|
Ảnh minh họa |
Một sự thật mà không phải ai cũng dám nói về ngành review sản phẩm.
Sau một năm làm việc cật lực, bạn dành dụm được một số tiền và bạn quyết định sẽ dùng nó để lên đời smartphone. Đương nhiên, bạn đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được số tiền đó, vậy nên bạn sẽ không muốn bỏ phí vào một sản phẩm không tốt. Đây chính là lý do những bài review các sản phẩm được tạo ra. Bạn sẽ đọc (hoặc xem) chúng, biết được ưu/nhược điểm của từng sản phẩm để từ đó đưa ra quyết định cho mình.
Với việc trên thị trường có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn, người dùng cần có một người dẫn lối để lựa chọn cái tên phù hợp - và trọng trách đó được giao cho những reviewer (người đánh giá)
Do những bài review được thực hiện bởi con người, và mỗi người lại có một cảm xúc khác nhau với từng sản phẩm, vậy nên có rất nhiều nhân tố có thể gây ảnh hưởng tới kết quả đánh giá. Có người thích smartphone cỡ lớn, có người ghét chúng. Có người thích máy làm bằng kim loại, có người lại thích máy làm bằng kính. Có người thích thương hiệu này, nhưng cũng có người lại ác cảm với nó. Đây là một điều dễ hiểu, do con người chúng ta sinh ra không ai giống một ai.
Thế nhưng, còn một nhân tố khác cực kỳ nguy hiểm mà có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của bài đánh giá. Các bạn có biết là gì không? Đó chính là tiền - hay nói một cách rõ ràng hơn là việc các nhà sản xuất trả tiền cho các reviewer để nói tốt về sản phẩm của họ. Tại sao lại nói nó là nguy hiểm? Đơn giản là vì khi nhận tiền, những reviewer này sẽ không còn là bản thân họ nữa. Với những điều họ không thích ở một sản phẩm, thay vì sẵn sàng bày tỏ những cảm nghĩ chân thành của mình, thì họ sẽ lờ đi hoặc dùng các biện pháp nói giảm, nói tránh để người tiêu dùng coi nhẹ hoặc thậm chí là không biết về chúng.
Tiền không mua được mọi thứ, nhưng sức mạnh của nó thì quả thực là ghê gớm
Đây là David Rahimi, hay còn được biết với cái tên PhoneBuff. Anh là một Youtuber công nghệ khá nổi tiếng với gần 700 nghìn subscribers và 150 triệu lượt xem video. Mới đây, anh này đã đăng tải một video nói về "vấn nạn" các hãng trả tiền cho các reviewer nổi tiếng. Khi nói đến việc "trả tiền", nhiều người sẽ nghĩ rằng các reviewer sẽ đơn giản là nhận một cục tiền lớn, nêu nhận xét tốt, và thế là xong. Nhưng thực chất thì mọi chuyện không đơn giản (và lộ liễu) như vậy.
David Rahimi (PhoneBuff)
Một trong những điều quan trọng nhất khi tạo dựng các nội dung quảng cáo, đó chính là làm sao để người đọc không biết rằng mình đang đọc quảng cáo. Trong trường hợp này cũng vậy, nếu như các reviewer nhận tiền trực tiếp thì họ sẽ buộc phải nói rằng đây là nội dung quảng cáo, ít nhất là việc chi trả này được ghi lại dưới sự quản lý của luật pháp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì bài review sẽ chẳng còn giá trị nữa, và cũng sẽ chẳng ai xem nữa - vì ai cũng biết rằng đây chỉ là một bài quảng cáo "trá hình". Vậy thì các hãng sẽ làm gì?
Đây cũng chính là điều mà David đã chia sẻ. Theo anh, từ lâu các hãng đã có một hình thức chi trả gián tiếp khác - một hình thức mà không có sự tham gia của đồng tiền, không có hợp đồng, không có cam kết nào giữa các hãng sản xuất và reviewer, và từ đó sẽ không thể bị phát hiện. Câu trả lời chính là việc reviewer được quyền sử dụng và đánh giá các sản phẩm công nghệ trước thời điểm ra mắt.
Hãy tưởng tượng bạn là một reviewer công nghệ nổi tiếng. Một ngày đẹp trời, bạn nhận được một email từ Apple chẳng hạn, và nó nói rằng "iPhone 7 phải tuần sau mới ra mắt, nhưng chúng tôi muốn gửi trước cho bạn dùng thử chiếc máy này, và bạn sẽ có cơ hội làm một bài review nhanh hơn tất cả những reviewer khác. Bạn hứng thú chứ?" Chắc chắn, câu trả lời của bạn sẽ là có.
Hướng dẫn sử dụng "đặc biệt" của Apple, phiên bản dành riêng cho các reviewer
Bạn là một reviewer công nghệ - được sử dụng chiếc iPhone 7 trước mọi người không chỉ đến từ niềm đam mê, mà còn là việc bạn sẽ thu hút được một lượng người quan tâm rất lớn. Nếu chiếc iPhone 7 được ra mắt vào đêm hôm trước, mà sáng ngày hôm sau bạn đã có video trên tay đầu tiên, chắc chắn nó sẽ trở thành tâm điểm của truyền thông. Tôi sẽ xem nó, bạn cũng xem nó, tất cả mọi người sẽ cùng xem nó - vì iPhone 7 đang là chủ đề hot nhất thời điểm đó.
Và sẽ không khó hiểu khi thấy video về chiếc iPhone 7 của bạn sẽ có hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem. Kết quả? Bạn sẽ nhận được một khoản tiền lớn từ Youtube qua việc chèn quảng cáo từ video đó. Không chỉ đem đến lợi ích ngắn hạn, mà nó còn đem đến cả lợi ích dài hạn khi lượng subscribers của kênh bạn cũng sẽ tăng mạnh, các video mà bạn làm ra về sau cũng sẽ được xem nhiều hơn, và tiền cũng sẽ chảy về túi bạn ngày một nhiều. David cho rằng lợi ích này có ý nghĩa (và giá trị) không khác gì, thậm chí là còn lớn hơn một khoản tiền mà các hãng chi trả trực tiếp cho reviewer.
Một video trên tay sản phẩm sớm (trong trường hợp này là iPhone 7) có thể thu hút hàng triệu lượt xem
Đến đây, bạn sẽ tự hỏi: "Tại sao? Tại sao Apple, Samsung hay một hãng nào đó lại chọn reviewer này để sử dụng trước sản phẩm của họ, nhưng không phải là reviewer kia?" Nhiều người cho rằng các hãng sẽ chọn các website công nghệ, hay các channel Youtube lớn, vì làm như vậy sản phẩm của họ sẽ có cơ hội được tiếp cận với đối tượng người dùng lớn hơn. Điều này là đúng, nhưng không hẳn là tuyệt đối. Các hãng muốn không chỉ sự quan tâm của người dùng, mà quan trọng hơn, sự quan tâm đó phải được chuyển hóa thành một phản ứng tích cực về sản phẩm.
Một số reviewer nổi tiếng trên thế giới hiện nay: MKBHD - UnboxTherapy - Austin Evans - Jonathan Morrison và UrAvgConsumer
Những bài đánh giá sớm luôn thu hút được lượng người quan tâm đông đảo nhất. Chính vì vậy, các hãng mong muốn những bài đánh giá này mang thái độ tích cực về sản phẩm của họ. Các nhà sản xuất không "thừa hơi" khi gửi các sản phẩm của họ cho các reviewer - họ là doanh nghiệp, và với mỗi doanh nghiệp thì mục tiêu hàng đầu là lôi kéo người dùng mua sản phẩm và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Về phía các reviewer, khi nhận thấy nguồn doanh thu khổng lồ và mối quan hệ khăng khít với nhà sản xuất - thứ sẽ giúp họ tiếp tục nhận được các sản phẩm sớm hơn trong tương lai, liệu bạn có dám đứng lên chỉ trích sản phẩm và khước từ cơ hội "đổi đời" này? Không nhiều người dám làm được như vậy.
Đương nhiên, chúng ta cần một dẫn chứng cụ thể để chứng tỏ cho quan điểm trên, và David là người hiểu rõ hơn ai hết. Vào thời điểm chiếc Galaxy S6 sắp được ra mắt, David và một nhóm các reviewer khác được mời để sử dụng trước sản phẩm, và họ có thể tung ra video khi buổi ra mắt sản phẩm còn đang diễn ra.
Video về Galaxy S6 mà David có dịp trên tay trước đạt được 1,8 triệu lượt xem
Với lợi thế về thời gian, trong khi các reviewer khác còn đang xem buổi lễ, David đã có một video hoàn chỉnh về các tính năng mới của Galaxy S6. Video đó ngay lập tức thu hút một lượng quan tâm khổng lồ và tính đến nay đã đạt 1,8 triệu lượt xem. Vào thời điểm đó, khi PhoneBuff mới chỉ có hơn 300,000 subscribers và lượng view thông thường chỉ khoảng 500,000 views, thì 1,8 triệu là một con số khổng lồ. David thu về một số tiền kha khá từ video đó, kéo theo đó là một lượng subscribers không nhỏ.
Nhưng điều quan trọng hơn, David đã tạo dựng được một mối quan hệ với Samsung. Không chỉ được mời tham gia các sự kiện ra mắt sản phẩm lớn hay nhận quà dịp Giáng Sinh, anh tiếp tục có cơ hội được sử dụng (và làm video) các sản phẩm của hãng sớm hơn tất cả mọi người.
David được mời tham gia các sự kiện họp báo...
... và được nhận cả quà Giáng Sinh nữa
Nhưng rồi, vào một ngày "xấu trời", mối quan hệ giữa David và Samsung đột ngột kết thúc. Samsung không còn liên lạc với David, và anh này cảm thấy mình như lọt vào danh sách đen của Samsung. David tỏ ra ngẩn ngơ vì video mà anh làm cho Samsung về chiếc Galaxy S6 có phản hồi rất tốt. Vậy lý do nào đã khiến anh ra nông nỗi này?
Thoạt đầu, David không rõ lý do là gì. Nhưng khi nhìn lại channel của mình, David nghĩ rằng mình đã biết tại sao. Khoảng một tháng sau khi Galaxy S6 ra mắt, anh này đã đăng tải một video thử độ bền giữa iPhone 6 và Galaxy S6 khi bị thả rơi. Rõ ràng, Galaxy S6 với vỏ kính chịu thua toàn tập trước iPhone. Trong một video khác khi mà anh này so sánh hiệu năng nữa Galaxy S6, iPhone 6 và HTC One M8, chiếc Galaxy S6 cũng chịu thua hai đối thủ (do vấn đề quản lý RAM yếu kém mà TouchWiz thời đó gặp phải). Đây là lý do mà David cho rằng đã khiến cho Samsung tức giận và kết thúc mối quan hệ với anh.
Galaxy S6 thất bại trước iPhone 6 trong bài thả rơi do David thực hiện
Và sau đó, nó lại tiếp tục thất bại trong bài so sánh hiệu năng với hai đối thủ
David cũng thú nhận rằng mình cảm thấy khá "tội lỗi" vì đã đăng tải hai video trên, mặc cho việc Samsung đã tạo cho anh rất nhiều cơ hội trước đó. Tuy nhiên, anh cũng không thể làm cách nào khác vì đó là kết quả thực tế mà anh không thể giả mạo, và là điều mà người dùng cũng cần phải biết trước khi mua sản phẩm.
Cần phải nhấn mạnh rằng: Samsung chỉ là một ví dụ trong trường hợp này, còn đây là điều xảy ra với TẤT CẢ các nhà sản xuất. Ngay cả Apple - cái tên được cho là cực kỳ kín tiếng, cũng đang "thầm lặng" liên hệ với các bên truyền thông để gửi cho họ sản phẩm sớm hơn thông thường. Và khi báo chí nói xấu về sản phẩm hay làm một điều là hãng không thích? Apple cũng sẵn sàng gạch tên.
Danh sách các báo/ẩn phẩm được Apple gửi thiết bị sớm (tính đến trước 2014)
Một ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Gizmodo. Vào năm 2009, Gizmodo từng nhận được chiếc iPhone 3GS sớm hơn thông thường để làm bài review. Thế nhưng vào năm 2010, khi sự cố chiếc iPhone 4 bản thử nghiệm bị mất ở quán bar và bài viết về nó xuất hiện trên trang web của Gizmodo, Apple chính thức ngừng toàn bộ việc cung cấp sản phẩm mới cho trang web này.
Bài viết nổi tiếng (và cũng tai tiếng) của Gizmodo về chiếc iPhone 4 bị đánh mất
Hay vào năm 2014, khi sự cố bẻ cong của iPhone 6 và 6 Plus bắt đầu rộ lên, một ấn phẩm của Đức mang tên Computer Bild đã "đổ thêm dầu vào lửa" bằng một video bẻ cong. Lập tức, Apple đã "tẩy chay" trang web này, ngừng gửi sản phẩm đến đây và không mời ban biên tập đến các buổi lễ ra mắt sản phẩm nữa.
Một tờ báo của Đức bị Apple tẩy chay vì đã đăng tải thông tin iPhone 6 bị bẻ cong
Khi David đánh mất mối quan hệ với Samsung, đương nhiên, anh có chút tiếc nuối khi đi đôi với đó là rất nhiều quyền lợi và các cơ hội phát triển trong tương lai. Nhưng anh có hối hận? Chắc chắn là không. Người dùng mong đợi từ các reviewer những bài đánh giá công tâm, trung thực, không thiên vị. Tiền bạc không phải chuyện đùa, và họ đã trao quyết định tiêu số tiền như thế nào, đi kèm với đó là niềm tin tưởng của mình cho các reviewer.
Với trọng trách và tầm ảnh hưởng của mình, David không muốn khán giả phải thất vọng, không muốn họ mua phải các sản phẩm không tốt, không muốn phải lo sợ mỗi khi nói về một khuyết điểm của sản phẩm và khiến ai đó tức giận, và trên hết, anh không muốn mình trở thành một con rối dễ dàng bị điều khiển. Anh muốn nói ra sự thật, bởi chỉ sự thật mới làm nên một bài review chân chính.
Theo Trí thức trẻ