Các nước láng giềng khốn đốn về dịch bệnh mất kiểm soát ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi COVID-19 ở Ấn Độ mất kiểm soát, dịch bệnh ở nhiều nước xung quanh cũng nóng lên, ngoài Nepal, Maldives và Sri Lanka cũng lập kỷ lục về số ca nhiễm trong một ngày, người dân Pakistan đổ tới nhà thờ.
Bất chấp dịch bệnh, người dân Pakistan ở Peshawa hôm 7/5 tập trung kín bên trong và phía ngoài nhà thờ để cầu nguyện (Ảnh: AP).
Bất chấp dịch bệnh, người dân Pakistan ở Peshawa hôm 7/5 tập trung kín bên trong và phía ngoài nhà thờ để cầu nguyện (Ảnh: AP).

Ấn Độ: nghị sĩ đảng cầm quyền khuyến khích uống nước tiểu bò phòng bệnh

Theo tin của báo India Today ngày 8/5, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành ở Ấn Độ, một thành viên của Đảng Nhân dân (BJP) cầm quyền tại bang Uttar Pradesh đã quay một video tự mình làm gương uống nước tiểu bò, nói làm như thế có thể ngăn ngừa nhiễm virus gây COVID-19.

Theo báo này, ông Surendra Singh, một nghị sĩ là thành viên của Đảng BJP ở quận Barea của bang Uttar Pradesh, đã bày cho dân chúng cách thu thập nước tiểu bò và uống nó trong một video. Ông cũng nói, tốt nhất nên uống vào buổi sáng lúc bụng đói, cho biết đây là bí quyết của ông để duy trì sức khỏe tốt, ngoài ra còn giúp ngăn ngừa SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, bệnh tim và các bệnh khác. Surendra Singh cho biết dù có tin vào khoa học hay không thì ông cũng hoàn toàn tin tưởng vào tác dụng của nước tiểu bò. Ngoài ra, ông cũng cho rằng nếu khó lấy nước tiểu bò trực tiếp thì tinh bột nghệ rang nóng cũng có thể giúp ích cho sức khỏe.

Ông Surendra Singh, nghị sĩ Đảng BJP ở bang Uttar Pradesh bày cho dân chúng uống nước tiểu bò để phòng COVID-19 (Video: Sina).

Trước đó ít ngày, hôm 23/4, ông Kishor Bindal, Tổng thư ký Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã chia sẻ đoạn video một thành viên BJP cho một bệnh nhân COVID-19 nặng uống nước tiểu bò để chữa bệnh lên tài khoản Twitter cá nhân với tiêu đề "Các thành viên của Đảng BJP giúp điều trị cho bệnh nhân COVID-19". Sau khi đoạn phim được đăng tải đã lập tức khiến cư dân mạng dậy sóng. Họ tới tấp bày tỏ ý kiến, cho rằng: “Hành vi phản khoa học này rất hoang đường, đó thực sự là giết người”, “Bệnh nhân đang thở máy lại bị ép uống nước tiểu bò, làm sao họ thở được?”, “nên chấm dứt hành vi này...”.

Maldives: tai họa từ những người nổi tiếng Ấn Độ đổ xô tới tránh dịch

Maldives là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, 57% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ngày 7/5 quốc gia chỉ hơn 540 ngàn dân này đã có tới 766 ca nhiễm mới được ghi nhận, đây là mức cao kỷ lục kể từ khi bùng phát đại dịch, đưa tổng số người nhiễm COVID-19 lên tới 34.134 với 82 người tử vong.

Theo CNN đưa tin, nền kinh tế Maldives rất phụ thuộc vào ngành du lịch, vì vậy nước này đã mở cửa biên giới vào tháng 7/2020, trở thành quốc gia đầu tiên mở cửa chào đón du khách nước ngoài trong thời kỳ dịch bệnh.

Các nhà giàu Ấn Độ tới Maldives du lịch mang theo SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Các nhà giàu Ấn Độ tới Maldives du lịch mang theo SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Do vị trí địa lý gần với Ấn Độ nên sau khi đảo quốc này mở cửa trở lại, du khách Ấn Độ trở thành nguồn khách lớn nhất. Từ tháng 1 đến tháng 3, hơn 70.000 người Ấn Độ đã đến du lịch Maldives. Ngay cả sau khi dịch bệnh ở Ấn Độ trở nên tồi tệ, khu nghỉ dưỡng này càng trở thành nơi tốt nhất để những người Ấn Độ giàu có đến “trốn dịch”, nhưng tất nhiên cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở Maldives.

Sri Lanka: Tết năm mới làm trầm trọng thêm dịch bệnh

Sri Lanka ghi nhận 1.939 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được xác nhận vào ngày 5/5, đây cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo các báo, ngày 13 và 14/4 là ngày Tết năm mới của địa phương, các đường phố chật kín người ăn mừng, điều này đã trở thành nguyên nhân của một làn sóng dịch mới. Tính đến ngày 7/5, nước Srilanka hơn 21,4 triệu dân đã có 121.338 người bị bệnh với 764 người tử vong.

Cảnh sát Colombo bắt giữ người vi phạm quy định phòng dịch hôm 7/5 (Ảnh: AP).

Cảnh sát Colombo bắt giữ người vi phạm quy định phòng dịch hôm 7/5 (Ảnh: AP).

Tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương không đạt yêu cầu, hiện mới chỉ có 4,3% dân số được tiêm một hoặc nhiều liều vaccine, nguồn cung còn thiếu. 600.000 liều vaccine Astra Zeneca đặt hàng từ Ấn Độ vẫn chưa được giao theo kế hoạch. Trước tình hình đó, chính quyền Colombo đã thực hiện việc phong tỏa để chống lại dịch bệnh, ngày 5/5, họ tuyên bố mở rộng việc phong tỏa ra nhiều địa phương, với hy vọng sẽ dập tắt được dịch bệnh. Hiện nay 13 trong số 25 đơn vị hành chính cấp tỉnh đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm.

Với sự lây lan của dịch bệnh từ Ấn Độ sang Nam Á, ngày 6/5 Sri Lanka tuyên bố đóng cửa biên giới với Ấn Độ, trở thành quốc gia mới nhất đóng cửa biên giới với Ấn Độ sau Nepal và Bangladesh. Trong 24 giờ tính đến sáng 6/5, Sri Lanka đã thông báo về 1.939 trường hợp nhiễm COVID-19 mới và thêm 14 người bị chết. Hải quân Sri Lanka cho biết đã tăng cường tuần tra để ngăn chặn tàu đánh cá của Ấn Độ tiếp cận. Họ cũng nói rằng 11 tàu đánh cá như vậy đã bị chặn bắt. Sri Lanka cũng thông báo lệnh cấm nhập cảnh hành khách các chuyến bay từ Ấn Độ.

Biểu đồ cho thấy số ca bệnh ở Srilanka đang tăng theo chiều thẳng đứng (Ảnh: AP).

Biểu đồ cho thấy số ca bệnh ở Srilanka đang tăng theo chiều thẳng đứng (Ảnh: AP).

Pakistan: dân chúng đổ xô đến các nhà thờ Hồi giáo

Chính phủ Islamabad đã tăng cường các biện pháp chống dịch. Các trường học và nhà hàng bị đóng cửa, nhưng các cuộc tụ tập tôn giáo bị cáo buộc là kẽ hở trong cuộc chiến chống dịch.Tính đến ngày 8/5, Pakistan có tổng số 854.000 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 và gần 19.000 ca tử vong. Tuy nhiên, do số lượng người được xét nghiệm hạn chế tại các địa phương và hệ thống y tế không hoàn hảo, những con số này được cho là không phản ánh đúng tình hình thật của dịch bệnh.

Theo RFI ngày 8/5, Pakistan hiện đang đối mặt với đợt đại dịch thứ 3. Các trường học và nhà hàng đã phải đóng cửa, các cơ sở kinh doanh đóng cửa sớm mỗi đêm và quân đội được huy động để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, những tín đồ sùng đạo từ khắp đất nước vẫn đổ về các nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện hàng đêm.

Các quan chức Pakistan rất lo lắng vì dịch bệnh đang hoành hành ở nước láng giềng Ấn Độ, họ đã dần thắt chặt các hạn chế phòng dịch và cấm đi lại trong dịp lễ ăn chay Eid al-Fitr của Hồi giáo sắp tới.

Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, số lượng tín đồ tham gia các buổi cầu nguyện hàng ngày tăng lên, đặc biệt là sau khi kết thúc thời gian nhịn ăn và trong các buổi thuyết pháp jumah vào mỗi chiều thứ Sáu hàng tuần.

Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên trong một nhà thờ ở Karachi (Ảnh: AP).

Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên trong một nhà thờ ở Karachi (Ảnh: AP).

Các nhà thờ Hồi giáo trên khắp Pakistan chật cứng người vào chiều thứ Sáu ngày 7/5. Lễ Eid al-Fitr năm nay là ngày 13/5 và thứ Sáu ngày 7/5 là lần thuyết pháp và cầu nguyện cuối cùng trước lễ bắt đầu ăn chay Eid al-Fitr.

Các chuyên gia y tế Ấn Độ cho rằng, các cuộc tụ tập tôn giáo ở nước này là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Nhưng cảnh báo này không gây ra thay đổi trong chính sách hoặc hành vi ở Pakistan. Chính phủ Pakistan làm ngơ trước các hoạt động tôn giáo vì sợ nếu ngăn chặn các hoạt động tôn giáo sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ các tín đồ.

Ông Saeedullah Shah, một bác sĩ thuộc Nhóm Công tác về Dịch bệnh của Hiệp hội Y khoa Hồi giáo Pakistan (Pakistan Islamic Medical Association), cho biết: (Chính phủ) có nhiều lo ngại về phản ứng dữ dội từ các nhóm tôn giáo. Ông nói với AFP: "Chính phủ rất yếu kém. Họ nửa vời trong mọi việc".