Các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam bị rút ròng hơn 1.400 tỉ đồng trong 2 tuần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Áp lực rút vốn tại các quỹ ETF như VFMVN30 ETF, VFMVN Diamond ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF được đẩy mạnh đáng kể trong tuần từ 14-18/8/2023.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 14-18/8/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 973 tỉ đồng, theo số liệu của FiinTrade. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp các quỹ ETF bị rút ròng, với tổng số tiền rút ròng lũy kế đạt hơn 1.400 tỉ đồng.

Dữ liệu của FiinTrade cho thấy, xu hướng rút ròng ở các quỹ ETF ngoài chủ yếu tập trung ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, với giá trị gần 335 tỉ đồng.

Trong khi đó, các quỹ ETF trong nước rút ròng mạnh mẽ hơn 910 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là VFMVN30 ETF và VFMVN Diamond ETF, với giá trị rút ròng lần lượt đạt 560 tỉ đồng và 364 tỉ đồng.

fiintrade 2.png

Tính đến ngày 18/8, tổng tài sản của 3 quỹ ETF vừa nêu lên tới 48.905 tỉ đồng. Trong đó, quy mô của quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF lên tới 21.151 tỉ đồng.

Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút vốn từ nhiều tuần trước. Quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại).

Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, các quỹ ETF tại Đông Nam Á bị rút ròng 73 triệu USD trong tuần từ 14-18/8, mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Áp lực rút vốn tăng mạnh trên các quỹ ETF chủ đạo của Việt Nam và Indonesia, trong khi lực cầu tại Malaysia đã sụt giảm đáng kể.

Tại Việt Nam, hoạt động bán của khối ngoại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu và năng lượng, khi MSN và PVS bị bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực với VPB, BVH và STB bị thoái vốn nhiều nhất.

Ngược lại, lực cầu tập trung trên lĩnh vực bất động sản và nguyên vật liệu khi dòng vốn vào gia tăng trên VRE, VIC, KBC, VHM, HPG, và HSG./.