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty CP Tập đoàn BRG. Ngoài ra, còn có Công ty CP Cảng Đà Nẵng và một số nhà đầu tư khác.
Nhằm sớm hoàn thành đầu tư cảng Liên Chiểu trở thành cảng đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất phương án kêu gọi đầu tư đối với các khu bến nằm trong quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch).
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, TP sẽ thực hiện quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án theo đúng quy định.
- Người dân rất quan tâm đến thông tin Tập đoàn Adani (Ấn Độ) muốn dành 2 tỉ USD để đầu tư cảng Liên Chiểu. Vậy các tập đoàn ông vừa kể tên sẽ tham gia đầu tư ở hạng mục gì và trị giá như thế nào?
Ông Lê Thành Hưng: UBND TP Đà Nẵng đề xuất phương án kêu gọi đầu tư đối với các khu bến nằm trong quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch) với giá trị khoảng 48.304 tỉ đồng. Các hạng mục bao gồm: Bến container gồm 8 bến, tổng chiều dài neo đậu 2.750m cho tàu từ 50.000 DWT - 200.000 DWT; Khu bến tổng hợp, hàng rời gồm 6 bến, tổng chiều dài neo đậu 1.550 m tiếp nhận tàu 50.000 DWT-100.000 DWT; Bến cho tàu SB dài 1.230 m tiếp nhận tàu đến 5.000 DWT.
Ngoài ra còn có các công trình hậu phương cảng gồm hệ thống kho, bãi cảng, các hạng mục công trình phụ trợ khác như văn phòng điều hành, nhà dịch vụ, xưởng sửa chữa, hạ tầng kỹ thuật… và trang thiết bị đảm bảo hoạt động khai thác cảng.
Căn cứ năng lực tài chính, các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư một mình hoặc liên danh với đối tác khác để thực hiện các hạng mục nêu trên.
- Sau 27 tháng thi công, đến nay dự án đã được triển khai như thế nào?
Ông Lê Thành Hưng: Đến nay, sản lượng thi công công trình khoảng 604 tỉ đồng/2.630 tỉ đồng, đạt 22,96%. Trong đó, hạng mục giao thông, hạ tầng kỹ thuật đã thi công đạt 61,56%, hoàn thành việc kết nối tuyến chính A1-B dài 1.129 m ra đến đường tạm D2 để phục vụ thi công đê kè. Hạng mục đê kè chắn sóng đã thi công đạt 26,5% giá trị hạng mục, hoàn thành 300 trong tổng số 1.170 m đê kè.
Bên cạnh đó, đã sản xuất 4.495/9.624 khối phủ Rakuna IV và lắp đặt 540/9.624 khối phủ Rakuna IV. Hoàn thành nạo vét 543 trong tổng số 1.110 m thay móng đê và đang triển khai thi công cát thay móng.
- Là dự án lớn, cần khối lượng nhân lực, vật lực lớn. Vậy TP Đà Nẵng huy động lực lượng, thiết bị ra sao để đảm bảo tiến độ?
Ông Lê Thành Hưng: Xác định công trình xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng ở giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài và là công trình trọng điểm, động lực quan trọng bậc nhất của TP trong giai đoạn hiện nay, nên ngay từ ngày khởi công đến nay, đơn vị đã tập trung chỉ đạo tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu thi công phối hợp với các đơn vị liên quan huy động vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hiện nay, công trường dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có hơn 300 công nhân và 110 thiết bị, máy móc làm việc nhằm đảm bảo tiến độ thi công. Bên cạnh đó, hằng tuần, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đều giao ban để đánh giá kết quả, tiến độ và dự kiến kế hoạch tuần tiếp theo.
- Việc cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án giao thông thời gian qua đều gặp khó khăn. Các đơn vị đang khắc phục tình trạng này như thế nào để đảm bảo tiến độ đề ra?
Ông Lê Thành Hưng: Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn vật liệu đá hộc và đất đắp để thi công công trình. Lãnh đạo TP đã có chủ trương nâng cấp trữ lượng, mở rộng, tăng công suất các mỏ khai thác từ ngày 20/2/2023.
Lần đầu tiên triển khai đấu thầu dự án cảng biển theo Luật Đấu thầu 2023, Đà Nẵng cần sự hỗ trợ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và cơ chế đặc thù để thực hiện.
Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND TP và Sở TN&MT sớm xem xét, gia hạn, nâng công suất, trữ lượng cho các mỏ khai thác khoáng sản (đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản trước đây) để đảm bảo nguồn vật liệu đá, đất đắp cho dự án.
Trong thời gian qua, để chủ động nguồn vật liệu, chúng tôi đã cùng với liên danh nhà thầu tìm kiếm nguồn đá từ các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, các địa phương này cũng đang triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, cự ly vận chuyển xa nên gặp nhiều khó khăn về thời gian và chi phí. Hoạt động vận chuyển chủ yếu bằng sà lan nên thường bị đứt quãng do ảnh hưởng điều kiện thời tiết bất lợi trên biển.
- Các khu bến nằm trong quy hoạch cảng Liên Chiểu có giá trị hơn 48.000 tỉ đồng. Đà Nẵng có cần cơ chế đặc thù để thu hút được nhà đầu tư và đảm bảo bảo dự án triển khai hiệu quả?
Ông Lê Thành Hưng: Dự án kêu gọi đầu tư Cảng Liên Chiểu là có vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến vấn đề môi trường, an ninh quốc phòng và nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, TP Đà Nẵng lần đầu tiên triển khai đấu thầu dự án cảng biển theo Luật Đấu thầu 2023, nên để dự án hoàn thành đúng tiến độ, cần có cơ chế đặc thù để thực hiện và rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để đảm bảo thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật và đúng tiến độ đề ra.
Đà Nẵng đang lập hồ sơ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, trong đó có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư cho Dự án cảng Liên Chiểu.
- Cảm ơn ông!
Bến cảng Liên Chiểu là công trình giao thông thuộc dự án nhóm A, được quy hoạch trên tổng diện tích 450 ha, gồm 2 hợp phần: Cơ sở hạ tầng dùng chung và các khu bến chính.
Hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng, gồm: Đê chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m; luồng tàu vào cảng dài 7,3km; hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus; giao thông đường bộ kết nối đến cảng; công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng… Tiến độ thực hiện là 1.380 ngày, đến tháng 12/2025 sẽ đưa vào vận hành.
Hợp phần các khu bến chính gồm: Khu bến container diện tích 114ha, gồm 8 bến, với tổng chiều dài 2.750m.
Theo quy hoạch, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam. Khi hoàn thành, cảng biển Liên Chiểu sẽ có khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và trong dài hạn sẽ tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT).