Các nước trên thế giới gấp rút tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19, rút ngắn thời gian chờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều nước trên thế giới đang mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 hoặc thu hẹp khoảng thời gian chờ giữa các mũi tiêm để đối phó với biến chủng Omicron.
Nhiều nước đã và đang thực hiện chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 để chống biến chủng Omicron (Ảnh: Reuters)
Nhiều nước đã và đang thực hiện chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 để chống biến chủng Omicron (Ảnh: Reuters)

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy lượt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên – thường là bao gồm 2 mũi tiêm – có thể không đủ để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, nhưng một mũi tăng cường thứ ba lại có thể có tác dụng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vài tháng gần đây nói rằng việc tiêm chủng vaccine đợt đầu – chứ không phải mũi tiêm tăng cường – nên được ưu tiên, mặc dù họ khuyến cáo nên tiêm mũi tăng cường cho những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người từng được tiêm vaccine bất hoạt.

Bắc Mỹ

Cơ quan Y tế Mỹ ngày 19/11 đã công bố mở rộng diện người đủ điều kiện để nhận mũi tiêm tăng cường, theo đó tất cả những người lớn đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 đủ điều kiện tiêm mũi thứ ba.

Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ hiện đang đưa ra hướng tiếp cận thận trọng hơn so với trước đây, và vào ngày 30/11 năm ngoái nói rằng mọi công dân trên 18 tuổi nên đi tiêm mũi tăng cường, bởi sự trỗi dậy của biến chủng Omicron đã cho thấy rõ tầm quan trọng của vaccine.

Hội đồng Cố vấn Quốc gia Canada về Miễn dịch cũng khuyến cáo rằng, những người bị mắc chứng suy giảm miễn dịch mức độ nặng hoặc trung bình nên tiêm mũi tăng cường của một loại vaccine mRNA đã được cấp phép sử dụng.

Châu Âu

Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 24/11 ra khuyến cáo tiêm mũi thứ ba đối với tất cả người lớn, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi. Trước đó, cơ quan này đề xuất rằng mũi tiêm tăng cường nên được tiêm cho những người dễ bị tổn thương ở độ tuổi lớn hơn và những người có hệ miễn dịch yếu.

Ủy ban châu Âu hiện đang khuyến cáo những người đã tiêm vaccine đầy đủ đi tiêm mũi tăng cường vào thời điểm không quá 6 tháng kể từ sau mũi thứ hai. Vào ngày 9/12, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu nói rằng dữ liệu sẵn có cho thấy mũi tiêm tăng cường nên được sử dụng sau 3 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.

Hiện có nhiều nước châu Âu đang tổ chức tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ trong đợt đầu tiên.

Áo dự kiến sẽ sớm đề xuất tiêm mũi tăng cường cho nhóm tuổi trên 12, cách 4 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai; trong khi Bỉ áp dụng với nhóm trên 18. Anh cũng đang tăng tốc chương trình tiêm mũi tăng cường đối với người trên 18 tuổi, cách 3 tháng so với mũi thứ hai. Cộng hòa Séc, Đan Mạch sẽ giảm khoảng thời gian chờ tiêm mũi tăng cường đối với nhóm tuổi 18-39 từ 6 tháng xuống còn 4 tháng rưỡi.

Tính đến ngày 29/12, Pháp đã phân phối gần 24 triệu mũi tiêm tăng cường, giảm thời gian chờ từ 5 xuống 4 tháng. Đức cũng tổ chức tiêm mũi tăng cường cho nhóm người trên 18 tuổi, thời gian chờ là 3 tháng. Hy Lạp áp dụng thời gian chờ 3 tháng kể từ mũi thứ hai hoặc sau khi đã khỏi COVID-19…

Một số quốc gia cũng tổ chức tiêm mũi tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu, người già hoặc nhóm người dễ bị tổn thương.

Bulgaria, Phần Lan giảm thời gian chờ xuống còn 3 tháng. Lithuania, Bồ Đào Nha có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho khoảng 1/4 dân số vào cuối tháng 1/2022. Slovakia, Tây Ban Nha mở rộng diện được tiêm mũi tăng cường, trong đó giảm điểm kiện từ trên 60 tuổi xuống trên 40 tuổi.

Châu Phi

Một số quốc gia châu Phi cũng đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên lục địa này khá thấp – chỉ khoảng 7,5% toàn dân số của châu lục đã được tiêm đầy đủ, theo WHO.

Ai Cập ngày 16/12 đã phê chuẩn kế hoạch tiêm mũi tăng cường đối với những người đã tiêm đầy đủ vaccine, thời gian chờ là 6 tháng. Trước đó, họ chỉ tiêm mũi tăng cường cho những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi COVID-19. Kenya cũng đã tổ chức tiêm mũi tăng cường với khoảng thời gian chờ sau mũi thứ hai là 6 tháng.

Morocco, hiện đang là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, cũng đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba từ tháng 10. Nigeria bắt đầu tiêm mũi tăng cường từ ngày 10/12 đối với những người đã tiêm đầy đủ. Nam Phi bắt đầu tiêm mũi tăng cường của Johnson & Johnson từ ngày 24/12. Tunisia áp dụng thời gian chờ 5 tháng sau mũi tiêm thứ hai. Zambia tiêm mũi tăng cường từ ngày 27/12, áp dụng với người trên 18 tuổi, ưu tiên nhân viên y tế và những người có bệnh nền.

Châu Á, Trung Đông

Bangladesh hiện đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Trong khi, Ấn Độ sẽ bắt đầu kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế tuyến đầu từ ngày 10/1/2022, do số ca nhiễm biến chủng Omicron đang tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc. Tại Kuwait, chính phủ sẽ sớm yêu cầu những du khách tới nước này phải là những người đã tiêm mũi tăng cường, thời gian chờ 9 tháng.

Ở Bahrain, chính quyền tổ chức tiêm mũi tăng cường vaccine Sputnik V của Nga cho tất cả những người trên 18 tuổi, thời gian chờ là ít nhất 6 tháng. Campuchia tiêm mũi tăng cường của AstraZeneca, trong khi Indonesia áp dụng chỉ với nhân viên y tế. Israel tiêm mũi tăng cường đối với người trên 12 tuổi, thời gian chờ 4 tháng; và đã bắt đầu tiêm mũi thứ tư cho những người trên 60 tuổi và những người đã tiêm mũi thứ ba được 4 tháng.

Malaysia áp dụng chương trình tiêm mũi tăng cường với người trên 18 tuổi, bắt buộc đối với nhóm trên 60 tuổi, những người đã tiêm vaccine của Sinovac và những nhóm dễ tổn thương. Philippines giảm thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống còn 3 tháng, còn Singapore giảm xuống còn 5 tháng.

Hàn Quốc giảm thời gian chờ đối với tất cả người lớn xuống còn 3 tháng. Ở Thái Lan, mũi tiêm tăng cường của AstraZeneeca hay các loại vaccine mRNA khác được tiêm cho người đã được tiêm vaccine của Sinovac. Thổ Nhĩ Kỳ và UAE tiêm mũi tăng cường bắt buộc đối với những người đã tiêm vaccine của Sinopharm.

Trung Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế từ đầu tháng 12 năm ngoái, và sẽ bắt đầu tiêm cho người già bắt đầu từ tháng 1/2022, thời gian chờ giảm từ 8 tháng xuống còn 6 tháng.