Tròn 100 ngày từ khi phát hiện phát hiện ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19:

Các nhà khoa học Việt Nam đã làm gì để chống lại virus SARS-CoV-2 trong 100 ngày qua?

VietTimes -- Hôm nay (3/5) tròn 100 ngày kể từ khi Việt Nam phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên. Suốt quá trình đó, cùng với các bác sĩ hết lòng điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã bắt tay nghiên cứu để tìm ra các loại vũ khí phòng và chống lại chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) đã khiến hơn 3 triệu người trên thế giới mắc bệnh và hơn 240 nghìn người tử vong.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Hoàng Anh

Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2

Ngay từ khi bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam (2 cha con ở Vũ Hán, Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. Hồ Chí Minh), các nhà khoa học tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu virus SARS-CoV-2.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 7/2, các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Chia sẻ về quá trình nuôi cấy, phân lập virus, GS. TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – cho biết: Viện đã sử dụng những tế bào đặc hiệu để nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình thực hiện, virus không ngừng nhân lên chứng tỏ rất hợp với các sinh phẩm cũng như dòng tế bào mà Viện đang thử nghiệm.

GS. TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy 

Việc nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 không chỉ giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các bộ sinh phẩm chẩn đoán sớm bệnh viêm đường hô hấp cấp, mà còn đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Ra mắt sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19 “made in Vietnam”

Sau khi nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng.

Điểm khác biệt đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện, để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Việt Nam đã phát triển được sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 thay thế nguồn nước ngoài. Ảnh: BYT

Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh do Việt Nam tự sản xuất có 4 ưu điểm: Dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, kể cả tuyến huyện; độ an toàn cao vì xét nghiệm qua mẫu máu; độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%.

Đặc biệt, giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện, Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm để tìm ra người nhiễm virus SARS-CoV-2

Các nước trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với virus SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp Realtime-PCR) và xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

Đến nay, Việt Nam đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới.

Hiện cả nước có 112 phòng xét nghiệm Realtime - PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định bệnh nhân mắc COVID-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).

Phương pháp Realtime-PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus và khẳng định chắc chắn bệnh nhân đang có virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Phương pháp này đòi hỏi chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu.

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo.

Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn so với phương pháp Realtime-PCR nên dễ cho kết quả nhầm lẫn và bỏ sót người mắc bệnh.

Vì vậy, phương pháp Realtime-PCR được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đang phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm trên để kiểm soát dịch bệnh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực để điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19.

Đáng chú ý, bộ KIT xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu và sản xuất đã được WHO và Vương quốc Anh công nhận chất lượng, có thể sử dụng trên toàn cầu.

Thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên chuột

Mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) của Bộ Y tế đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine phòng bệnh COVID-19 và đã tiến hành tiêm thử nghiệm trên động vật.

Từ tháng 1/2020, các nhà khoa học của Công ty VABIOTECH đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) tập trung nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus.

Nghiên cứu vaccine trên chuột. (Ảnh minh họa - T.L)

Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virrus SARS-CoV-2 trong thành phần vaccine khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại virus, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vaccine.

Tuần tới, mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) để chống lại virus SARS-CoV-2.

Nhiều bệnh viện sử dụng robot để ứng phó với dịch COVID-19

Khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, các y, bác sĩ tại bệnh viện phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm chéo khi trực tiếp tiếp xúc với người bệnh. Nhằm giảm bớt thời gian tiếp xúc với người bệnh trong khu cách ly, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, nhiều bệnh viện đã sử dụng robot trong khu vực cách ly.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, robot lau sàn, khử khuẩn có tên NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện. Đây là sản phẩm do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng để phục vụ trong khu điều trị bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ứng phó với dịch COVID-19.

Robot lau sàn, khử khuẩn NaRoVid1tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: Lê Mai) 

Robot lau sàn, khử khuẩn NaRoVid1 chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động và làm việc liên tục trong 2 giờ đồng hồ. 

Theo TS. BS. Trần Minh Quân - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - việc ứng dụng robot giúp các y bác sĩ tiết kiệm nhiều thời gian, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Khả năng chứa dung dịch của robot cũng giúp cho việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn được giãn cách, nếu cứ 30 phút lau một lần, robot mất khoảng 15 phút để hoạt động, như vậy một ngày nhân viên y tế chỉ cần 3 lần bổ sung dung dịch, thay vì phải ra vào phòng bệnh đến hàng chục lần một ngày nếu lau thủ công.  

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã sử dụng robot khử khuẩn để thay nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn phòng cách ly, giảm nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Robot này có hai chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sạch sàn nhà sau khi phun xong, ngoài ra, còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly.

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi chính thức đưa robot khử khuẩn phòng cách ly đi vào hoạt động (Ảnh: Hòa Bình)
 

Tại Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã chuyển giao robot “BK-AntiCovid” cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để đưa vào sử dụng tại khu cách ly của Bệnh viện. Đây là sản phẩm chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nhằm góp phần hạn chế lây nhiễm cũng như tiết kiệm chi phí sử dụng trang thiết bị bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19.

Các thành viên hướng dẫn vận hành robot cho cán bộ y tế bệnh viện. (Ảnh: Hồ Xuân Mai) 

TS. Trần Đình Vinh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết:  “Bình thường mỗi nhân viên y tế ra vào phải thay đồ bảo hộ một lần. Việc đưa robot vào khu vực cách ly sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức cho đội ngũ nhân viên y tế, và giảm thời gian tiếp xúc giữa người nghi nhiễm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch”.

Như vậy, đã tròn 100 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19, các nhà khoa học tại Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, nỗ lực tìm ra phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để chủ động phòng bệnh, giúp các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp các bác sĩ giảm nguy cơ lây nhiễm khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. 

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn tiếp tục khi có tới 14 bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng lại cho kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Vì thế, người dân cần thực hiện các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước đại dịch COVID-19.

Minh Thúy