Các “sao” quyên góp ủng hộ người dân thiệt hại do mưa lũ: Phù hợp với quy định của pháp luật dân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Đây là quan hệ tặng cho tài sản hoàn toàn trên cơ sở tự do, tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng – Chi nhánh Đà Nẵng.
Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng – Chi nhánh Đà Nẵng.

Sau những quan điểm trái chiều về việc nhiều cá nhân đứng ra quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, trong đó, có ý kiến cho rằng việc các cá nhân huy động và trao tặng là trái các quy định hiện hành. Để rõ hơn vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng – Chi nhánh Đà Nẵng.

- Mấy ngày nay, khi các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ thì cũng là lúc nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại. Tuy vậy, việc này đang dấy lên những quan điểm trái chiều, nhất là quan điểm cho rằng hoạt động quyên góp đã vi phạm quy định của pháp luật về tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Việc các cá nhân, tổ chức quyên góp, ủng hộ tiền, hiện vật cho đồng bào miền Trung khi họ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt, là quan hệ tặng cho tài sản hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, không trái đạo đức xã hội. Việc tặng cho này có thể trực tiếp tặng cho hoặc thông qua một đại diện uy tín để thực hiện.

Đây là một giao dịch dân sự rất phổ biến trong cuộc sống trên tinh thần lá lành đùm lá rách. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, hành động của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.

- Hiện tại có những quy định nào của Nhà nước quy định về cơ quan, tổ chức được phép được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ? Đó là những cơ quan, tổ chức nào? Những ai không được phép tiếp nhận, phân phối tiền hàng cứu trợ - Luật sư có thể làm rõ những thông tin trên?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Hiện tại, trên cơ sở các quy phạm pháp luật thì Nghị định 64/2008/NĐ-CP đang là văn bản điều chỉnh quan hệ xã hội trong trường hợp này. Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Bên cạnh đó, Khoản 4.2 Điều 4 Thông tư 72/2008/TT-BTC cũng có quy định rằng: Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định rằng: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự thì các tổ chức, cá nhân cũng có thể tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ để hỗ trợ đồng bào phải chịu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt một cách tự nguyện mà không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Rất nhiều sao Việt đang mang hàng cứu trợ về tới tay bà con vùng lũ. Ảnh ghép: Hoà Bình

Rất nhiều sao Việt đang mang hàng cứu trợ về tới tay bà con vùng lũ. Ảnh ghép: Hoà Bình

- Những tổ chức, cá nhân tự ý tổ chức tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trxợ không đúng theo quy định sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Như tôi đã trả lời ở trên, việc các cá nhân, tổ chức tự nguyện quyên góp, ủng hộ tiền, hiện vật cho đồng bào miền Trung khi họ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự. Ở đây, có thể thấy rằng có sự không thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã được ban hành cách đây 12 năm, cho nên việc Nghị định chưa thể dự trù hết tất cả các tình huống có thể xảy ra trong tương lai để đưa ra được hướng xử lý phù hợp từng thời điểm là điều dễ hiểu. Còn hiện tại, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ về vấn đề này, thì chúng ta áp dụng Bộ luật Dân sự để thực hiện.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu các tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu trục lợi hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua quá trình tổ chức các hoạt động thiện nguyện thì họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù tối đa lên đến 20 năm.

- Với những gì đang diễn ra, bà có đồng ý với nhận định rằng quy định pháp lý đã không theo kịp thực tế yêu cầu cứu trợ khẩn cấp đến người dân?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo quan điểm của tôi, Nghị định 64/2008/NĐ-CP hay Thông tư 72/2008/TT-BTC là các văn bản pháp luật đã được ban hành từ cách đây 12 năm, cho nên, không thể chi phối được tất cả những việc đang diễn ra tại thời điểm của năm 2020.

Hiện tại, việc các cá nhân, tổ chức thiện nguyện quyên góp, hỗ trợ cho đồng bào miền Trung là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong khi đồng bào đang gặp khó khăn. Vì vậy, thiết nghĩ cần có các quy định pháp luật rõ ràng, chi tiết hơn để có sự hướng dẫn chặt chẽ cũng như bảo vệ các cá nhân, tổ chức có hoạt động thiện nguyện đúng đắn.

- Vậy để thuận lợi cho việc tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ đến người dân kịp thời, cơ quan chức năng cần có những thay đổi gì?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Cứu trợ đồng bào đang khó khăn là việc chung của toàn xã hội, không phải của riêng ai. Để thuận lợi cho việc tiếp nhận, phân phối tiền hàng cứu trợ đến người dân kịp thời, theo tôi, các cơ quan chức năng cần nắm bắt rõ tình hình bão lũ thông qua các kênh dự báo, phải nắm được tình hình các khu dân cư ở vùng thấp, trũng trong phạm vi quản lý của mình. Chúng ta cần chủ động, nhanh chóng có phương án tổ chức kêu gọi các cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Và đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các cá nhân, tổ chức có hoạt động thiện nguyện cùng chung tay cứu trợ đồng bào. Từ đó, các cơ quan chức năng vừa có thể quản lý được công việc hỗ trợ, vừa có thể huy động được lực lượng lớn sức người và của trong xã hội.

- Xin cảm ơn Luật sư!