Không chỉ đến hiện tại, những hệ lụy mà các nhà phát hành game phải gánh chịu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã có thể nhìn thấy từ lâu. Cũng giống như các lĩnh vực kinh tế khác, làng game Việt trong những tháng giữa năm 2020 đang phải hoạt động khá cầm chừng, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ yếu do các tác động khách quan bởi đại dịch.
Vỡ kế hoạch tổ chức các sự kiện
Ảnh hưởng dễ thấy nhất là việc hàng loạt giải đấu Thể thao điện tử phải tạm hoãn hoặc chuyển sang tổ chức online, không có khán giả theo dõi trực tiếp. Các tuyển thủ và BTC phải đảm bảo các yếu tố phòng dịch như giữ khoảng cách an toàn, trang bị bảo hộ và hạn chế giao tiếp trong quá trình thi đấu.
Khi không thể thi đấu tập trung, nhiều giải đấu đã cho phép online tại nhà. Tuy nhiên, chất lượng đường truyền cũng như các yếu tố công bằng lại trở thành vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát. Không chỉ ảnh hưởng uy tín của nhà phát hành và các đơn vị tổ chức, những hạn chế này còn ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm của người xem.
Tương tự, các tựa game khác cũng vậy. Dù đã lên kế hoạch từ lâu, thế nhưng hàng loạt sự kiện offline như sinh nhật Tru Tiên 3D 3 tuổi, Funfes, sinh nhật Audition...đành thất hẹn với cộng đồng người người chơi.
Cũng rất may mắn, khi hầu hết các thông báo trì hoãn đưa ra do ảnh hưởng đại dịch, đều nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ game thủ. Bởi họ đều hiểu trách nhiệm của mỗi người, trong hoàn cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp.
Chậm tiến độ ra mắt sản phẩm
Tiến độ ra mắt sản phẩm nằm ngoài tầm tay của các nhà phát hành game. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu cũng như uy tín.
Nguyên nhân bên cạnh việc một lượng nhân sự phải tự cách ly hoặc chủ động giãn cách, đối tác Trung Quốc tạm nghỉ do dịch cũng khiến quá trình hỗ trợ sản phẩm bị kéo dài.
“Những vấn đề pháp chế liên quan đến giấy tờ cũng bị xử lí chậm hơn (do làm việc work from home). Sản phẩm đang chạy bị ảnh hưởng vì không xử lí kịp thời, sản phẩm mới bị trì hoãn”, đại diện nhà phát hành Gamota nói với PV.
Thuận lợi nếu nắm bắt được cơ hội
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động của đại dịch, thế nhưng đây cũng là một cơ hội cho các nhà phát hành game nếu nắm bắt kịp thời. Dễ dàng nhận thấy, lượng người chơi ở các tựa game đã gia tăng đột biến trong thời gian giãn cách.
Khi làm việc ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội, game online được lựa chọn như một loại hình giải trí hàng đầu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mùa dịch năm nay cũng không ảnh hưởng nhiều tới thị trường game, theo đánh giá của đại diện nhà phát hành Funtap.
Có một số thời điểm còn là cơ hội để lauching (ra mắt) sản phẩm được tốt hơn vì mọi người có nhiều thời gian rảnh để tìm kiếm những game giải trí. Theo đại diện Funtap, nổi bật nhất là dự án Vân Mộng ra mắt từ 22/7 tới nay đa thu về 2 triệu người chơi –
Cũng ghi nhận thêm tín hiệu tích cực, đại diện Gamota cho biết: “Số lượng game ra mắt đợt dịch giảm, nhưng lượng người chơi lại tăng trưởng 30% so với trước dịch”.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Kiên, CEO DECO Online Entertainment tiết lộ, lượng người chơi và doanh thu của tựa game do đơn vị này vận hành tăng khoảng 10% trong giai đoạn này. “Vì đây là biến động ngắn hạn nên vẫn duy trì các hoạt động như bình thường và không có biện pháp kích cầu hoặc quảng bá”, ông Kiên nói thêm.